Lạm phát Mỹ dịu lại làm tăng triển vọng Fed giảm lãi suất

Chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE), thước đo lạm phát yêu thích của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã tiếp tục hạ nhiệt trong tháng 5-2024. Thông tin tích cực này làm tăng hy vọng là Fed sẽ bắt đầu giảm lãi suất vào tháng Chín tới.

Người dân mua sắm tại một siêu thị ở Montebello, bang California, Mỹ. Ảnh: Getty

Người dân mua sắm tại một siêu thị ở Montebello, bang California, Mỹ. Ảnh: Getty

Theo báo công bố hôm 28-6 của Bộ Thương mại Mỹ, chỉ số PCE trong tháng 5 tăng 2,6% so với một năm trước đó. Mức tăng này phù hợp với dự báo của các nhà kinh tế và chậm lại so với mức tăng hàng năm 2,7% trong tháng trước. Nếu xét trên cơ sở hàng tháng, chỉ số PCE lần đầu tiên không tăng kể từ tháng 11 năm ngoái. Fed đặt mục tiêu đưa mức tăng hàng năm của chỉ số này về 2%.

Theo báo cáo, lạm phát dịu lại nhờ giá xăng rẻ hơn, với mức giảm 2,1% trong tháng trước, trong khi giá hàng hóa giảm 0,4%, mức giảm lớn nhất kể từ tháng 11 năm ngoái.

Chỉ số PCE cốt lõi, không bao gồm giá cả thực phẩm và năng lượng dễ biến động, cũng tăng 2,6% hàng năm trong tháng trước, giảm từ mức 2,8% trong tháng 4. PCE cốt lõi đang ở mức thấp nhất trong 3 năm qua.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sử dụng định nghĩa hẹp hơn về chi tiêu tiêu dùng, chỉ xem xét chi tiêu ở các khu vực đô thị do người tiêu dùng trực tiếp thực hiện. Ngược lại, chỉ số PCE xem xét các khoản chi tiêu của người tiêu dùng ở thành thị và nông thôn cũng như các khoản chi tiêu do bên thứ ba thay mặt người tiêu dùng thực hiện.

Cũng theo báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ, thu nhập cá nhân của người Mỹ tăng 5% trong tháng trước, cao hơn mức ước tính 0,4%. Tuy nhiên, chi tiêu tiêu dùng tăng 0,2%, yếu hơn mức dự báo là 0,3%.

Các quan chức Fed sẽ phân tích dữ liệu lạm phát mới khi tính toán các bước chính sách tiếp theo. Fed đã quyết liệt tăng lãi suất bắt đầu từ năm 2022 để kìm hãm nhu cầu của người tiêu dùng và doanh nghiệp. Tuy nhiên, cơ quan này giữ nguyên biên độ lãi suất 5,25-5,5% kể từ tháng 7-2023 và cho đến nay, vẫn đang cân nhắc thời điểm bắt đầu giảm lãi suất.

Các quan chức Fed dự kiến, có thể thực hiện một hoặc hai lần giảm lãi suất trước cuối năm nay. Dữ liệu lạm phát mới nhất làm tăng hy vọng cho giới đầu tư rằng lần giảm lãi suất đầu tiên có thể diễn ra vào tháng 9. Khả năng đó phụ thuộc vào những gì xảy ra với dữ liệu kinh tế, cả về giá cả lẫn thị trường lao động trong thời gian tới.

“Đây là một báo cáo lạm phát tốt lành đối với Fed, giúp duy trì triển vọng giảm lãi suất vào tháng 9. Đồng thời làm tăng niềm tin của nhà đầu tư về việc nền kinh tế có thể tăng trưởng vừa phải ngay cả khi lãi suất neo ở mức cao lâu hơn”, Scott Anderson, nhà kinh tế trưởng của BMO Capital Markets nói.

Trao đổi với CNN, Gregory Daco, nhà kinh tế trưởng của EY-Parthenon, cũng cho rằng áp lực lạm phát nhìn chung đang giảm bớt và có vẻ như nỗi lo sợ lạm phát nóng trở lại như đã diễn ra ở quí đầu tiên đang dần lùi xa.

Tốc độ tăng trưởng hàng năm của chỉ số PCE ở Mỹ kể từ tháng 10-2023. Ảnh: Rtt News

Tốc độ tăng trưởng hàng năm của chỉ số PCE ở Mỹ kể từ tháng 10-2023. Ảnh: Rtt News

Lạm phát vẫn cao hơn mục tiêu 2% hàng năm của Fed nhưng chậm hơn nhiều so với mức đỉnh 7,1% của chỉ số PCE trong năm 2022. Các quan chức Fed nhấn mạnh, sẽ giảm lãi suất khi lạm phát suy yếu rõ rệt hoặc nếu thị trường việc làm có dấu hiệu hạ nhiệt bất ngờ.

Ryan Sweet, nhà kinh tế trưởng của Oxford Economics, cho biết báo cáo lạm phát tháng 5 là tin tức đáng khích lệ nhưng Fed cần nhìn thấy thị trường việc làm suy yếu rõ ràng trước khi hành động.

Nhìn chung, Fed kỳ vọng lạm phát sẽ hạ nhiệt trong những tháng tới, dù một số quan chức lo ngại rằng quá trình này có thể đình trệ.

“Phần lớn tiến bộ về lạm phát năm ngoái là nhờ những cải thiện về phía cung, bao gồm các nút thắt chuỗi cung ứng được tháo gỡ, số lượng lao động sẵn có tăng lên, một phần nhờ nhập cư và giá năng lượng thấp hơn”, Michelle Bowman, thành viên Hội đồng thống đốc Fed, cho biết trong bài phát biểu tuần này và cho rằng, những yếu tố này có thể hỗ trợ ít hơn cho đà giảm lạm phát trong tương lai.

Các quan chức khác của Fed lại đang lo lắng về việc tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại sẽ có thể tác động đến thị trường lao động. Tuy hoạt động tuyển dụng cho đến nay vẫn mạnh mẽ dù nền kinh tế hạ nhiệt nhưng một số thước đo cho thấy điều kiện lao động trên thực tế đang yếu đi. Trong đó, cơ hội việc làm giảm đáng kể, tỷ lệ thất nghiệp tăng nhẹ và số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tăng lên gần đây.

“Thị trường lao động điều chỉnh chậm và tỷ lệ thất nghiệp chỉ nhích nhẹ lên. Tuy nhiên, chúng ta đang tiến gần đến thời điểm mà kết quả tốt đẹp ít có khả năng xảy ra hơn”, Mary C. Daly, Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ liên bang khu vực San Francisco nói.

CNN, Reuters, CNBC

Khánh Lan

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/lam-phat-my-diu-lai-lam-tang-trien-vong-fed-giam-lai-suat/