Làm 'nông dân' trong trường học

Sinh viên trực tiếp tham gia các công đoạn như nghiên cứu, nhân giống, chiết, cắt, ghép cây hay tự tay mình chăm lo cho sự sinh trưởng của gia súc, gia cầm… đó là những việc diễn ra thường ngày tại các tiết học thực hành của sinh viên Khoa Nông - Lâm, Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Lào Cai. Mô hình kết hợp giữa lý thuyết và thực hành giúp sinh viên tiếp thu được tri thức toàn diện trong học tập tại khoa.

Sinh viên hào hứng với những tiết học tại khu vườn thực nghiệm.

Sinh viên hào hứng với những tiết học tại khu vườn thực nghiệm.

Tiến sỹ Ngô Thanh Xuân, Trưởng khoa Nông - Lâm và các sinh viên dẫn chúng tôi ra thăm khu vườn thực nghiệm. Chúng tôi thực sự choáng ngợp trước khu vườn rộng gần 4 ha. Tại đây, không khí được thanh lọc bởi hệ thống cây xanh; khu vườn lan, vườn hồng, vườn thảo dược quý hiếm, vườn cây ăn quả, khu chăn nuôi, khu trồng trọt được quy hoạch khoa học, sáng tạo. Khoa Nông - Lâm hiện có 4 chuồng nuôi gia súc, gia cầm và khu vườn thực nghiệm với các loại rau, quả 4 mùa. Nhà kính là khu vực dành cho các loài rau củ được trồng theo phương pháp ứng dụng công nghệ cao, sử dụng hệ thống tưới nước nhỏ giọt. Ngay bên cạnh là vườn lan rộng 500 m2 với hơn 3.000 giò lan thuộc 120 loài quý hiếm, hơn 50 loại hoa hồng cổ nổi tiếng. Được biết, vườn nghiên cứu và bảo tồn phong lan rừng của Khoa Nông - Lâm có độ đa dạng sinh học bậc nhất Tây Bắc. Hằng năm, khu vườn đón hàng nghìn học sinh các cấp trong tỉnh đến tham quan, trải nghiệm. Tiến sỹ Ngô Thanh Xuân tâm sự: Khu vườn này là tâm huyết của thầy và trò nhà trường, tất cả đều vì sinh viên, mong muốn mang đến cho các em những tiết học sát thực và bổ ích nhất.

Tại đó, mỗi tiết học diễn ra, sinh viên như được trở thành một nông dân thực thụ đang canh tác trên cánh đồng rộng lớn. Các bạn trẻ cũng dành tâm huyết, công sức để chăm sóc cho cây trồng, vật nuôi. Tại khu nhà lưới, một nhóm sinh viên đang tỉa lá, kiểm tra lượng nước tưới cho vườn cà chua, những cây cà chua xanh mướt trồng thẳng hàng đang trong thời gian bắt đầu ra quả được các bạn trẻ kỳ công chăm sóc. Đặc biệt, hai bạn Lù Thị Huyền và Lý Thị Hải, sinh viên ngành Khoa học cây trồng K1 là những người thường xuyên túc trực bên vườn cây, bởi các em đang cùng nhau nghiên cứu về phân bón hữu cơ và phân bón lá trên cây cà chua. Lù Thị Huyền chia sẻ: Khoảng 2 tháng nay, sáng nào chúng em cũng dậy sớm ra vườn để kiểm tra sự sinh trưởng của cây, đo diện tích lá, chiều cao của cây mỗi ngày. Lý Thị Hải cũng chia sẻ thêm: Chúng em không chỉ chăm sóc cây vào giờ thực hành, mà còn cả ngoài giờ lên lớp. Chúng em thực sự yêu thích và đam mê công việc này.

Sinh viên Phân hiệu Đại học Thái Nguyên chăm sóc vườn cây.

Sinh viên Phân hiệu Đại học Thái Nguyên chăm sóc vườn cây.

Khoa Nông - Lâm gồm có các ngành học: Khoa học cây trồng, Chăn nuôi thú y và Quản lý tài nguyên môi trường. Trong học tập, ngoài lý thuyết, thực hành là yếu tố vô cùng quan trọng. Tại khoa, sinh viên được thực hành trong thời gian đào tạo, được đi thực tế nghề nghiệp và thực hành tốt nghiệp. Những tiết học hằng ngày, sinh viên đều trở thành “nông dân” thực thụ và trực tiếp trải nghiệm những công việc như tìm hiểu quy trình trồng hoa lan, kỹ thuật trồng nấm, trồng và nghiên cứu, chăm sóc các loại rau, củ, quả…

Không chỉ chăm sóc và nghiên cứu về cây ngoài vườn, sinh viên còn đưa ra nhiều ý tưởng, sáng kiến khoa học thông minh để hỗ trợ con người trong việc chăm sóc và nghiên cứu về các loài cây. Tiêu biểu như hệ thống phun sương điều khiển bằng giọng nói. Thông qua giọng nói của con người, sau khi được máy phân tích hệ thống nước sẽ được phun tự động, ngoài ra còn cung cấp cho người điều khiển những thông tin cần thiết về cây trồng. Sinh viên của khoa dưới sự hỗ trợ của giảng viên đã cung cấp và bán ra thị trường nhiều nông sản sạch, được khách hàng hài lòng. Những sản phẩm như các loại trà thảo mộc, cà chua, bắp cải sạch được khách hàng ưa chuộng, hầu như sản xuất không đủ để cung cấp cho thị trường. Năm 2018, tại Cuộc thi Sáng tạo ý tưởng khởi nghiệp lần thứ nhất được tổ chức ở Lào Cai, ý tưởng “Sản xuất và kinh doanh nông sản sạch theo hướng công nghệ cao” của một nhóm sinh viên Khoa Nông - Lâm đã xuất sắc giành giải Nhì. Bàn Văn Kiên, sinh viên ngành Khoa học cây trồng K1 chia sẻ: Nếu nói sinh viên Khoa Nông - Lâm là nông dân thì chúng em chính là những nông dân của thời đại 4.0. Chúng em cũng trồng, tiếp xúc với cây, các loại phân, nước, sâu bệnh và nghiên cứu, áp dụng kiến thức, khoa học hiện đại vào sản xuất.

Tiết học tại khu vườn thực nghiệm.

Tiết học tại khu vườn thực nghiệm.

Những kỹ năng chăm sóc vật nuôi, cây trồng không chỉ được sinh viên thực hành trên trường, nhiều bạn trẻ đã ứng dụng kiến thức để phục vụ cho việc sản xuất, chăn nuôi tại gia đình. Sinh viên Triệu Thị Mủi cho hay: Trước đây mình không biết bọc ni lông để tránh sương muối cho cây rau. Từ khi học được cách làm đó tại trường, mình áp dụng ngay chính vườn rau ở nhà. Sản phẩm thu được đạt năng suất, chất lượng hơn với cách trồng thủ công trước đây gia đình mình vẫn làm.

Việc đào tạo kết hợp lý thuyết và thực hành mang lại hiệu quả, rộng mở thêm cơ hội tìm việc làm cho sinh viên sau khi ra trường. Tiến sỹ Ngô Thanh Xuân cho biết thêm: Với những kiến thức, kỹ năng mà chúng tôi đã đào tạo cho sinh viên của mình, tin chắc rằng sinh viên ra trường sẽ làm việc hiệu quả. Hầu hết sinh viên là con em vùng cao, rất nhiều em có nguyện vọng ra trường có thể mở những khu vườn như vườn thực nghiệm tại trường ở địa phương mình, biết đâu đó trong tương lai sẽ có những trang trại nuôi, trồng ứng dụng công nghệ cao như vậy được mở ra tại các xã vùng cao từ chính những người hôm nay đang là “nông dân” trong trường học.

Hoàng Thu

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/xa-hoi/lam-nong-dan-trong-truong-hoc-z5n20191217083016086.htm