Lạm phát tại Anh lên mức cao nhất trong 40 năm, BoE thêm sức ép
Người dân mua sắm tại một siêu thị ở London (Anh), ngày 13/2/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
* Bộ trưởng Tài chính Đức cảnh báo khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng
Theo số liệu chính thức của Văn phòng Thống kê quốc gia Anh (ONS) công bố ngày 22/6, lạm phát hằng năm của Anh đã lên mức cao nhất trong 40 năm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến lương người lao động và tạo thêm sức ép đối với ngân hàng trung ương Anh (BoE) trong việc duy trì nâng lãi suất.
Cụ thể, lạm phát tại Anh đã tăng từ mức 9% trong tháng 4 lên 9,1% trong tháng Năm, mức cao nhất kể từ năm 1982. BoE dự báo lạm phát có khả năng sẽ tăng lên mức 11% trước cuối năm nay do giá năng lượng tăng cao.
Nhà kinh tế trưởng ONS Grant Fitzner cho biết nguyên nhân khiến lạm phát tăng lên là do giá thực phẩm leo thang trong khi giá xăng đạt mức kỷ lục. Xu hướng này đã được bù đắp phần nào khi chi phí quần áo tăng ít hơn so với cùng kỳ năm ngoái và giá trò chơi điện tử trên đà giảm.
Mức lạm phát cao nhất trong nhiều thập kỷ đang kéo theo cuộc khủng hoảng về giá sinh hoạt. Tuần này, các công nhân đường sắt Anh đã tiến hành cuộc đình công lớn nhất của ngành trong hơn 30 năm khi giá cả leo thang ảnh hưởng đến đồng lương của họ.
Các luật sư tại vùng England và xứ Wales đã ủng hộ đình công vào tuần tới, trong khi các giáo viên, nhân viên của cơ quan Dịch vụ y tế quốc gia (NHS) và bưu điện cũng đang cân nhắc động thái tương tự.
Nhiều nước trên thế giới đang đối mặt với tình trạng lạm phát tăng cao do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tại Ukraine, việc nới lỏng các biện pháp hạn chế liên quan đến dịch COVID-19, việc giá thực phẩm và năng lượng tăng vọt.
Tình trạng này đã buộc các ngân hàng trung ương nâng lãi suất, làm tăng nguy cơ suy thoái khi chi phí vay nợ ảnh hưởng đến các khoản đầu tư và chi tiêu của người dân. Kể từ tháng 12/2021, BoE đã tăng lãi suất chủ chốt 5 lần.
* Trong khi đó, tại Đức, phát biểu trên truyền thông Đức, Bộ trưởng Tài chính nước này đã cảnh báo về một cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng có thể xảy ra trong thời gian tới. Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner cho rằng do xung đột tại Ukraine, nước Đức phải đối mặt với một giai đoạn hết sức khó khăn; "một tình huống rất đáng lo ngại" có thể xuất hiện trong vài tuần hoặc vài tháng tới.
Bộ trưởng Lindner cảnh báo nền kinh tế đầu tàu châu Âu có nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng rất nghiêm trọng do giá năng lượng tăng mạnh, các vấn đề về chuỗi cung ứng và lạm phát. Theo Bộ trưởng Lindner, kinh tế Đức phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung năng lượng trong 3-4 năm, thậm chí có thể 5 năm tới; và nước Đức phải tìm ra câu trả lời cho vấn đề đó.
Vì vậy, cần phải để mở tất cả các lựa chọn thay thế. Bộ trưởng Lindner kêu gọi tiếp tục kéo dài thời gian vận hành 3 nhà máy điện hạt nhân còn hoạt động ở Đức để bù đắp sự thiếu hụt khí đốt từ Nga. Theo luật hiện hành của nước này, 3 nhà máy điện hạt nhân còn lại phải chấm dứt hoạt động chậm nhất vào cuối tháng 12 tới.
Bộ trưởng Lindner cũng cho biết, liên minh gồm Đảng Dân chủ xã hội SPD, Đảng Xanh và Đảng Dân chủ tự do FDP không có thỏa thuận về việc kéo dài hoạt động của ba nhà máy điện hạt nhân còn lại. Tuy nhiên, trong bối cảnh nước Đức đang phải tăng cường sử dụng điện than gây hại cho khí hậu nhiều hơn, thì việc kéo dài hoạt động của các nhà máy điện hạt nhân là cần thiết.
Bộ trưởng Lindner cũng nhấn mạnh nước Đức có đủ khả năng đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng, trong đó có cả việc sử dụng các mỏ dầu và khí đốt trong nước.