Làm oan nhưng không nhận đơn yêu cầu bồi thường
Viện lý do TAND Tối cao, VKSND Tối cao 'đang xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm', VKS tỉnh không thụ lý đơn yêu cầu bồi thường của một thanh niên làm phụ hồ.
Theo hồ sơ, Đặng Thanh Tuấn với em N. ở gần nhà nhau (cùng ngụ huyện Dương Minh Châu, Tây Ninh) nên nảy sinh tình cảm. Tháng 7-2015, cả hai đã hẹn nhau vào nhà nghỉ để “khám phá về giới tính” (thời điểm này Tuấn mới 15 tuổi). Sau đó, cả hai tiếp tục hẹn hò đến nhà nghỉ sau khi học bài xong.
Không chịu nhận đơn
Ngày 9-11-2015, gia đình em N. phát hiện ra sự việc và tố cáo ra công an. Kết quả điều tra xác định từ ngày 25-7 đến 7-11-2015, Tuấn đã sáu lần “quan hệ” với em N.
Tuấn bị khởi tố, truy tố về tội hiếp dâm trẻ em. Giữa năm 2016, TAND tỉnh Tây Ninh xử sơ thẩm lần đầu đã phạt Tuấn tám năm tù về tội hiếp dâm trẻ em. Tuấn kháng cáo đề nghị xem lại độ tuổi thật của em N. Tại phiên xử phúc thẩm lần thứ nhất, TAND Cấp cao tại TP.HCM đã hủy bản án sơ thẩm để giám định lại tuổi của nạn nhân.
Kết quả giám định xương cho thấy em N. có độ tuổi từ 14 năm bốn tháng đến 14 năm 10 tháng. CQĐT và VKS đều cho rằng độ tuổi 14 năm bốn tháng phù hợp với tài liệu, chứng cứ thu thập được, còn 14 năm 10 tháng thì không phù hợp. Hai cơ quan này cho rằng phải áp tuổi của em N. là 14 năm bốn tháng và như vậy tính ra lần “quan hệ” đầu tiên với Tuấn, em N. chỉ mới 12 năm chín tháng ba ngày tuổi. Vì thế, hai cơ quan xác định hành vi của Tuấn đã đủ yếu tố cấu thành tội hiếp dâm trẻ em.
Tại phiên xử sơ thẩm lần hai, VKS đề nghị phạt Tuấn từ tám năm tù đến 10 năm tù nhưng TAND tỉnh Tây Ninh đã tuyên Tuấn không phạm tội hiếp dâm trẻ em. Tháng 7-2018, TAND Cấp cao tại TP.HCM đã tuyên y án sơ thẩm.
Sau đó, tháng 9-2018, gia đình Tuấn đã làm đơn yêu cầu VKSND tỉnh Tây Ninh bồi thường thiệt hại do đã truy tố oan.
Ngày 18-9, VKSND tỉnh Tây Ninh trả lời chung chung với gia đình Tuấn rằng: “Vụ việc yêu cầu của ông bà đang được TAND Tối cao và VKSND Tối cao xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm. Do đó theo quy định của pháp luật việc yêu cầu bồi thường của ông bà không có căn cứ thụ lý để VKSND tỉnh Tây Ninh xem xét giải quyết”. Từ đó, cơ quan này đã trả lại đơn yêu cầu bồi thường cho em Tuấn.
Gia đình em Tuấn khiếu nại nhưng VKSND tỉnh Tây Ninh vẫn cương quyết trả lại đơn.
Sai luật!
Trao đổi với PV Pháp Luật TP.HCM, TS-LS Nguyễn Thị Kim Vinh (Công ty Luật TNHH TNJ, nguyên thẩm phán TAND Tối cao) khẳng định việc VKSND tỉnh Tây Ninh không thụ lý đơn của em Tuấn là trái với quy định của pháp luật.
TS-LS Vinh phân tích: Bản án phúc thẩm của TAND Cấp cao tại TP.HCM (có hiệu lực kể từ tháng 7-2018) đã y án sơ thẩm, tuyên Tuấn không phạm tội hiếp dâm trẻ em. Điều 355 BLTTHS 2015 quy định rõ “bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án”.
Bên cạnh đó, căn cứ theo khoản 6 Điều 35 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017 (có hiệu lực từ ngày 1-7-2018), VKSND tỉnh Tây Ninh sẽ là cơ quan giải quyết bồi thường. Tại Điều 49 luật này quy định chỉ hoãn giải quyết yêu cầu bồi thường trong trường hợp: “Người yêu cầu bồi thường đề nghị cơ quan giải quyết bồi thường hoãn giải quyết yêu cầu bồi thường do ốm nặng có xác nhận của cơ sở y tế từ cấp huyện trở lên hoặc có lý do chính đáng khác mà không thể tự mình tham gia vào quá trình giải quyết yêu cầu bồi thường”.
Như vậy cho tới thời điểm này, bản án phúc thẩm chưa bị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm nên vẫn đang có hiệu lực. Việc VKSND tỉnh Tây Ninh lấy lý do TAND Tối cao và VKSND Tối cao “xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm” để không thụ lý đơn yêu cầu bồi thường là làm trái các quy định nói trên.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc khi vụ việc có diễn tiến mới.
Nguyên tắc bồi thường của Nhà nước
Theo khoản 2 Điều 4 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017, việc giải quyết yêu cầu bồi thường được thực hiện kịp thời, công khai, bình đẳng, thiện chí, trung thực, đúng pháp luật; được tiến hành trên cơ sở thương lượng giữa cơ quan giải quyết bồi thường và người yêu cầu bồi thường theo quy định của luật này.
Mong được giải quyết sớm
Ông Đặng Thanh Cường (cha của Tuấn) than thở: “Dù chưa đủ 18 tuổi nhưng do nhà nghèo nên con tôi vẫn phải đi phụ hồ. Thế rồi đùng một cái, nó bị bắt tạm giam khoảng hai năm. Tôi phải chạy đôn chạy đáo thăm nuôi con rồi lại phải lo bồi thường cho nạn nhân 20 triệu đồng. Cũng may thấy được gia cảnh nên đã có hai luật sư chấp nhận bào chữa miễn phí giúp cho nó. Giờ nó đã được xác định là bị oan nhưng VKS tỉnh không chịu thụ lý đơn, mình làm dân mình biết phải làm sao đâu. Có bức xúc cũng có làm được gì, chỉ mong họ giải quyết cho thôi. Lúc đầu gia đình cũng ngại với hàng xóm nhưng giờ cũng phải đứng dậy đi làm thuê làm mướn để mưu sinh thôi”.
Nguồn PLO: https://plo.vn/phap-luat/lam-oan-nhung-khong-nhan-don-yeu-cau-boi-thuong-803642.html