'Làm ơn, tôi không có bảo hiểm': Câu chuyện buồn của các chủ cửa hiệu giữa làn sóng biểu tình tại Mỹ
'Rất nhiều người không biết đến các chủ cửa hàng như chúng tôi đã đổ bao nhiêu máu, nước mắt và mồ hôi cũng như những gì chúng tôi phải hy sinh để có được cơ nghiệp như ngày nay', Anh Kris Shelby, chủ một cửa hàng thời trang tại phía bắc Atlanta ngậm ngùi.
Tại khu trung tâm thành phố Chicago, những người biểu tình Mỹ bò qua cửa sổ đã đập vỡ của cửa hàng Nike để hôi của. Trên đại lộ Melrose của Los Angeles, người biểu tình đốt thùng rác và phá các cửa tiệm sang trọng, vơ vét túi xách và đồ hiệu.
Khi màn đêm buông xuống thành phố Minneapolis, tâm điểm của cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc tại Mỹ sau khi một cảnh sát vô tình sát hại một người da màu, các chủ cửa hàng phải đứng trước cửa để cầu xin những người biểu tình bỏ qua cho họ bởi nhiều người đã phải dành cả đời để xây dựng nên cơ nghiệp nhỏ như vậy.
"Tôi đứng ngoài cửa và thét lên: ‘Làm ơn, tôi không có bảo hiểm cho cửa hàng này’", anh Hussein Aloshani, một chủ cửa hàng nhập cư từ Iraq đứng ngoài cửa ngậm ngùi kể lại.
Trong những ngày qua, nhiều cửa hàng trên khắp nước Mỹ đã lâm vào cảnh bị đập phá, cướp bóc do cơn giận dữ của những người biểu tình trước cái chết của nạn nhân da màu George Floyd bởi cảnh sát. Từ những văn phòng đa quốc gia cho đến ngân hàng hay những quán bar, nhà hàng gia đình đều bị tàn phá.
Tại nhiều nơi, người biểu tình phun sơn lên cửa hàng với dòng chữ mang tính khẩu hiệu của nạn nhân Floyd trước khi chết: "Tôi không thở được". Trong khi đó, hiện tượng đập phá, đốt cửa hàng diễn ra tràn lan.
Vậy là chỉ vài ngày sau khi nước Mỹ trải qua lệnh giãn cách vì dịch Covid-19, các cửa hàng và hoạt động kinh doanh trên cả nước lại chịu ảnh hưởng tiếp vì làn sóng biểu tỉnh, gây nên vô vàn khó khăn cho kinh tế.
Hiện các quan chức đang điều tra xem liệu vụ biểu tình này có bị kích động bởi các nhóm tội phạm có chủ đích trộm cướp hay không. Tại nhiều nơi, những người biểu tình ôn hòa bị áp đảo bởi những nhóm kích động người da trắng, những đối tượng có mục đích hôi của nhiều hơn là phản đối phân biệt chủng tộc.
Bất kể nguyên nhân là gì, các chủ cửa hàng tại Mỹ hiện nay cũng ngán ngẩm khi họ trở thành nạn nhân bất đắc dĩ. Mảng kinh doanh của nhiều cửa hàng vốn đã chịu ảnh hưởng từ các lệnh giãn cách vì dịch Covid-19 thì nay lại càng khó hồi phục vì nạn cướp bóc trong biểu tình.
Máu, mồ hôi và nước mắt
"Rất nhiều người không biết đến các chủ cửa hàng như chúng tôi đã đổ bao nhiêu máu, nước mắt và mồ hôi cũng như những gì chúng tôi phải hy sinh để có được cơ nghiệp như ngày nay", Anh Kris Shelby, chủ một cửa hàng thời trang tại phía bắc Atlanta ngậm ngùi.
Anh Shelby và các đồng nghiệp đã mở cửa hàng thời trang Attom từ năm 2016 với mục đích đưa những nhãn hiệu quần áo nổi tiếng tại New York và Los Angeles về quê nhà của mình. Thế nhưng, mọi nỗ lực của anh bị đổ bể khi cửa hàng bị cướp phá vào 5h sáng ngày 30/5/2020
"Dù rất đau lòng về vụ việc của ông Floyd nhưng với tư cách là một chủ cửa hàng người da màu, tôi vô cùng buồn vì những gì đã diễn ra hiện nay", Anh Shelby cho biết việc cướp phá sẽ chẳng giúp ích gì cho cuộc chiến chống phân biệt màu da tại Mỹ.
May mắn hơn anh Shelby, chủ cửa hàng Ricardo Hernandez tại miền Nam Minneapolis cho biết mình đã phải ngủ trên xe hơi trước cửa hàng bán kem của mình để bảo vệ cơ nghiệp. Anh Hernendez đã phải thỏa hiệp phân phát kem miễn phí cho người biểu tình để họ bỏ qua cho anh.
"Chỉ nhìn thôi đã thấy thật khủng khiếp. Tôi không nghĩ chuyện này lại là thật", anh Hernandez cho biết khi nhìn vào đống đổ nát của những cửa hàng xung quanh.
Vào chiều ngày 30/5, những chủ cửa hàng người Latinh tại Minneapolis đã họp lại nhằm chuẩn bị đối phó với nạn hôi của có thể tái diễn. Họ cắt cử người trông coi và thậm chí có trang bị một số vũ khí. Những người này định mặc những chiếc áo có dòng chữ "An ninh tại phố Lake" nhằm tránh bị cảnh sát nhầm lẫn với những kẻ hôi của.
Tuy nhiên với những người như bà Maya Santamaria, dù có đến cuộc họp nhưng bà quyết định ở nhà bởi cửa hàng đã bị cướp và chẳng còn gì để mất. Tòa nhà bà thuê mặt bằng và cũng từng thuê nạn nhân Floyd làm bảo vệ đã bị đốt cháy từ tối ngày 29/5. Bản thân bà Santamaria đổ lỗi cho cảnh sát về cái chết của nạn nhân Floyd cũng như việc họ không bảo vệ tốt các cửa hàng trong khu vực.
"Chúng tôi đã gọi 911 và cả cục cảnh sát nhưng chẳng ai trả lời", bà Santamaria nói.
Mặc dù không muốn cảnh sát sử dụng vũ lực với người biểu tình nhưng bà cũng không muốn họ để mặc cho người biểu tình đốt phá.
Tiền bạc không bằng mạng sống?
Cửa hàng in ấn của ông Kester Wubben tại Minneapolis đã cướp phá. Mọi thiết bị từ tivi, iPad cho đến chiếc xe tải chở hàng cũng bị lấy đi. Để xây dựng được cửa hàng này, bản thân ông Wubben đã phải hy sinh rất nhiều, từ việc rút hết tiền tiết kiệm cho nghỉ hưu đến làm việc ca đêm 7 ngày/tuần tại một nhà máy để có tiền xây dựng cơ ngơi.
Sau gần 1 năm bắt đầu có khách quen, cửa hàng của ông Wubben giờ đây đã chẳng còn gì. Khi được hỏi liệu có hồi phục lại sau vụ hôi cửa hay không, ông cho biết có lẽ sẽ phải từ bỏ và khởi nghiệp lại vào lúc khác.
Dẫu vậy, bản thân ông Wubben cũng đồng tình với việc chống phân biệt chủng tộc tại Mỹ.
"Tôi có thể kiếm tiền lại, khởi nghiệp một cửa hàng khác, nhưng mạng sống của George Floyd thì không thể lấy lại được", ông Wubben nói.
Trái ngược lại, anh Jordan Davis-Miller, một chủ cửa hàng da màu khác tại Seattle cũng lâm vào cảnh bị cướp phá dù đã dán biển hiệu đây là cửa hàng của người da màu trước cửa, lại bắt đầu không tin vào mục đich của những cuộc biểu tình này.
"Thú thực tôi đang bị mất niềm tin vào cuộc chiến chống phân biệt chủng tộc này. Nếu chúng ta cùng đấu tranh cho một lý tưởng thì cần phải thể hiện sự đoàn kết thay vì đốt phá lẫn nhau như vậy", anh Miller ngậm ngùi nói.