Lạm phát khu vực Eurozone cán mốc chưa từng có
RT ngày 31/10 đưa tin, lạm phát tại khối 19 quốc gia sử dụng đồng euro (eurozone) đã vọt trần lên mức chưa từng có tiền lệ trong bối cảnh khối này đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng.
RT dẫn một báo cáo về lạm phát công bố ngày 31/10 cho biết, khu vực Eurozone ghi nhận tháng thứ 12 liên tiếp có lạm phát gia tăng. Tuy nhiên, lần này con số đã vọt trần, chứng kiến mức lạm phát 10,7% trong tháng 10.
Giới chuyên gia nêu rõ, một trong những yếu tố khiến tỷ lệ lạm phát tại Eurozone vọt trần là do chi phí năng lượng trung bình trong khu vực đã tăng tới 41,9% so với cùng kỳ năm trước. Giá thực phẩm, rượu và thuốc lá cũng tăng theo lên 13,1% so với 11,8% của tháng 9.
Nếu con số này được Cơ quan Thống kê Châu Âu (Eurostat) xác nhận chính thức vào tháng 11, đây sẽ là mức cao kỷ lục, đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử Eurozone, lạm phát vượt trên 10% kể từ khu vực này thành lập. Chỉ số này làm dấy lên lo ngại về một diễn biến suy thoái tiềm tàng đón chờ châu Âu trong tương lai.
Được biết, các nền kinh tế đầu tàu châu Âu cũng ghi nhận lạm phát tăng mạnh. Theo đó, lạm phát tại Italia, nền kinh tế lớn thứ 3 châu Âu cán mốc 12,8%, vượt ngoài dự đoán của các nhà phân tích. Đức cảnh báo lạm phát có thể tăng đến 11,6% và số liệu này tại Pháp là 7,1%. Trong khi đó, các nước Baltic được xem là những bên chịu tác động nặng nề nhất với lạm phát đã vượt quá mốc 20%. Estonia là nước chịu lạm phát cao nhất, vào khoảng 22,4%.
Theo Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), khối sẽ có nhiều đợt tăng lãi suất thêm trong những tháng tới. Tuần trước, ECB đã quyết định tăng gấp đôi lãi suất lên 1,5%.
Kể từ khi phương Tây áp đặt trừng phạt lên Nga vì nước này tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine, giá năng lượng tại châu Âu đã tăng mạnh, gây tổn hại tới đời sống hàng ngày và các nền kinh tế châu Âu. Nga nói rằng, các lệnh trừng phạt của phương Tây đang gây ra tác dụng ngược và có thể khiến châu Âu là bên chịu thiệt hại nặng nhất.
Về phía Moscow, ngay khi các nước phương Tây và các đồng minh ở Thái Bình Dương chọn cắt giảm nhập khẩu dầu Nga, hầu hết lượng dầu được chuyển hướng sang châu Á và Trung Đông, nơi có các nước trung lập không đứng về phía nào trong xung đột Nga - Ukraine. Thậm chí theo Guardian, doanh thu từ năng lượng có thể giúp Nga chịu được một cuộc bao vây kinh tế kéo dài.
Công ty tư vấn kinh tế Capital Economics (Anh) tính toán nếu giá khí đốt duy trì ở mức hiện tại, Nga có thể giữ mức xuất khẩu sang châu Âu chỉ 20% mức bình thường trong 2-3 năm tới, thậm chí có thể cắt nguồn cung hoàn toàn trong một năm mà không ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế Nga.