Lâm Ðồng có 77,6% số xã đạt chuẩn nông thôn mới
Sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2009 - 2019), tỉnh Lâm Ðồng đạt được nhiều thành tựu. Từ thành công của việc xây dựng xã điểm nông thôn mới Tân Hội tại huyện Ðức Trọng năm 2009, Lâm Ðồng đã triển khai xây dựng nông thôn mới trên tất cả các xã trong tỉnh.
Sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2009 - 2019), tỉnh Lâm Ðồng đạt được nhiều thành tựu. Từ thành công của việc xây dựng xã điểm nông thôn mới Tân Hội tại huyện Ðức Trọng năm 2009, Lâm Ðồng đã triển khai xây dựng nông thôn mới trên tất cả các xã trong tỉnh.
Ðến nay, toàn tỉnh có 90 xã trong tổng số 116 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 77,6%); phấn đấu đến năm 2020 sẽ đạt 94%, trong đó ít nhất 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 10% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Lâm Ðồng là tỉnh duy nhất ở vùng Tây Nguyên có huyện Ðơn Dương đạt chuẩn nông thôn mới và hiện đang cùng bốn huyện trong cả nước thực hiện đề án huyện nông thôn mới kiểu mẫu về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tỉnh có hai thành phố là Ðà Lạt và Bảo Lộc đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Kết quả thực hiện các mục tiêu chương trình nông thôn mới tại Lâm Ðồng đều vượt trội so khu vực và bình quân chung cả nước về tỷ lệ số xã đạt chuẩn, số tiêu chí bình quân và tỷ lệ xã dưới 10 tiêu chí.
So với năm 2010, tổng diện tích nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh đạt hơn 56.000 ha; giá trị sản xuất bình quân trên đơn vị diện tích năm 2018 đạt 169 triệu đồng/ha; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt khoảng 37 triệu đồng/năm. Trong 10 năm qua, tổng nguồn lực huy động xây dựng nông thôn mới của tỉnh Lâm Ðồng là 53 nghìn tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách là 13,7%; vốn doanh nghiệp 1,3%; vốn cộng đồng dân cư 85%.
* Theo Ðề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2019 - 2021, tỉnh Lạng Sơn sẽ tiến hành sắp xếp 51 đơn vị hành chính cấp xã thuộc 9 trong số 11 đơn vị cấp huyện. Tổng số đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Lạng Sơn sau sắp xếp là 200 đơn vị, giảm 26 đơn vị so với trước khi sắp xếp. Việc sắp xếp, sáp nhập được thực hiện trên nguyên tắc bảo đảm công khai, dân chủ, theo đúng trình tự, thủ tục, quy định pháp luật và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
Ðể việc sắp xếp, sáp nhập diễn ra thuận lợi, tỉnh sẽ bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện đề án, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát để kịp thời biểu dương, khen thưởng các địa phương làm tốt, chấn chỉnh các đơn vị làm chưa hiệu quả. Cấp ủy, chính quyền các cấp tập trung làm tốt công tác tư tưởng, nắm bắt dư luận xã hội, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền để tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong quá trình triển khai thực hiện ở địa phương. Việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã phải gắn với việc đổi mới, tinh gọn bộ máy sao cho hoạt động hiệu lực, hiệu quả; bảo đảm dân chủ, khách quan, minh bạch trong việc rà soát, đánh giá, bố trí sắp xếp đội ngũ cán bộ công chức, viên chức tại các xã thuộc diện sắp xếp.