Lạm phát hạ nhiệt - Yếu tố thuận lợi duy trì mặt bằng lãi suất thấp
Tín hiệu lạm phát hạ nhiệt đã tạm thời làm yên lòng hơn đối với những người đang ở vị thế nắm giữ nhiều tiền. Điều này phần nào hạn chế việc dòng tiền có thể 'đổ dồn' vào các kênh tài sản, một phần cũng là điều kiện thuận lợi duy trì mặt bằng lãi suất thấp hỗ trợ các nhu cầu tài chính phục vụ kinh doanh của nền kinh tế.
Yếu tố tích cực từ chỉ số giá
Số liệu lạm phát từ Tổng cục Thống kê cho thấy, bối cảnh chỉ số giá tiêu dùng đã chuyển hướng từ trạng thái tăng mạnh sang trạng thái giảm, khi CPI tháng 3/2024 giảm 0,23% so với tháng trước. Điều này đã đảo ngược diễn biến so với tốc độ tăng CPI của tháng 2/2024 đạt tới 1,04%. Theo đó, tính chung quý I/2024, CPI tăng 3,77% so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó về lãi suất danh nghĩa: theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước tại thời điểm tháng 3/2024 cho thấy, lãi suất tiền gửi bình quân của các giao dịch phát sinh mới của các ngân hàng thương mại ở mức 3,3%/năm. Mức lãi suất này chỉ tương đương với mức gần 0,28%/tháng. Nếu chỉ nhìn ở phạm vi 1 tháng, thì lãi suất danh nghĩa nêu trên đang bị thấp khá nhiều so với CPI của tháng 2, đồng nghĩa với lãi suất thực giai đoạn tháng 2 là âm đối với người gửi tiền tiết kiệm. Yếu tố này nếu kéo dài thì đó là một vị thế bất lợi cho những người nắm giữ tiền và thực tế thị trường đã có những giai đoạn dòng tiền bị hút vào các kênh tài sản, trong đó có vàng.
Trong bối cảnh trên, thời gian qua Thủ tướng Chính phủ đã rất kịp thời có những chỉ đạo quyết liệt về thực thi các giải pháp quản lý thị trường vàng. Một trong những nội dung chỉ đạo kịp thời của Thủ tướng là Công điện số 23/CĐ-TTg yêu cầu tăng cường các biện pháp quản lý thị trường vàng. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, hiệu quả, kịp thời các nhiệm vụ, giải pháp bình ổn thị trường vàng đã được giao tại các văn bản của Chính phủ và Thủ tướng ban hành thời gian qua.
Ngay sau khi có công điện của Thủ tướng, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng đã họp để có những chỉ đạo kịp thời đối với các bộ, ngành về các giải pháp quản lý thị trường vàng.
Điều kiện duy trì lãi suất thấp
Diễn biến thời gian gần đây cho thấy, giá vàng trong nước tuy có nhích tăng, nhưng chủ yếu do ảnh hưởng của sự bùng nổ của giá vàng thế giới, trong khi dòng tiền trong nước không còn bị “đổ dồn” vàng như thời điểm hồi cuối tháng 2, đầu tháng 3 nữa. Hiện tại, chênh lệch giá vàng miếng và vàng nhẫn chỉ còn khoảng hơn 10 triệu đồng/lượng, thu hẹp khá nhiều so với mức chênh lệch có lúc lên tới 15 triệu đồng/lượng trong thời gian trước đây.
Chênh lệch giá vàng thế giới và trong nước hiện nay cũng đã được thu hẹp đáng kể so với trước. Tại thời điểm sáng ngày 2/4, giá vàng thế giới ghi nhận mức 2.248 USD/ouce, quy ra tỷ giá VND/USD, thì giá vàng thế giới tính theo tiền Việt tương đương khoảng 67,7 triệu đồng/lượng. Cùng thời điểm này, giá vàng nhẫn trong nước mua vào là 69,45 triệu đồng/lượng và bán ra là 70,7 triệu đồng/lượng.
Theo đó, giá bán vàng nhẫn bán ra chỉ còn cao hơn giá thế giới khoảng 3 triệu đồng/lượng và giá mua vào cao hơn giá thế giới chưa đến 2 triệu đồng/lượng. Mức chênh lệch này đã được thu hẹp rất nhiều so với trước đây, khi vàng nhẫn có lúc cao hơn giá thế giới khoảng 6 - 7 triệu đồng/lượng, còn vàng miếng có lúc cao hơn giá thế giới tới gần 20 triệu đồng/lượng.
Động thái “điều hòa” trở lại của giá vàng trong nước so với giá thế giới một phần nhờ sự chỉ đạo kịp thời từ Chính phủ, một phần bối cảnh thị trường tiền tệ cũng đã có những thay đổi khi lãi suất thực đã chuyển từ trạng thái âm hồi tháng 2, sang trạng thái dương trở lại vào tháng 3.
Cụ thể, cùng với lãi suất tiền gửi bình quân danh nghĩa 3,3%/năm (tương đương 0,28%/tháng), trong bối cảnh chỉ số CPI tháng 3 âm 0,23% thì lãi suất thực đã ở mức dương 0,51%/tháng. Với trạng thái thị trường tài chính như trên, vị thế của người nắm giữ tiền cũng đang lấy lại được ưu thế và theo đó, những người đang cầm tiền không còn chịu sức ép phải nhanh chóng rải tiền sang các kênh tài sản để “trú ẩn” cho đồng tiền của mình nữa.
Đây chính là điều kiện để cho mặt bằng lãi suất không chịu sức phải tăng trở lại để đảm bảo giá trị đồng tiền, thậm chí cũng vẫn có ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất thấp hơn nữa. Chẳng hạn đầu tháng 4/2024, Vietcombank tiếp tục công bố lãi suất tiết kiệm một số kỳ hạn giảm thấp hơn nữa và hiện tại, lãi suất kỳ hạn 1 - 2 tháng tại ngân hàng này chỉ còn 1,6%/năm.
Diễn biến lãi suất đầu vào giảm được kỳ vọng tiếp tục tạo điều kiện cho lãi suất đầu ra cũng sẽ tiếp tục giảm thấp hơn, qua đó giảm áp lực chi phí tài chính cho doanh nghiệp. Đánh giá về yếu tố chung của nền kinh tế thời điểm hiện tại, ông Tim Leelahaphan - chuyên gia kinh tế Việt Nam và Thái Lan của Ngân hàng Standard Chartered cho biết, Việt Nam vẫn giữ đà phục hồi. Standard Chartered dự báo NHNN sẽ giữ lãi suất tái cấp vốn ở mức 4,5% cho đến hết quý III năm 2024.
Lạm phát trong mục tiêu và lãi suất còn giảm nhẹ
Kinh tế thế giới và Việt Nam đang phục hồi, riêng Việt Nam dự báo năm 2024-2025 sẽ tốt hơn (nhìn từ các động lực tăng trưởng). Trong đó, lạm phát tăng trong mục tiêu và lãi suất còn giảm nhẹ; tỷ giá sẽ ổn định hơn. Các nghĩa vụ tài chính đã qua giai đoạn khó khăn nhất và khả năng tiếp cận vốn được duy trì. TS. Cấn Văn Lực - Kinh tế gia trưởng BIDV.