Làm nương luân canh khó tái sinh rừng
ĐBP - Thực hiện công tác phát triển rừng, thời gian qua, các địa phương trong tỉnh đã và đang tập trung phát triển diện tích khoanh nuôi rừng tái sinh để nâng tỷ lệ che phủ rừng. Dù các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương đã tích cực triển khai nhiều giải pháp, song công tác khoanh nuôi tái sinh rừng vẫn gặp không ít khó khăn do việc làm nương luân canh của người dân.
Cán bộ, công chức Hạt Kiểm lâm huyện Mường Chà tuyên truyền, vận động người dân bảo vệ diện tích rừng tái sinh trên địa bàn.
Huyện Mường Chà có tổng diện tích giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp giai đoạn 2019 - 2023 theo phương án phê duyệt là 47.666,9ha và hiện đã đo đạc, quy chủ 28.789,4ha. Trong đó đất lâm nghiệp có rừng đã thẩm định xong với tổng diện tích đất có rừng đủ điều kiện để giao và cấp GCNQSD đất là 10.007,6ha/9.552,5ha, đạt 104,8% so với kế hoạch. Đất lâm nghiệp chưa có rừng đã triển khai thực hiện tại 5 xã: Na Sang, Huổi Mí, Mường Mươn, Ma Thì Hồ và Sa Lông. Đến nay, huyện đã đo đạc, quy chủ 18.781,74ha/38.112,4ha (diện tích nằm trong vùng quy hoạch trồng mắc ca là 3.696,86 ha). Tuy nhiên, đối với địa bàn vùng sâu, vùng xa, người dân chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, sống dựa vào nương, phong tục tập quán canh tác của người dân là luân canh. Vì vậy, nhiều diện tích nương người dân làm 1 - 2 năm rồi bỏ hoang, sau 4 - 5 năm quay lại làm nương. Những diện tích nương bỏ hoang sau thời gian nhiều năm trở thành rừng tái sinh nhưng người dân lại phá bỏ để làm nương gây khó khăn cho công tác quản lý và bảo vệ rừng.
Trao đổi về vấn đề này, ông Lường Văn Toàn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Mường Chà cho biết: Tập quán phá rừng làm nương của một số đồng bào vùng sâu xa trên địa bàn còn diễn biến khá phức tạp. Đặc biệt là phong tục bỏ hoang đất khoảng 4 đến 5 năm mới tiếp tục đi phát để làm nương; mà sau khoảng từng ấy năm, nhiều diện tích đã phát triển thành rừng tái sinh, nếu bà con lại đốt và phát đi để làm nương ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Bên cạnh đó, trình độ dân trí còn hạn chế, một số hộ dân điều kiện kinh tế rất khó khăn, đời sống chủ yếu dựa vào rừng, làm nương luân canh. Vì vậy, năm 2022, trên địa bàn huyện vẫn xảy ra vi phạm pháp luật về lâm nghiệp (tăng 8 vụ so với năm 2021), đặc biệt là phá rừng trái pháp luật để lấy đất sản xuất, canh tác và lấn chiếm đất lâm nghiệp; trong khi đó một số chủ rừng không phát hiện, không báo cáo cấp có thẩm quyền để có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời.
Tương tự huyện Mường Chà, huyện Nậm Pồ có tổng quy hoạch đất lâm nghiệp trên 120.000ha; trong đó 57.000ha chưa có rừng. Hạt Kiểm lâm huyện Nậm Pồ đã chủ động rà soát diện tích chưa có rừng và xác định có khoảng 26.000ha đang ở trạng thái DT2 (cây tái sinh nằm trong quy hoạch các loại đất rừng như phòng hộ và sản xuất). Những diện tích DT2 là tiền đề cho việc phát triển và tăng độ che phủ rừng hàng năm.
Ông Nguyễn Đình Lương, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Nậm Pồ cho biết: Hiện nay, trên địa bàn huyện, người dân sinh sống gần rừng và đặc biệt là tập quán canh tác luân canh của người dân, nhất là ở một số xã giáp biên như: Nà Khoa, Nà Hỳ, Vàng Đán, Nà Bủng... khiến việc phát triển và bảo vệ rừng tái sinh rất khó khăn. Trong khi đó, các chế độ chính sách đầu tư cho lĩnh vực nông lâm nghiệp còn hạn chế, chưa khuyến khích được tinh thần giữ rừng tái sinh của người dân. Hầu hết diện tích rừng tái sinh nằm trên nương của người dân nên việc vận động người dân quản lý, bảo vệ tốt diện tích đó để hàng năm tăng độ che phủ rừng rất phức tạp.
Tập quán canh tác nương luân canh của người dân trong toàn tỉnh diễn ra đã nhiều năm gây khó khăn việc phát triển rừng tái sinh. Trước thực tế đó, những năm qua, cơ quan chuyên môn đã tham mưu cho chính quyền địa phương ban hành các quy định về quản lý, bảo vệ rừng. Trong đó tập trung triển khai nhiều giải pháp, rà soát lại diện tích trạng thái DT2 tại từng xã. Sau đó tiến hành tích hợp lên bản đồ và chuyển cho các địa phương tổ chức tuyên truyền để người dân được biết. Đồng thời huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tiếp tục làm công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm trong bảo vệ, phát triển rừng cho người dân. Tổ chức phổ biến rộng rãi hơn nữa về lợi ích từ các chính sách của Trung ương và địa phương hỗ trợ công tác phát triển rừng tái sinh nói riêng và việc bảo vệ rừng, phát triển rừng nói chung; bởi rừng đem lại lợi ích cho cuộc sống nên mỗi người dân phải có trách nhiệm bảo vệ, phát triển rừng. Đối với những diện tích DT2 chưa đủ tiêu chí thành rừng cần xúc tiến tái sinh và tập trung tuyên truyền, vận động, đề nghị các hộ dân ký cam kết không đốt, phát và phá rừng trên diện tích đó...
Việc triển khai khoanh nuôi tái sinh và xúc tiến tái sinh rừng không phải để giải quyết khó khăn trước mắt, mà còn nhằm đảm bảo ổn định nhiều mặt trong cuộc sống về lâu dài cho người dân. Vậy nên để bảo vệ, phát triển rừng bền vững, người dân cần thay đổi phương thức canh tác; đối với diện tích nương luân canh đã phát triển thành rừng tái sinh cần nâng cao ý thức, trách nhiệm để bảo vệ tốt hơn. Đó là giải pháp thiết thực nhất nâng cao tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn toàn tỉnh.