Lạm phát ảnh hưởng đến cả bữa ăn của chim cánh cụt và rái cá Nhật Bản
Vốn là quốc gia có giá cả ổn định, tình hình lạm phát thời gian gần đây tác động không nhỏ đến nhịp sinh hoạt thường ngày của nhiều gia đình, cơ quan xứ anh đào.
Nhiều tháng nay, Kazumi Sato, chuyên gia dinh dưỡng tại trường cấp 2 Senju Aoba (Tokyo, Nhật Bản) nhận thông báo về việc giá nguyên liệu tăng vọt. Thấu hiểu khó khăn tài chính nhiều gia đình học sinh phải đối mặt, chính quyền địa phương không muốn chuyển gánh nặng bữa ăn trưa tốn kém hơn lên vai các gia đình.
Với Sato, điều đó có nghĩa là phải liên tục điều chỉnh thực đơn ăn trưa để phù hợp với ngân sách. Cô bắt đầu dùng giá đỗ như một nguyên liệu thay thế tiết kiệm, thay trái cây tươi - nhóm thực phẩm đắt đỏ ở Nhật Bản - bằng thạch hoặc bánh tự làm song lo rằng bản thân cũng sẽ hết ý tưởng nếu giá cả tiếp tục tăng.
“Tôi cố cho thêm trái cây theo mùa vào một hoặc hai bữa mỗi tháng, song rất khó để làm điều này thường xuyên hơn. Tôi không muốn bọn trẻ thất vọng khi thấy bữa trưa”, cô kể với Reuters.
Những ngày gần đây, một can dầu ăn 18 lít đắt hơn 1.750 yen (13 USD) so với năm ngoái, giá hành cũng đắt gấp đôi. Đứng trước nhiều quy định dinh dưỡng nghiêm ngặt được đặt ra đối với hệ thống trường công lập, các chuyên gia dinh dưỡng cũng không còn nhiều lựa chọn trước khi phải đặt gánh nặng tài chính lên phụ huynh.
Nhưng chính phủ lo nếu trường hợp này xảy ra, những bữa cơm tại gia sẽ không đạt tiêu chuẩn dinh dưỡng vì người dân tiết kiệm chi tiêu. Nhiều quan chức và nhà giáo dục nhận xét rằng một số học sinh gầy đi rõ rệt khi trở lại trường sau kì nghỉ hè.
Phường Adachi (Tokyo) đưa ra phương án sử dụng quỹ hỗ trợ chi phí nguyên liệu từ chính phủ kèm ngân sách địa phương để đỡ đần chi phí cho các gia đình. Nhưng Sato lo lắng khả năng giá thực phẩm và năng lượng tiếp tục tăng cao, đặc biệt trong những lúc cuối năm học khi nguồn vốn được phân bổ sẽ cạn kiệt.
“Mùa mưa năm nay kết thúc sớm hơn so với mọi năm, nên có thể sẽ gây ảnh hưởng lớn đến nguồn rau củ. Tôi lo lắng giá cả sẽ tăng thêm kể từ mùa thu".
Lạm phát đang dần trở thành vấn đề gây nhiều hệ quả tại Nhật Bản, đất nước đã quen với tình hình giá cả ổn định. Nhiều hộ gia đình buộc phải thắt chặt chi tiêu, đặc biệt là các gia đình có nguồn thu nhập thấp, theo CNN.
Trading Economics nhận định giá cả tiêu dùng tại xứ anh đào có xu hướng tăng cao trong 9 tháng vừa qua, trong đó giá thực phẩm chạm mức cao nhất trong vòng 7 năm (tăng 4,1% trong tháng 6).
Đối với loài chim cánh cụt và rái cá tại Thủy Cung Hakone-en (Tokyo), giá cả tăng vọt cũng dẫn đến sự thay đổi trong chế độ ăn.
Trước đây, chúng được cho ăn Aji, một loại cá sòng. Giá loài cá này đã tăng 20-30% so với năm ngoái. Vì vậy, nhằm cắt giảm chi phí, từ tháng 5, thức ăn của chúng được đổi sang loại cá thu Saba có giá thành rẻ hơn và những sinh vật tại đây không hài lòng với điều này.
Trong bản tin phát sóng ngày 4/7 trên kênh truyền hình TV Asahi, một nhân viên thủy cung đưa một con cá thu lại gần chú chim cánh cụt nhưng không nhận được phản ứng. Khi cô để con cá gần hơn, chú chim quay ngoắt sang phía khác. Một con rái cá khác ngửi món cá xong liền bỏ chạy.
Việc thay đổi thực đơn không được đón nhận đòi hỏi nhân viên thủy cung phải sáng tạo trong cách khuyến khích động vật ăn. Họ phát hiện ra những con chim cánh cụt và rái cá tỏ vẻ chịu ăn hơn nếu bữa ăn có trộn lẫn với cá Aji mà chúng thích. Tuy vậy, các nhân viên thủy cung vẫn cố gắng đáp ứng nhu cầu của từng cá thể ở đây.
“Lý tưởng nhất thì chúng muốn ăn mỗi cá Aji, nhưng chúng dần chấp nhận ăn cả cá Saba. Chúng tôi không bao giờ ép con vật nào ăn thứ mà chúng không thích”, Hiroki Shimamoto (nhân viên tại Hakone) chia sẻ.
Nhằm cắt giảm chi phí, nơi này cũng giảm lượt bơm nước xuống còn 1 lượt, giúp giảm hóa đơn tiền điện khoảng 40-50%.
“Tăng giá vé vào cửa là một giải pháp để đối phó với vấn đề này, nhưng chúng tôi muốn giữ nguyên giá để các vị khách cảm thấy thoải mái đến đây. Chúng tôi hy vọng sẽ có thật nhiều người đến Hakone và ngắm nhìn những loài vật ở đây”.