Lạm phát giảm tốc chưa làm thay đổi kế hoạch của Fed
Người tiêu dùng Mỹ cuối cùng đã có được cảm giác nhẹ nhõm khi giá nhiên liệu giảm và lạm phát lõi được kiềm chế, nhưng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nhiều khả năng tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ.
Kỳ vọng giá hàng hóa tiếp tục giảm
Ngày 10/8/2022, Bộ Lao động Mỹ công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 tăng 8,5%, thấp hơn so với mức dự báo 8,7% của các chuyên gia kinh tế và giảm so với mức kỷ lục 4 thập kỷ là 9,1% trong tháng 6. Lạm phát lõi - loại trừ giá thực phẩm và năng lượng - tháng 7 tăng 0,3% so với tháng 6 và tăng 5,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Trước đó, lạm phát lõi tháng 6 có mức tăng tương ứng là 0,7% và 5,9%.
Lạm phát cao ngất của Mỹ cuối cùng đã hạ nhiệt khi tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm sút và giá dầu cùng nhiều loại hàng hóa khác “quay xe”, mang lại kỳ vọng giá tiếp tục giảm.
Lạm phát vẫn quá cao và ưu tiên của Fed là giảm tỷ lệ lạm phát xuống, mục tiêu dài hạn chỉ là 2%/năm.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích cảnh báo, lạm phát có khả năng biến động khó lường và để giảm lạm phát một cách đáng kể mà mục tiêu lạm phát dài hạn của Fed là 2%/năm có thể cần đến một cuộc suy thoái kinh tế, một đợt mất việc làm lớn.
Jason Reed, giảng viên tại Trường đại học Notre Dame cho biết, giá thực phẩm và giá xăng thì ai cũng có thể thấy và nhận biết. Vì vậy, hai loại giá này đóng vai trò quan trọng trong cách người tiêu dùng nhìn về nền kinh tế. Hiện giá trung bình cho 1 gallon xăng là 4,03 USD/gallon, thấp hơn 1 USD/gallon so với giữa tháng 6/2022.
Đợt giảm mạnh của giá xăng cùng với giá thực phẩm và các hàng hóa liên quan tới năng lượng cho thấy áp lực giá cao đã hạ nhiệt.
Theo cuộc khảo sát tháng 7 của Fed New York, người tiêu dùng dự báo giá xăng tăng 1,5% và giá thực phẩm tăng 6,7% trong vòng 1 năm tới, giảm so với mức dự báo tương ứng là 5,6% và 9,2% trong cuộc khảo sát tháng 6.
Fed vẫn cần tăng lãi suất
Mặc dù lạm phát hạ nhiệt, song theo nhiều chuyên gia và các quan chức Fed, cơ quan này có khả năng sẽ duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt.
“Ngay cả khi lạm phát tổng thể giảm tốc nhờ đà lao dốc của giá năng lượng thì lạm phát lõi vẫn còn rất cao. Fed có khả năng tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ”, Blerina Uruci, chuyên gia kinh tế tại T. Rowe Price Group Inc nhấn mạnh.
Trong khi đó, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết, Ngân hàng Trung ương muốn thấy bằng chứng rõ ràng và thuyết phục hơn về sự suy giảm của áp lực lạm phát trước khi giảm nhịp độ hoặc ngừng nâng lãi suất. Một đợt tăng lãi suất lớn tại cuộc họp tháng 9 tới có thể xảy ra.
Số liệu mới đây cho thấy, thị trường việc làm tại Mỹ đã có thêm tín hiệu sáng trong tháng 7/2022 khi nền kinh tế bất ngờ bổ sung 528.000 vị trí việc làm, xua tan mọi đồn đoán về khả năng sụt giảm. Bộ Lao động Mỹ báo cáo mức tăng việc làm trên đã giúp hạ tỷ lệ thất nghiệp trở lại mức thấp trước đại dịch Covid-19 là 3,5%. Bên cạnh đó, tiền lương cũng tăng, thu nhập trung bình mỗi giờ tăng 15 xu Mỹ so với tháng 6/2022.
“Tin tốt là mọi người có thể kiếm được việc làm, tin xấu là lạm phát vẫn quá cao và ưu tiên số 1 của chúng tôi là kéo lạm phát xuống”, Chủ tịch Fed chi nhánh San Francisco, bà Mary Daly nói.
Báo cáo việc làm tháng 7 cho thấy nước Mỹ không ở trong tình trạng suy thoái kinh tế. Theo đó, Fed có thể sẽ tăng thêm 0,75% lãi suất trong cuộc họp tháng 9 tới (mức tăng 0,75% đã được áp dụng trong 2 cuộc họp tháng 6 và tháng 7) và giữ lãi suất ở mức cao trong thời gian dài hơn, trái ngược với kỳ vọng của thị trường về việc lãi suất sẽ được cắt giảm vào năm 2023.
Phát biểu ngày 10/8, Chủ tịch Fed chi nhánh Chicago, ông Charles Evans nói rằng, lạm phát vẫn cao “không thể chấp nhận được” và Fed cần tiếp tục tăng lãi suất.
Chủ tịch Fed chi nhánh Minneapolis, ông Neel Kashkari đánh giá, số liệu lạm phát mới nhất là tin tốt, nhưng Fed “còn rất, rất xa đến chỗ có thể tuyên bố chiến thắng” và cần tăng lãi suất cao hơn.