'Lạm phát' IELTS, học sinh lo đạt 5.5 vẫn chưa đủ để đỗ đại học

Các trường đại học xét tuyển bằng IELTS khiến học sinh ồ ạt đăng ký học, từ đó nảy sinh tâm lý lo lắng, sợ điểm IELTS hiện tại chưa đủ cao để trúng tuyển nguyện vọng mong muốn.

 Học sinh dùng IELTS để xét tuyển nhưng cũng lo mức điểm của mình không đủ để cạnh tranh với các bạn khác. Ảnh: Telegraph.

Học sinh dùng IELTS để xét tuyển nhưng cũng lo mức điểm của mình không đủ để cạnh tranh với các bạn khác. Ảnh: Telegraph.

“Có ai giống mình không, mình sinh năm 2006, dự kiến tháng 11 năm nay tiếp tục thi IELTS để sau này xét tuyển đại học. Hiện tại trình độ của mình ở mức 6.0 và đặt mục tiêu đạt 7.5. Mình biết là khó nhưng vẫn muốn cố thi cho được vì mình thấy IELTS bây giờ đang hơi lạm phát. Mình sợ điểm IELTS không cao hẳn thì sẽ khó xét tuyển”.

Đây là lời tâm sự của một học sinh lớp 11 chuẩn bị lên lớp 12. Dù đã sở hữu chứng chỉ IELTS 6.0, học sinh này vẫn muốn thi để nâng điểm vì lo ngại hiện nay, nhiều học sinh đều thi IELTS và đạt mức điểm cao. Điều này khiến học sinh lo ngại mức điểm 6.0 hiện tại không đủ để cạnh tranh với những học sinh khác khi đăng ký xét tuyển vào đại học.

Nỗi lo của những học sinh dùng IELTS để vào đại học

Những năm gần đây, IELTS trở thành một tiêu chí mới trong xét tuyển đại học. Thí sinh có thể sử dụng chứng chỉ IELTS để đăng ký xét tuyển, ưu tiên xét tuyển, xét tuyển thẳng hoặc xét tuyển kết hợp vào nhiều ngành tại nhiều trường đại học trên cả nước.

 Theo thống kê của Tri thức trực tuyến, khoảng 60 trường đại học trên cả nước tuyển sinh bằng IELTS. Độc giả tham khảo danh sách tại đây. Ảnh minh họa: Thạch Thảo.

Theo thống kê của Tri thức trực tuyến, khoảng 60 trường đại học trên cả nước tuyển sinh bằng IELTS. Độc giả tham khảo danh sách tại đây. Ảnh minh họa: Thạch Thảo.

Lấy ví dụ tại Đại học Luật TP.HCM, thí sinh có thể dùng chứng chỉ IELTS 5.5 trở lên để đăng ký xét tuyển thẳng và xét tuyển sớm. Đồng thời, thí sinh cần cần điểm trung bình cộng 5 học kỳ THPT (ngoại trừ học kỳ 2 lớp 12) của 3 môn thuộc tổ hợp xét tuyển đạt từ 22,5 trở lên.

Hay với Đại học Kinh tế Quốc dân, thí sinh có thể sử dụng IELTS 5.5 trở lên để đăng ký theo phương thức xét tuyển kết hợp của nhà trường. Cách thứ nhất là kết hợp điểm IELTS và điểm thi đánh giá năng lực/đánh giá tư duy. Cách thứ 2 là kết hợp điểm IELTS với điểm thi tốt nghiệp THPT 2023 môn Toán và một môn khác môn Tiếng Anh trong tổ hợp xét tuyển của trường.

IELTS 5.5 là ngưỡng điểm nhiều trường nhận hồ sơ để xét tuyển, nhưng với nhiều thí sinh, mức điểm này vẫn khiến các em chưa yên tâm vì lo rằng càng nhiều học sinh có điểm IELTS cao, tỷ lệ chọi sẽ căng thẳng hơn.

H.M., học sinh lớp 10 (chuẩn bị lên lớp 11) ở Hà Tĩnh, là một trường hợp như vậy. Từ năm lớp 10, nữ sinh đã bắt đầu học IELTS để chuẩn bị cho việc thi lấy chứng chỉ, phục vụ việc xét tuyển đại học. Hiện, trình độ của H.M. ở mức 5.0-5.5.

Nữ sinh tự đánh giá mức điểm IELTS của mình vẫn còn khá thấp nên sẽ khó “chọi” với các bạn khác. Do đó, M. đặt mục tiêu đến cuối năm lớp 11, chậm nhất là cuối học kỳ 1 lớp 12, em phải đạt được IELTS 7.0-7.5. Như vậy, emmới yên tâm nộp hồ sơ xét tuyển bằng IELTS.

“Lớp em chọn tổ hợp môn Toán - Vật lý - Tiếng Anh (khối A01) nên ngay từ năm lớp 10, nhiều bạn đã đầu tư học tiếng Anh. Dù phải đi hơn 50 km để học IELTS, hơn nửa học sinh trong lớp vẫn sẵn sàng bỏ thời gian, công sức để đi học. Các bạn đều phấn đấu để đạt IELTS cao cho dễ trúng tuyển đại học nên bản thân em không dám lơ là, chủ quan”, H.M. tâm sự.

T.A., học sinh lớp 11 (chuẩn bị lên lớp 12) ở Hà Nội, cũng có nỗi lo tương tự. Nam sinh dự định đăng ký xét tuyển vào Đại học Kinh tế Quốc dân theo phương thức xét kết hợp điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm IELTS.

Tại Đại học Kinh tế Quốc dân, thí sinh có chứng chỉ IELTS sẽ được quy đổi thành điểm môn Tiếng Anh để xét tuyển. Cụ thể 5.5 quy đổi thành điểm 10, 6.0 là 11 điểm, 6.5 là 12 điểm, 7.0 là 13 điểm, 7.5 là 14 điểm và 8.0 trở lên sẽ được quy đổi thành 15.

Nắm rõ quy định này của nhà trường, T.A. đặt quyết tâm đạt điểm IELTS càng cao càng tốt để được quy đổi nhiều điểm hơn. Hiện, trình độ IELTS của T.A. dừng ở mức 5.5, tương đương mức quy đổi 10 điểm của nhà trường. Nam sinh mong muốn đạt điểm IELTS cao hơn. Như vậy, khi xét tuyển, em cũng có nhiều cơ hội để giành suất vào trường.

Độc giả tham khảo cách quy đổi điểm IELTS của một số trường đại học theo bảng sau.

IELTS có đang lạm phát?

Trao đổi với Tri thức trực tuyến về việc học sinh cố thi IELTS cao để nâng cao cơ hội trúng tuyển đại học, cô H.Q., giáo viên IELTS tại Hà Nội, nhận định một thực tế hiện nay là việc học IELTS và sử dụng IELTS trong tuyển sinh đang có dấu hiệu “lạm phát”.

Là một giáo viên dạy IELTS, cô Q. nhận thấy số lượng học sinh THPT, thậm chí là THCS, đăng ký học IELTS ngày càng đông. Học sinh được tiếp xúc với IELTS từ sớm nên trình độ của các em cũng được nâng cao. Từ đó, mức điểm trung bình IELTS của học sinh tăng là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

Một khi điểm IELTS trung bình của học sinh tăng, tỷ lệ chọi cũng sẽ tăng. Khi đó, cô Q. lo ngại học sinh phải đạt mức IELTS cao mới có cơ hội trúng tuyển vào các đại học tốp đầu bằng phương thức xét tuyển/xét tuyển thẳng/xét tuyển kết hợp bằng IELTS.

Dù là giáo viên dạy IELTS, cô H.Q. lại không ủng hộ việc các trường đại học tuyển sinh bằng chứng chỉ IELTS ồ ạt như hiện nay. Thậm chí, một số trường dùng chứng chỉ này để tuyển sinh cho những ngành hoàn toàn không liên quan tiếng Anh.

Theo cô Q., các trường đại học chỉ nên tuyển sinh bằng IELTS cho các ngành liên quan tiếng Anh hoặc các ngành đào tạo bằng tiếng Anh. Với các ngành khác, IELTS chỉ nên là tiêu chí phụ hoặc tốt nhất là không nên dùng đến IELTS.

“Với các ngành không liên quan, tiếng Anh chỉ là công cụ hỗ trợ học tập. Do đó, nếu các trường quá đề cao vai trò của chứng chỉ năng lực ngoại ngữ như IELTS, TOEIC, TOEFL…, học sinh sẽ có xu hướng tập trung vào các chứng chỉ và không học những môn quan trọng phục vụ cho chuyên ngành sau này”, cô Q. nêu quan điểm.

Nói thêm về việc các trường đua nhau tuyển sinh bằng IELTS, cô Q. bày tỏ lo ngại hiện tượng này sẽ để lại 2 hậu quả.

Thứ nhất là gây bất công, học sinh có điều kiện, có cơ hội học IELTS thì sẽ thuận lợi hơn trong việc dành IELTS điểm cao. Ngược lại, học sinh không có điều kiện học lại rất khó để học và thi chứng chỉ này.

Thứ hai, khi các trường đề cao tuyển sinh bằng IELTS, học sinh sẽ chỉ học để thi chứng chỉ này và quên học các môn quan trọng khác như Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý. Khi đó, học sinh có thể gặp khó khăn ở bậc đại học vì kiến thức nền không đủ vững.

Trước tình trạng này, cô Q. đề xuất Bộ GD&ĐT cần có phương án để “bình ổn” công tác tuyển sinh bằng chứng chỉ ngoại ngữ ở các trường đại học. Ngoài việc quy định các ngành phù hợp để tuyển sinh bằng IELTS, bộ cũng nên đặt ra khung quy đổi điểm chung cho tất cả trường đại học, tránh để tình trạng “loạn” cách quy đổi điểm, gây khó khăn cho học sinh khi đăng ký xét tuyển đại học.

Thái An

Nguồn Znews: https://lifestyle.zingnews.vn/lam-phat-ielts-hoc-sinh-lo-dat-55-van-chua-du-de-do-dai-hoc-post1441836.html