Lạm phát suy yếu có thể không chặn đứng đà tăng giá của vàng
Nhu cầu của các ngân hàng trung ương, cơn suy thoái bất động sản ở Trung Quốc và các bất ổn địa chính trị có thể tiếp tục hỗ trợ giá vàng, ngay cả khi lạm phát của Mỹ suy giảm nhanh chóng.
Dữ liệu lạm phát mới nhất của Mỹ trong tháng 10 suy yếu nhanh hơn dự báo, củng cố kỳ vọng của thị trường rằng nền kinh tế Mỹ sẽ ‘hạ cánh mềm’ trong năm tới, với việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể nới lỏng chính sách tiền tệ dù thị trường lao động vẫn tương đối mạnh.
Trong kịch bản như vậy, sẽ hợp lý nếu các nhà đầu tư ưa chuộng cổ phiếu, thậm chí trái phiếu hơn vàng. Trong lịch sử, vàng, vốn không có lãi suất, có xu hướng hoạt động tốt hơn ở “phần đuôi” của đường cong hình chuông chu kỳ kinh tế, trong môi trường suy thoái với lãi suất thấp và giảm dần cùng bất ổn gia tăng hoặc trong môi trường kinh tế quá nóng với lạm phát cao và trên đà tăng.
Tuy nhiên, nhìn vào năm tới, có ít nhất ba yếu tố có thể giúp vàng tiếp tục tỏa sáng, ngay cả khi kịch bản hạ cánh nhẹ nhàng của nền kinh tế Mỹ thành hiện thực. Các ngân hàng trung ương đã phát tín hiệu sẽ bổ sung thêm vàng vào kho dự trữ ngoại hối và đặc biệt là Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) còn nhiều dư địa để làm điều đó. Ngoài ra, tình trạng giảm đòn bẫy nợ bất động sản đang diễn ra ở Trung Quốc, gây áp lực nền kinh tế và thị trường nhà ở trong nước, có thể khiến các hộ gia đình Trung Quốc tìm đến vàng như một phương tiện lưu trữ tài sản ưa thích. Cuối cùng, nhìn chung, các nhà đầu tư có thể muốn tăng cường phân bổ vốn vào vàng như một biện pháp phòng ngừa trước những sự kiện chính trị bận rộn bất thường có thể làm xấu thêm tình hình địa chính trị vốn đã bất ổn.
Đầu tiên, đối với các ngân hàng trung ương, điều quan trọng là tài sản dự trữ được chọn chủ yếu vì tính thanh khoản và ổn định hơn là lợi nhuận. Đó là lý do chính khiến các ngân hàng trung ương sở hữu nhiều trái phiếu chính phủ Mỹ đến vậy. Tuy nhiên, những năm gần đây, họ đã đa đa dạng hóa tài sản dự trữ để phòng ngừa tác động từ những cú sốc địa chính trị.
Việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine năm 2014 và sau đó là cuộc xung đột giữa hai nước này vào năm 2022 đã dẫn đến làn sóng lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào các tài sản của Nga, bao gồm cả dự trữ ngoại hối của Ngân hàng trung ương Nga. Điều này khiến nhiều nước càng tập trung vào nỗ lực đa dạng hóa tài sản dự trữ, đặc biệt là ở Nga và các nước có mối kinh doanh chặt chẽ với Nga. Họ muốn chuyển nguồn dự trữ ra khỏi các tài sản được định giá bằng đồng đô la Mỹ, cũng như tài sản của các đồng minh Mỹ có thể theo đuổi các biện pháp trừng phạt tương tự.
Trong kịch bản đó, vàng được hưởng lợi. Kim loại quí này được xem là một tài sản tương đối ổn định, có tính thanh khoản cao, có thể được sử dụng bên ngoài các hệ thống thanh toán toàn cầu (đặc biệt là hệ thống Swift). Về mặt lịch sử, vàng tăng giá tốt trong những thời kỳ bất ổn tăng cao. Theo Hội đồng Vàng thế giới (WGC), năm 2022, các ngân hàng trung ương đã mua kỷ lục 1.136 tấn vàng. Họ tiếp tục mua thêm 800 tấn vàng trong ba quí đầu năm 2023. Các nền kinh tế mới nổi, đặc biệt là Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ, dẫn đầu làn sóng mua vàng này.
PBoC là ngân hàng trung ương mua vàng lớn nhất để dự trữ trong năm nay với lượng mua 181 tấn trong 9 tháng tính đến ngày 30-9, nâng tổng lượng vàng nắm giữ lên 2.192 tấn. Nhưng PBoC có nhiều dư địa để tăng lượng nắm giữ vàng nếu muốn đa dạng hóa hơn nữa. Vàng hiện chỉ chiếm khoảng 4% tổng dự trữ ngoại hối của Trung Quốc. Để so sánh, vàng chiếm gần 25% tổng dự trữ ngoại hối của Nga, trong khi đó, tỷ lệ này của Thổ Nhĩ Kỳ là 26%. Mỹ và Đức có khoảng 2/3 tổng dự trữ ngoại hối là vàng.
Một cuộc khảo sát của WGC hồi tháng 5 cho thấy, 2/3 trong số các ngân hàng trung ương của các nền kinh tế mới nổi và 39% ngân hàng trung ương của các nền kinh tế phát triển dự kiến sẽ tăng lượng vàng nắm giữ trong 5 năm tới , lên mức 16% tổng dự trữ ngoại hối của họ hoặc cao hơn. Đó sẽ là bội số của tỷ trọng phân bổ dự trữ ngoại hối hiện nay của Trung Quốc dành cho vàng..
Ngoài PBoC, các hộ gia đình nước này, vốn là khách hàng tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới, có thể có động lực để mua vàng nhiều hơn. Các biện pháp nghiêm ngặt kiểm soát vốn chuyển ra nước ngoài cùng với sự yếu kém của các thị trường tài trong nước đã hạn chế các sự lựa chọn quản lý tài sản cho người dân Trung Quốc. Trong lịch sử, các hộ gia đình của Trung Quốc thường đổ tiền vào nhà ở, chứng khoán trong nước hoặc gửi tiền vào ngân hàng. Nếu Bắc Kinh không thể ổn định giá bất động sản một cách bền vững, nền kinh tế và thị trường chứng khoán nói chung có thể sẽ tiếp tục gặp khó khăn. Trong bối cảnh đó, các hộ gia đình có thể chuyển tiền tiết kiệm sang sang vàng nhiều hơn trong nỗ lực bảo toàn giá trị tài sản.
Cuối cùng, vàng có thể đóng một vai trò lớn hơn vào năm 2024 khi các nhà đầu tư có thể chú trọng phòng ngừa rủi ro kinh tế vĩ mô và địa chính trị. Năm tới sẽ diễn ra tổng tuyển bầu cử ở hàng chục quốc gia, với hơn một nửa dân số toàn cầu sẽ quyết định người lãnh đạo của họ.
Kết quả bầu cử có khả năng dẫn đến những thay đổi chính sách rõ ràng ở các nền kinh tế quan trọng, bao gồm cả Mỹ, Đài Loan và Mexico. Những cuộc bỏ phiếu này cũng có thể làm trầm trọng thêm tình trạng bất ổn địa chính trị, có khả năng làm giảm kỳ vọng tăng trưởng và kéo hy vọng nền kinh tế Mỹ hạ cánh nhẹ nhàng về phía “cái đuôi” của chu kỳ kinh tế thân thiện hơn với vàng.
Theo Financial Times