Lạm phát Hungary đã giảm trong tháng 4 nhưng vẫn cao nhất EU
Lạm phát tại Hungary đã giảm xuống 24% trong tháng 4, từ mức 25,2% của tháng trước nhưng vẫn ở mức cao nhất Liên minh châu Âu (EU)
Lạm phát tại Hungary, nơi có tốc độ tăng lạm phát nhanh nhất của EU, đã giảm tháng thứ 3 liên tiếp, đưa ngân hàng trung ương nước này (MNB) tiến gần hơn đến việc cắt giảm lãi suất cơ bản hiện cũng đang ở mức cao nhất của khối EU.
Tỷ lệ lạm phát tại nước này đã giảm xuống 24% trong tháng 4, từ mức 25,2% của tháng trước, thấp hơn một chút so với ước tính trung bình là 24,1% trong một cuộc khảo sát của các nhà kinh tế.
Phó Thống đốc MNB Barnabas Virag cho biết, các nhà hoạch định chính sách sẽ đánh giá “sự bền bỉ” của nền kinh tế trong những tháng tới khi cân nhắc thời điểm cắt giảm lãi suất. Lãi suất cơ bản của nước này đang ở ngưỡng 18%, mức cao nhất trong khu vực EU. Các nhà đầu tư phần lớn đang dự báo về việc liệu việc cắt giảm lãi suất có thể bắt đầu vào tháng 5 hay tháng 6 hay không.
Nhà kinh tế Peter Virovacz của ING Groep NV chia sẻ: “Dữ liệu lạm phát mới nhất đã mở ra cánh cửa rộng hơn cho việc cắt giảm lãi suất. Nếu chúng ta thấy thị trường hoàn toàn ủng hộ việc cắt giảm lãi suất và điều này không gây ra sự hỗn loạn trên thị trường thì MNB có thể bắt đầu cắt giảm lãi suất ngay vào tháng 5”.
Các nhà đầu tư kỳ vọng MNB sẽ cắt giảm lãi suất 65 điểm cơ bản trong tháng tới, thấp hơn mức dự đoán 100 điểm cơ bản của các nhà kinh tế.
Ông Virag cho biết, việc suy thoái kinh tế trên thế giới ngày càng trầm trọng, cộng với việc đồng forint của Hungary tăng giá và chi phí năng lượng thấp hơn đã làm chậm mức tăng của lạm phát trong năm nay. Ông nhận định, “có khả năng cao” lạm phát tại Hungary có thể giảm xuống một con số vào cuối năm nay.
Đồng quan điểm, ông Laszlo Bencsik, Phó giám đốc điều hành tại OTP Bank, ngân hàng lớn nhất của Hungary cũng dự đoán lạm phát có thể giảm xuống 9,3% vào tháng 12.
Chuyên gia kinh tế Virovacz của ING thì dự báo lạm phát trung bình hàng năm tại Hungary sẽ là 19% trong năm nay và cho biết mối đe dọa của việc giá cả bị mắc kẹt ở mức cao là một mối lo ngại.
Chính phủ nước này đã áp dụng các biện pháp giảm giá bắt buộc tại các siêu thị, cùng với các mức trần bắt buộc với một số mặt hàng thực phẩm. Tuy nhiên, những biện pháp này đã bị MNB chỉ trích vì cho rằng chúng can thiệp quá sâu vào thị trường tự do và cuối cùng sẽ làm trầm trọng thêm lạm phát.
Theo văn phòng thống kê Hungary, giá cả thực phẩm trong tháng 4 tại nước này không thay đổi nhiều so với tháng trước, nhưng vẫn tăng gần 38% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi đó chi phí năng lượng hộ gia đình tháng 4 tăng gần 42% so với cùng kỳ.