Lâm Ðồng tiếp bước đi lên

10 năm trước, Lâm Ðồng bắt đầu bước vào một hành trình đầy gian nan nhưng thật nhiều ý nghĩa, bao hàm tất cả những giá trị tốt đẹp nhất dành cho con người, cuộc sống ở những vùng quê được gói gọn, giản đơn trong cụm từ 'xây dựng nông thôn mới'. Nhưng thực ra, đã từ rất lâu hành trình ấy chỉ như một chặng đường tiếp nối trên con đường dài mà đất và người Nam Tây Nguyên đã chọn cho mình để thay đổi cuộc sống, để nghĩ về ngày mai.

Tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM) đơn thuần chỉ là thước đo về đích. Nhưng với Lâm Đồng, một địa phương có một nền nông nghiệp công nghệ cao đi đầu cả nước, với những người dân nông thôn hiện đại, nhạy cảm với thời cuộc thì các tiêu chí luôn đòi hỏi sự hoàn thiện, đặc biệt là chất lượng đời sống của người dân cả về vật chất, tinh thần không ngừng được nâng cao. Đó mới chính là con đường đi, là đích đến của công cuộc xây dựng NTM tại Lâm Đồng.

Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và lãnh đạo tỉnh đi khảo sát huyện nông thôn mới Đơn Dương. Ảnh: Duy Danh

Tiêu chí lòng dân

Không phải 19 bộ tiêu chí cụ thể, rõ ràng được đóng đinh khô khốc, đầy cứng nhắc trên văn bản giấy tờ, ở Lâm Đồng sự thành công lớn nhất nằm ở tiêu chí thứ 20, tiêu chí được những người nặng lòng với vùng đất này gọi bằng cái tên hàm chứa đầy cảm xúc: Tiêu chí lòng dân.

Lòng dân là chìa khóa, là phương tiện mở lối, là thước đo thành công cho những nghị quyết, nghị định... Và đơn giản hơn, phía sau những tấm biển “Đạt chuẩn NTM” được dựng lên ở những địa giới hành chính, ít nhiều chứa những lấp lánh lòng dân mới chính là khuôn thước để đánh giá về sự ấm no, đổi thay và phát triển.

“Dân quê cho vàng”, là cách người ta vẫn thường hay nói về người nông dân Lâm Đồng, khi họ sẵn sàng cho đi hàng ngàn mét ruộng vườn giữa thời buổi tấc đất còn đắt hơn cả tấc vàng, chỉ vì muốn thấy con đường nơi mình sinh sống sạch sẽ hơn, hình ảnh quê hương mình khang trang hơn...

Ít ai biết hai ngôi trường Tiểu học Lương Thế Vinh và THCS Lê Hồng Phong được dựng lên trên một khu đất bằng phẳng, rộng gần 9.000 mét vuông ngay giữa trung tâm xã Đạ R’Sal kia lại là mồ hôi, công sức và cả tấm lòng thơm thảo của một người cựu binh với thương tật 4/4.

Phục viên, bác Nguyễn Minh Quốc ở lại Đạ R’Sal tảo tần vỡ đất, đánh vật với nắng mưa để mưu sinh. Nhưng thấy lũ trẻ ở mảnh đất vùng giáp ranh này xanh xao, tạm bợ trong những lớp học tranh nứa ở giữa đồng hoang, nỗi lo cứ canh cánh trong thẳm sâu của người cựu chiến binh đã từng kinh qua lửa đạn. Sợ lớp nhỏ thiếu sân chơi, nghèo con chữ nên từ năm 2005 ông đã hiến hơn 4.000 m2 đất để cho huyện Lâm Hà xây dựng trường cấp I, II cho lũ trẻ có nơi ăn học đàng hoàng.

Sau khi huyện Đam Rông được thành lập, có nhu cầu tách riêng trường cấp II để thuận lợi cho việc dạy học, ông thêm một lần nữa hiến gần 1.000 m2 cho huyện mới. Có trường nhưng lại thấy chật hẹp, ông lại tình nguyện hiến thêm 2.000 m2 để trường có khuôn viên và sân chơi cho học sinh.

Ba lần hiến đất, giá trị không thể đong đếm bằng tiền. Nói như nhiều người miếng đất mà người cựu binh ấy bán đi, đủ vốn liếng cho con cháu sinh nhai cả đời, nhưng tính làm sao được khi món quà ông cho đi được cân nặng bằng cả tấm lòng.

“Ở đây bà con ai cũng sống nhờ rẫy vườn, mỗi mùa thu hoạch xe lớn không vào được, xe máy thì trầy trật mới chở được vài bao cà phê ra lộ, nên khi có chủ trương làm đường nông thôn, chẳng một chút đắn đo tôi hiến hơn 3 sào cho xã làm đường bê tông. Cũng chẳng giàu hơn hay nghèo đi vì vài mét đất, thôi cứ nhìn bà con đi lại thuận tiện là vui rồi”, bác Vũ Thanh, một cựu chiến binh ở thôn Hoàn Kiếm 1 - xã Nam Hà (huyện Lâm Hà) thật lòng chia sẻ.

Cái sự giàu hơn, hay nghèo ở vài mét đất trong câu nói giản đơn của bác Thanh, bác Quốc theo định giá của giới kinh doanh bất động sản là tiền tỷ. Sẽ thật mơ hồ nếu nói số tiền ấy là bình thường với những người nông dân đang bám đất mưu sinh. Họ có tiếc không nhỉ? Chẳng cần mất nhiều thời gian để tìm câu trả lời! Giới chức lãnh đạo hay những người được chọn đứng ra gánh vác trọng trách xây dựng NTM trong lộ trình phát triển của Lâm Đồng cũng thừa hiểu rằng, con đường về đích, nếu bỏ lại lòng dân, sự đồng thuận thì bất cứ bước chân chạm đích nào cũng đều nằm ngoài khái niệm bền vững.

Đường quê, nhà cửa khang trang ở xã nông thôn mới Tân Hà, huyện Lâm Hà. Ảnh: Văn Báu

Ðể đích đến không nằm trên tấm biển ghi nhận

Ở thời điểm hiện tại, Lâm Đồng vẫn là tỉnh dẫn đầu khu vực Tây Nguyên và nằm trong top 10 cả nước trong công tác xây dựng NTM, đồng thời cũng là tỉnh duy nhất cả nước thực hiện thí điểm huyện NTM Đơn Dương kiểu mẫu theo hướng nông nghiệp thông minh, là một trong 26 tỉnh của cả nước không có nợ đọng NTM.

Thành tích ấy có khiến chúng ta vui mừng không? Chắc chắn rồi, hơn thế nữa còn là sự tự hào! Bởi nhìn lại, Lâm Đồng chỉ vừa mới thoát ra khỏi cái mác chẳng ai muốn nhận, tỉnh miền núi nghèo, chậm phát triển. Nhưng cũng chính thành quả ấy thêm một lần nữa bắt buộc chúng ta phải nhìn lại để không được ngủ quên. Con đường mà Lâm Đồng hướng đến, dường như mới chỉ bắt đầu từ những bước chân đầu tiên.

Không thể liệt kê hết những tiêu chí đã hoàn thành, hay những chỉ tiêu đạt được cụ thể ở từng địa phương, bởi sẽ mất rất nhiều trang giấy cũng như thời gian tổng hợp, liệt kê. Chỉ biết rằng, NTM ở Lâm Đồng thực sự đã như một làn gió mát lành, thổi đến từng ngóc ngách, đến những nơi xa xôi và nghèo khó nhất của mảnh đất này.

Khoan vội nhắc đến những mục tiêu lâu dài với rất nhiều thách thức chờ đón. Gần hơn, năm 2020 Lâm Đồng cũng đã có cho riêng mình những mục tiêu cụ thể với rất nhiều hy vọng.

Trên nền tảng đã tạo dựng được, đến năm 2020 sẽ phấn đấu ít nhất có 110 xã (94% số xã) và từ 6 huyện trở lên đạt chuẩn NTM (riêng hai huyện Lạc Dương và Đam Rông có ít nhất 50% số xã đạt chuẩn NTM); bình quân toàn tỉnh đạt trên 18 tiêu chí/xã. Cũng đến năm 2020, giá trị sản xuất nông nghiệp trên một đơn vị diện tích đạt trên 170 triệu đồng/ha/năm, GRDP bình quân đầu người đạt 70 - 73 triệu đồng; chỉ tiêu giảm nghèo hàng năm giảm từ 1,5 - 2%, riêng vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm từ 2 - 3%; tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt trên 90%. Các huyện còn lại, thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc chọn ít nhất một xã để xây dựng xã NTM kiểu mẫu. Với riêng từng địa phương cũng đặt ra cho mình từng mục tiêu trong xây dựng NTM với những kế hoạch cụ thể để đi đến thành công. Đặc biệt, Lâm Đồng đang tổ chức thực hiện Đề án “Xây dựng huyện Đơn Dương đạt chuẩn huyện NTM kiểu mẫu về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh giai đoạn 2018 - 2025”.

Những mục tiêu ấy liệu có khả thi? Công bằng để nhận định, đó là những mục tiêu vừa tầm với nền tảng nội lực của Lâm Đồng, nếu không muốn nói tỉnh còn hoàn thành tốt hơn ở mức kỳ vọng.

Theo biến chuyển của thời gian, diện mạo nông thôn Lâm Đồng cũng đã có những sự thích nghi phù hợp, tự hoàn thiện mình để thay đổi theo chiều hướng tốt đẹp. Tuy nhiên, sự đổi thay ấy hoàn toàn theo bản năng, vận động theo nhu cầu của sự phát triển, mà chưa có sự đồng nhất về khuôn mẫu. Riêng Lâm Đồng, bên cạnh việc áp dụng theo các nhóm tiêu chí vẫn có sự linh hoạt để xây dựng thêm các tiêu chí mới, phù hợp với thực tế của từng địa phương, từng vùng (dẫu vẫn cần rất nhiều thời gian để điều chỉnh). Chính điều này đã tạo ra sự cân đối, hài hòa và giúp cho Lâm Đồng có được sự chủ động, thích nghi với xu thế.

Nhắc tới điều này, không phải để nhìn con đường xây dựng NTM của Lâm Đồng đã được rải hoa hồng, vẫn còn đó rất nhiều những khó khăn, không thể gỡ rối trong ngày một, ngày hai. Một trong những căn nguyên là lực cản trên lộ trình xây dựng NTM ở Lâm Đồng, thực sự tạo ra một đời sống nông thôn chất lượng cho người dân chính là yếu tố con người.

Rất nhiều vùng quê ở Lâm Đồng đã có được sắc diện thay đổi đến ngỡ ngàng, nếu không muốn nói đến sự kỳ diệu. Nhưng phía sau những con đường, những ngôi nhà được xây cất lên từ nhiều nguồn vốn đầu tư, đời sống thực tế của người dân vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cụ thể hơn là trong từng bữa ăn, cái mặc lại vẫn là điều trăn trở.

Để người dân ủng hộ, đồng lòng vượt qua những khó khăn, thách thức trong xây dựng NTM, trong từng giai đoạn cụ thể, đòi hỏi công tác tuyên truyền, dân vận thật sự phải đi vào thực chất. Kỹ năng thường trực của người làm công tác NTM (mà người dân nông thôn vẫn quen gọi bằng hai từ cán bộ) phải thực sự biết lắng nghe, thấu hiểu vì sao người dân chưa đồng lòng hoàn toàn. Tinh tường được căn cớ đó, mới thông suốt để lý giải cho người dân hiểu và sẵn sàng chung vai xây dựng NTM.

Xây dựng NTM với chủ thể là người dân, hướng tới mục tiêu vì chất lượng cuộc sống của người dân, ý thức phải thay đổi để không trông chờ ỷ lại vào Nhà nước. Muốn làm được điều đó, chính từ những nhân tố ở cấp cơ sở phải là người đầu tiên có sự thay đổi về tư duy, trình độ cũng như cái tâm của người được Nhân dân tin tưởng giao phó đứng ra gánh trọng trách.

10 năm chắc chắn không phải là một chặng đường dài để ai đó cảm thấy đủ đầy, ngoái nhìn lại bằng nụ cười viên mãn. Nhưng hạnh phúc của ngày hôm nay chắc chắn phải được dựng xây từ nền tảng của ngày đã qua. Trên con đường phát triển, nếu thế hệ đi trước mỏi mệt dừng lại vì thời gian thì đã có năng lượng, sinh khí của lớp trẻ nối theo. Vậy thì, Lâm Đồng ơi, cứ bước tiếp nhé, đừng dừng lại!

TUẤN LINH

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/xahoi/201908/muoi-nam-xay-ap-nong-thon-moi-lam-ong-tiep-buoc-di-len-2957531/