'Lạm phát' giấy khen
Đa số các danh hiệu này đều chung chung, khiến nhiều phụ huynh cảm thấy băn khoăn, không biết con mình được khen như vậy là thế nào.
Cứ tới dịp cuối năm học, dư luận xã hội lại dấy lên nhiều ý kiến về việc tặng giấy khen cho học sinh có thành tích tốt trong nhà trường. Vừa qua, tấm ảnh chụp một học sinh duy nhất trong lớp học không có giấy khen lại làm nhiều người lên tiếng bày tỏ sự lo lắng về tình trạng “lạm phát” giấy khen. Một số người cho rằng nên bỏ giấy khen khi việc khen thưởng không còn nhiều tác dụng khuyến khích, động viên mà thậm chí có thể gây tổn thương cho một số học sinh… Tấm giấy khen không có lỗi nhưng cách sử dụng hiện vẫn còn nhiều vấn đề cần khắc phục để phát huy được ý nghĩa tốt đẹp của nó.
Giấy khen là hình thức động viên những người có thành tích tốt đã tồn tại từ lâu và có nhiều tác động tích cực đối với cả bản thân những người được nhận giấy khen lẫn những người chứng kiến. Hình ảnh những bức tường treo kín giấy khen đã từng là niềm tự hào, hãnh diện của nhiều bậc phụ huynh, sự thán phục của nhiều học sinh khi được thấy bề dày thành tích của những người đi trước. Có nhiều loại giấy khen trong nhiều lĩnh vực khác nhau, nhưng giấy khen trong trường phổ thông luôn được quan tâm nhiều nhất bởi việc sử dụng loại giấy khen này trong những năm gần đây có nhiều bất cập.
Hiện tượng một lớp học có đa số, nhiều nơi lên tới gần 100% số học sinh đạt loại giỏi đã dẫn tới việc giấy khen phổ biến, tràn lan. Khi hầu như ai cũng được nhận giấy khen thì giấy khen bỗng trở nên bình thường và học sinh không có giấy khen mới “bất thường”, có thể gây thương tổn cho các em. Và quan trọng hơn cả là tấm giấy khen khi ấy không phản ánh sát thực lực học tập của học sinh. Chúng ta dễ dàng nhìn thấy một nghịch lý: Tại sao giấy khen nhiều như thế mà trình độ của học sinh không hơn so với trước kia, thời mà mỗi lớp chỉ hiếm hoi vài em được giấy khen? Ở bậc tiểu học, với sự ra đời của Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT rồi Thông tư 22 sửa đổi, học sinh không còn được xếp loại học sinh tiên tiến, học sinh tiên tiến xuất sắc như trước kia. Đi kèm với đó, giấy khen dựa trên thành tích học tập cũng không còn. Vậy là xuất hiện tình trạng loạn giấy khen, mỗi trường tự nghĩ ra một số danh hiệu để tặng cho học sinh, ví dụ: “Khen từng mặt", “Học sinh tiêu biểu”, “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”, “Nổi bật về phát triển phẩm chất”, “Đạt thành tích về phát triển năng lực phẩm chất”… Đa số các danh hiệu này đều chung chung, khiến nhiều phụ huynh cảm thấy băn khoăn, không biết con mình được khen như vậy là thế nào. Các tổ chức xét giấy khen để trao thưởng cuối năm cho học sinh như khuyến học, dòng họ, các cơ quan, tổ chức nơi cha mẹ học sinh đang làm việc… cũng lúng túng không biết nên xếp các giấy khen như vậy vào cùng hạng với các giấy khen khác như thế nào cho hợp lý. Ý nghĩa khích lệ sự tự hào, tự tin để học sinh nỗ lực phấn đấu của tờ giấy khen ít nhiều bị ảnh hưởng.
Mặc dù còn những bất cập như vậy nhưng sự tồn tại của giấy khen vẫn là cần thiết. Luồng ý kiến loại bỏ hẳn giấy khen khỏi nhà trường là cách làm theo kiểu “không quản được thì cấm”. Bản thân tờ giấy khen không có lỗi, chỉ có cách sử dụng giấy khen cần điều chỉnh để giấy khen phát huy được ý nghĩa tích cực. Giấy khen chỉ có ý nghĩa động viên, khuyến khích khi sự đánh giá năng lực học sinh sát với thực tế, không cào bằng theo kiểu “cả nhà cùng vui”. Cần có giấy khen cho học sinh đạt kết quả tốt trong học tập và học sinh nỗ lực vươn lên so với chính bản thân mình. Như vậy, các em sẽ có động lực để cố gắng rèn luyện ngày một tốt hơn. Đối với bậc tiểu học, ngành giáo dục và đào tạo nên có sự thống nhất trong các danh hiệu khen học sinh, bảo đảm phù hợp với học sinh lứa tuổi này. Danh hiệu phải cụ thể, dễ hiểu để học sinh, phụ huynh cũng như xã hội hiểu được các em được khen vì điều gì. Các trường học có thể tự đề ra các danh hiệu của mình nhưng cũng cần thông qua sự xét duyệt của Phòng Giáo dục và Đào tạo để bảo đảm các danh hiệu đạt các tiêu chí nêu trên. Việc xét duyệt giấy khen cho học sinh phải “đúng người, đúng thành tích” một cách xứng đáng, không dễ dãi thì học sinh mới cảm thấy tấm giấy khen đó quý giá, đáng trân trọng.
Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/cung-ban-luan/lam-phat-giay-khen-141712