Làm nông nghiệp tử tế trên cao nguyên Langbiang

Bằng một cách thần kỳ nào đó, nền nông nghiệp ở Langbiang (Lạc Dương, Lâm Đồng) đang có những bước tiến đáng kinh ngạc. Bắt đầu từ quãng thập niên 1990, trái cây trên vùng đất này đang dần trở thành những viên hồng ngọc vì cách con người đối xử với chúng.

Vừa bước chân lên những bậc thang của khu vực sảnh cà phê, ông Thi vừa chỉ tay về khu trang trại nằm trên triền núi, vừa khẳng định chắc nịch về độ ngon, ngọt và thuần khiết thì dâu tây, cà chua cherry, phúc bồn tử… trồng trên cao nguyên Langbiang là “độc cô cầu bại”.

“Nghệ thuật” trồng cây

Ông Nguyễn Văn Thi, sinh năm 1967, là chủ của trang trại Greenfarm, nằm ngay dưới chân núi Langbiang. Trước khi lý giải về nhận định đầy “kiêu ngạo” của mình, ông kể lại một câu chuyện về những người Kinnauri chuyên trồng táo ở phía Tây dãy Himalaya (Ấn Độ).

Suốt mấy thập kỷ qua, những vùng trồng táo của người dân sống ở ngôi làng nhỏ nằm trong thung lũng sông Sutlej cứ phải nhích dần, nhích dần lên núi cao hơn. Nguyên nhân là bởi nhiệt độ trái đất đang tăng, và cây táo chỉ sinh trưởng tốt trong khoảng từ 22-24 độ, họ buộc phải lên cao hơn.

Langbiang đang dần trở thành một trong những "thủ phủ" nông nghiệp hữu cơ lớn nhất khu vực Tây Nguyên.

Langbiang đang dần trở thành một trong những "thủ phủ" nông nghiệp hữu cơ lớn nhất khu vực Tây Nguyên.

Nhưng đến một ngày, giới khoa học Ấn Độ quay trở lại Himalaya rồi ngỡ ngàng khi các vùng trồng táo đã được trồng xuống thấp hơn. Vì sao? Chắc chắn không phải vì nhiệt độ trái đất đã giảm trở lại, mà vì người Kinnauri đã tìm ra cách để cây táo sống được trong vùng khí hậu có nhiệt độ cao hơn.

Để làm được điều đó, người Kinnauri không dùng bất kỳ một loại “phép thuật” cao siêu nào đó. Họ chỉ vận dụng sự kiên nhẫn, kinh nghiệm thực tế và sự thấu hiểu vùng đất, thấu hiểu cây trồng của mình.

Các loại trái cây ở Langbiang cũng được tạo ra từ sự thấu hiểu và tình yêu, chính vì thế, theo ông Thi nó có độ ngon, ngọt và thuần khiết “bất bại”. Hơn 3 thập kỷ qua, từ vùng đất quanh năm lạnh lẽo, những người nông dân nơi đây giờ bắt đầu kỷ nguyên mới, kỷ nguyên nông nghiệp hữu cơ.

Như Greenfarm của ông Thi chỉ rộng hơn 1ha, nhưng các loại nông sản như dâu tây, cà chua cherry, phúc bồn tử, bí ngô khổng lồ, rau thủy canh… được lên kế hoạch vô cùng khoa học, sản xuất theo tiêu chí GlobalGAP, hướng tới chất lượng, mẫu mã cao nhất và tạo nên sự khác biệt.

Nhờ canh tác hữu cơ kết hợp du lịch trải nghiệm, doanh thu bình quân từ trang trại đạt trên 1 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, theo ông Thi, không phải tiền, mà giá trị về tự nhiên, môi trường, sự thấu hiểu vùng đất mới là điều những người làm nông nghiệp hữu cơ ở Langbiang hướng tới.

Làm nông nghiệp tử tế

Những thay đổi thần kỳ trong sản xuất nông nghiệp ở Langbiang không đến từ những cánh én lẻ loi, nó là thành quả hành động của hàng trăm, hàng nghìn người nông dân, doanh nhân tử tế.

Đến Langbiang, không thể không ghé thăm trang trại nông nghiệp hữu cơ của HTX Minh Thọ Organic (thị trấn Lạc Dương), một trong những đơn vị tiên phong trong phát triển nông nghiệp theo hướng an toàn sinh thái ở Lâm Đồng.

Mô hình của HTX được xây dựng theo tiêu chuẩn JAS - Tiêu chuẩn hữu cơ nông nghiệp Nhật Bản, với trọng tâm là các sản phẩm trái cây phúc bồn tử (đặc biệt là phúc bồn tử đen), rau sạch và các sản phẩm chế biến từ phúc bồn tử như nước cốt, rượu vang, trà, mứt, socola…

Những nông dân, doanh nhân với tư duy làm nông nghiệp tử tế là chìa khóa tạo nên thành công ở Langbiang.

Những nông dân, doanh nhân với tư duy làm nông nghiệp tử tế là chìa khóa tạo nên thành công ở Langbiang.

Những người đồng sáng lập của HTX, chủ nhân của khu trang trại hữu cơ đầy sự tử tế này là vợ chồng doanh nhân Nguyễn Văn Hà và Tôn Nữ Thanh Mỹ. Cả hai đều đến với cao nguyên Langbiang vì… tình yêu với thiên nhiên và nông nghiệp thuận tự nhiên.

Giống như đa số những người làm nông khác, vợ chồng ông Hà cũng bắt đầu canh tác với đủ các kỹ thuật, các loại thuốc từ vô cơ đến sinh học. Nhưng rồi nhận thấy việc sản xuất này vẫn chưa tạo ra sản phẩm an toàn 100%, họ chuyển sang sản xuất theo phương pháp hữu cơ.

Việc đầu tiên sau khi họ chuyển hướng là xây dựng nông trại hữu cơ đầu tiên trong HTX bằng giống phúc bồn tử. Gần 3 năm triển khai, để có được Giấy chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ JAS của Bộ Nông nghiệp Nhật Bản, nông trại phải vượt qua gần 1.000 tiêu chí đánh giá về môi trường, quy trình chăm sóc, đóng gói, sơ chế hàng sản xuất, về an sinh, đời sống công nhân…

Ngay cả với tất cả lá cây trong nông trại của HTX cũng phải vượt qua 256 chỉ tiêu “test” không hóa chất, không độc chất, không vi sinh vật yếm khí tác động đến cây trồng.

Kết quả của sự nỗ lực không ngừng là HTX “bán nhanh hơn thu”. Trái phúc bồn tử chủ lực của HTX hiện được chế biến thành nước đóng chai, mứt, trà, socola và đặc biệt là sản phẩm rượu vang phúc bồn tử trở thành sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh Lâm Đồng.

Để… “đi sau, về trước”

Những nông dân tử tế như ông Thi, bà Mỹ, ông Hà chính là hạt nhân tạo nên những bước tiến thần kỳ của ngành nông nghiệp trên cao nguyên Langbiang cao hơn hàng nghìn mét so với mặt nước biển.

Với những thành tựu đạt được, năm 2022, khu vực nông nghiệp dưới chân núi Langbiang trở thành vùng đầu tiên được tỉnh Lâm Đồng chọn để triển khai thành vùng nông nghiệp hữu cơ.

Langbiang đang trên chặng đường tăng tốc, khẳng định vị thế trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

Langbiang đang trên chặng đường tăng tốc, khẳng định vị thế trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

Chỉ trong hơn 2 năm trở lại đây, diện tích nông sản sản xuất theo chuẩn hữu cơ khu vực chân Langbiang đã tăng gấp 12 lần, lên 1.300 ha, gồm cà phê, atisô và các loại rau củ..

Không chỉ là sự đón nhận của người tiêu dùng, những nỗ lực của người nông dân ở Langbiang đang nhận được sự quan tâm nhiều hơn từ địa phương và các tổ chức kinh tế. Hàng nghìn tỷ đồng đang được rót vào để tạo nguồn tín dụng cho nông nghiệp hữu cơ bứt tốc.

Với nhiều người, sản xuất nông nghiệp ở Langbiang nói riêng hay huyện Lạc Dương nói chung vẫn đi sau và có khoảng cách lớn với “thung lũng rau trái” Đà Lạt. Nhưng nhìn vào những thành công hiện tại, với những người nông dân thấu hiểu vùng đất của mình, nằm lòng “nghệ thuật” canh tác thuận tự nhiên, Lạc Dương hoàn toàn có thể tự tin “đi sau nhưng… về trước”.

Có lẽ nhiều năm nữa những cụm từ như “nông nghiệp xanh”, “thực phẩm hữu cơ”, “phát triển bền vững”… vẫn sẽ là từ khóa được quan tâm và tìm kiếm nhiều nhất tại Việt Nam. Nhưng ở Langbiang, ngay từ lúc này, những người nông dân tử tế đang tiến rất gần đến một nền nông nghiệp tử tế.

Lệ Chi

Thêm nguồn lực cho nông nghiệp hữu cơ

Ông Sử Thanh Hoài, Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương cho biết: “Lạc Dương xác định đi theo định hướng mới là nông nghiệp hữu cơ, cân bằng giữa sản lượng và chất lượng. Huyện đang kết hợp nông dân với nhà cung ứng, phân phối thông qua nền tảng công nghệ để mỗi sản phẩm hữu cơ đều có đầu ra tốt”.

Có 3 ngân hàng đã tham gia hợp tác với huyện để tạo nguồn tín dụng cho nông nghiệp hữu cơ với khoản tín dụng 2.500 tỷ đồng. Để hỗ trợ người sản xuất nông nghiệp hữu cơ quy mô nhỏ, UBND huyện Lạc Dương đã ủy thác 10 tỷ đồng để Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Lạc Dương cho vay.

Để thuận lợi lâu dài, UBND huyện Lạc Dương đang phối hợp với Đại học Đà Lạt nghiên cứu "big data" và hình thành ứng dụng quản lý thông tin nông nghiệp để cộng đồng nông nghiệp dùng chung.

3 yêu cầu để nâng chất lượng và vị thế nông sản Việt Nam

TS. Rick Gilmore, từng là cố vấn đặc biệt của Nhà Trắng trong vấn đề an ninh lương thực, Giám đốc điều hành Diễn đàn An ninh lương thực toàn cầu, trong một chuỗi sự kiện liên quan đến nông nghiệp tại Việt Nam, cho rằng Việt Nam hoàn toàn có đủ tiềm năng để trở thành một nhân tố quan trọng trên thị trường nông sản toàn cầu.

Nhưng việc kinh doanh của doanh nghiệp phải song hành với nâng cao nhận thức của nông dân. Khu vực nhà nước không thể gánh được toàn bộ trọng trách này. “Chất lượng đồng nhất, một nhà cung cấp đáng tin cậy và an toàn thực phẩm” là 3 yêu cầu để nâng chất lượng và vị thế nông sản Việt Nam trên thị trường toàn cầu.

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//kinh-doanh-xanh/lam-nong-nghiep-tu-te-tren-cao-nguyen-langbiang-1090183.html