Lạm phát kỷ lục, các nghiệp đoàn kêu gọi châu Âu hành động khẩn cấp

Các nghiệp đoàn châu Âu đang tổ chức nhiều cuộc biểu tình yêu cầu Liên minh châu Âu có hành động khẩn cấp để giải quyết những hệ quả do lạm phát kỷ lục gây ra.

Hầu hết các nước châu Âu hiện đang phải đối mặt với một bối cảnh xã hội tương đối rủi ro, có rất nhiều yếu tố có thể làm bùng phát bất ổn, thậm chí dẫn đến bạo loạn. Nguyên nhân lớn nhất là vì lạm phát tiếp tục tăng cao khiến đời sống của người lao động bình dân gặp rất nhiều khó khăn. Trong tháng 09/2022, lạm phát tại khu vực đồng tiền chung châu Âu- Eurozone đã ở mức 10% và dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng trong những tháng tới, bất chấp các nỗ lực tác động ở tầm vĩ mô như việc Ngân hàng trung ương châu Âu – ECB nâng lãi suất.

Vấn đề lớn nhất hiện nay là chi phí năng lượng. Hóa đơn năng lượng nhiều hộ gia đình tại các nước châu Âu đã cao gấp 2-3 lần trước kia, chi phí thực phẩm cũng tăng mạnh trong khi lương thì hầu như không tăng, hoặc tăng rất ít. Thực trạng này khiến người lao động có thu nhập thấp ngày càng bất mãn với cách điều hành của các chính phủ, dẫn đến các cuộc biểu tình, bãi công, bất tuân dân sự bùng phát tại nhiều nước châu Âu trong vài tháng qua, như bãi công của công nhân đường sắt và phong trào không trả hóa đơn năng lượng tại Anh (Don’t pay UK); bãi công của nhân viên đường sắt Hà Lan, đình công của nhân viên kiểm soát không lưu và nhân viên hàng không tại Pháp, bãi công của các phi công hãng Eurowings tại Đức hay mới nhất là đình công trong các nhà máy lọc dầu tại Pháp...

Các nghiệp đoàn châu Âu đang tổ chức nhiều cuộc biểu tình để yêu cầu Liên minh châu Âu có hành động khẩn cấp để giải quyết những hệ quả do lạm phát kỷ lục gây ra.

Các nghiệp đoàn châu Âu đang tổ chức nhiều cuộc biểu tình để yêu cầu Liên minh châu Âu có hành động khẩn cấp để giải quyết những hệ quả do lạm phát kỷ lục gây ra.

Khả năng đáp ứng các đòi hỏi từ các nghiệp đoàn tại các nước phụ thuộc nhiều hơn vào năng lực phản ứng của mỗi chính phủ. Chính phủ các nước có nền kinh tế lớn sẽ có biên độ hành động rộng hơn, như tại Đức, chính phủ của Thủ tướng Olaf Scholz sẽ thiết lập một lá chắn tài chính lên tới 200 tỷ euro nhằm giảm thiểu các tác động của khủng hoảng năng lượng đến các doanh nghiệp và các hộ gia đình.

Tại Pháp, ngoài chính sách “lá chắn năng lượng”, tức việc trợ giá nhiên liệu và đóng băng hóa đơn điện, vốn được duy trì từ nhiều tháng qua cũng sẽ tiếp tục được kéo dài sang năm 2023 và dự kiến tiêu tốn của chính phủ Pháp khoảng 45 tỷ euro. Nhưng không phải chính phủ châu Âu nào cũng có tiềm lực tài chính để làm điều đó và châu Âu cũng không thể chi tiền trợ giá quá lâu dài để giải quyết các bất ổn xã hội hiện nay bởi do đại dịch Covid-19, các nước châu Âu đều đã vay nợ rất nhiều để cứu các doanh nghiệp và người lao động nên tỷ lệ nợ công các nước đều đã ở mức rất cao.

Nhiều là cuộc đình công từ tháng 9 của công nhân tại các nhà máy lọc dầu, kho chứa tại Pháp khiến không còn hàng để bán và Pháp phải mở kho dự trữ nhiên liệu chiến lược.

Khoảng 10 ngày qua, các công đoàn tại nhiều nhà máy lọc dầu lớn của Pháp đã kêu gọi người lao động biểu tình để yêu cầu tăng lương. Tình hình đặc biệt căng thẳng tại các cơ sở lọc dầu của Total - tập đoàn dầu khí lớn nhất nước Pháp và cũng là tập đoàn sở hữu hơn 1/3 số trạm xăng trên toàn lãnh thổ Pháp.

Công đoàn đại diện cho người lao động tại các nhà máy lọc dầu này yêu cầu Total phải tăng lương 10% cho nhân viên, thời điểm bắt đầu tính là 1/1/2022 nhằm bù đắp cho lạm phát thời gian qua. Các công đoàn cho rằng Total phải chia sẻ lợi nhuận khổng lồ của hãng bởi trong nửa đầu năm 2022, lợi nhuận của Total lên tới 10,9 tỷ euro và tập đoàn này cũng đã chi tới trên 2,6 tỷ euro để trả lợi tức cho các cổ đông.

Tuy nhiên, hiện ban lãnh đạo Total vẫn đang từ chối đàm phán, khiến các cuộc đình công kéo dài, gây ra tình trạng khan hiếm nhiên liệu tại tất cả các địa phương trên nước Pháp. Tại miền Bắc nước Pháp, khoảng 30% trạm xăng không có đủ nhiên liệu hoặc thiếu ít nhất một loại nhiên liệu. Tình trạng các xe ô tô xếp hàng kéo dài nhiều km trong nhiều giờ để chờ đổ xăng đang bắt đầu gây ra sự náo loạn ở nhiều địa phương tại Pháp, trong đó có thủ đô Paris. Về cơ bản, chính phủ Pháp có ý ủng hộ các cuộc biểu tình vì cho rằng các công ty có kết quả kinh doanh tốt thì cũng cần có trách nhiệm giúp đỡ nhân viên, đồng thời kêu gọi giới chủ đàm phán.

Cuộc biểu tình tại các nhà máy lọc dầu tại Pháp là minh họa điển hình cho một vấn đề lớn hơn đang gây bức xúc tại nhiều nước châu Âu, đó là rất nhiều tập đoàn lớn của châu Âu, đặc biệt là các tập đoàn năng lượng, đã thu được lợi nhuận khổng lồ trong thời gian qua nhờ cuộc khủng hoảng năng lượng khiến giá năng lượng tăng vọt nhưng các tập đoàn này lại không chịu chia sẻ một phần lợi nhuận cho nhân viên hoặc chia sẻ trách nhiệm với các chính phủ. Đã có rất nhiều ý kiến của giới chuyên gia kinh tế về việc chính phủ các nước cần đánh thuế vào các khoản siêu lợi nhuận này nhưng cho đến nay, việc có đánh thuế cao hơn hay không vào các khoản siêu lợi nhuận của các tập đoàn này vẫn đang gây ra nhiều tranh cãi tại các nước châu Âu.

Tại Anh, chính phủ của bà Liz Truss mới đây còn đưa ra chính sách giảm thuế rất có lợi cho tầng lớp thu nhập cao, khiến thị trường và dư luận phản ứng gay gắt, đẩy nước Anh vào một cuộc khủng hoảng tiền tệ khiến sau đó bà Liz Truss buộc phải tạm thời từ bỏ chính sách này. Các nhà xã hội học tại châu Âu đánh giá, trong bối cảnh hiện nay, các tình huống tạo nên bất bình đẳng xã hội như thế sẽ là ngòi nổ có thể tạo nên các bất ổn xã hội nghiêm trọng.

Châu Âu vẫn chưa quên bài học về bạo loạn “Áo vàng” cuối năm 2018 tại Pháp từng khiến xã hội Pháp rung chuyển, vốn cũng bắt nguồn từ sự bất mãn cùng cực của những người lao động có thu nhập thấp trước việc gia tăng chi phí sinh hoạt và bất công xã hội.

Chủ tịch Liên minh công đoàn châu Âu Laurent Berger mới đây từng cảnh báo, nếu không có đối thoại hiệu quả với các nghiệp đoàn, châu Âu sẽ chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ hơn của chủ nghĩa cực hữu.

Ông Laurent Berger là Chủ tịch Liên minh công đoàn châu Âu, đồng thời cũng là Chủ tịch Liên minh công đoàn dân chủ Pháp (CFDT), tổ chức công đoàn có đông thành viên nhất tại Pháp. So với hầu hết các nước khác tại châu Âu, giới công đoàn tại Pháp có vai trò lớn hơn rất nhiều và luôn là một đối tác xã hội mà chính phủ buộc phải đối thoại khi tiến hành các chính sách lớn. Liên minh công đoàn dân chủ Pháp – CFDT là một tổ chức công đoàn tương đối ôn hòa so với một tổ chức công đoàn rất hùng mạnh khác là CGT - Tổng công đoàn lao động Pháp. Vì thế, việc ông Laurent Berger lên tiếng cảnh báo về mối đe dọa của các đảng cực hữu nếu tình hình xã hội tại các nước châu Âu xấu đi là điều rất đáng chú ý.

Châu Âu đang có những ví dụ rất rõ ràng về việc các đảng cực hữu đang nổi lên mạnh mẽ hơn, hoặc trở lại mạnh mẽ hơn, nhờ khai thác tốt các chủ đề đang gây bức xúc nhất trong xã hội châu Âu là lạm phát, sức mua, nhập cư… Ví dụ mới nhất là tại Italia, khi lãnh đạo đảng cực hữu, có gốc gác phát xít là bà Giorgia Meloni của đảng “Những người anh em Italia” đã chiến thắng bầu cử lập pháp cách đây 2 tuần và gần như chắc chắn sẽ trở thành Thủ tướng mới của Italia. Các khẩu hiệu tranh cử lớn nhất của bà Giorgia Meloni đều là việc coi Italia là trên hết, công dân Italia là trên hết và cho rằng cần bảo vệ các lợi ích của công dân Italia bằng cách giảm thiểu tối đa, thậm chí triệt tiêu cực đoan tình trạng nhập cư, kiên quyết bảo vệ người dân Italia bằng cách hạn chế sự can thiệp của Liên minh châu Âu…

Nói cách khác, đó là các chính sách đi theo xu hướng co cụm, bảo hộ, coi lợi ích cục bộ quốc gia là trên hết. Tương tự, tại Thụy Điển, đảng cực hữu “Dân chủ Thụy Điển” (SD) vốn theo đuổi các chính sách bài ngoại cũng đã thắng lớn cuộc bầu cử mới đây. Ở một mức độ thấp hơn, tại các nước như Ba Lan hay Hungary cũng có các chính sách đi theo hướng đó. Tại Đức, đảng cực hữu “Lựa chọn thay thế cho nước Đức” (AfD) mới đây cũng đã lựa chọn 2 chủ đề chính là chống lạm phát và an ninh năng lượng để tập hợp lực lượng và vận động cử tri.

Do đó, nếu các chính phủ châu Âu vẫn chật vật, không sớm tìm được giải pháp cho các vấn đề bức xúc nhất hiện nay, thông qua đối thoại vơi các công đoàn lao động và cả các nghiệp đoàn giới chủ thì lẽ đương nhiên là các đảng cực đoan, cả bên cánh hữu lẫn cánh tả, sẽ có cơ hội trỗi dậy mạnh mẽ hơn, thậm chí là nắm quyền lực như tại Italia và Thụy Điển./.

Quang Dũng/VOV-Paris

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/lam-phat-ky-luc-cac-nghiep-doan-keu-goi-chau-au-hanh-dong-khan-cap-post976267.vov