Lạm phát thách thức chính sách của Fed
Có ý kiến cho rằng Fed có thể cần phải cân nhắc đẩy nhanh quá trình rút lại các gói kích thích kinh tế trong bối cảnh lạm phát ở Mỹ đang tăng cao.
Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) - một ủy ban trong Hệ thống Dự trữ Liên bang (Fed), đã thông báo hồi đầu tháng này rằng, họ sẽ bắt đầu giảm nhịp độ chương trình mua tài sản hàng tháng trị giá 120 tỷ USD để sao cho quá trình này sẽ kết thúc vào giữa năm 2022, Bloomberg đưa tin.
Tuy nhiên, FOMC vẫn để ngỏ tùy chọn về tốc độ thực hiện quá trình rút lại gói kích thích kinh tế này để có thể phản ứng tốt với điều kiện kinh tế đang thay đổi.
Ý kiến trái chiều trong nội bộ Fed
Hai thành viên trong Hội đồng Quản trị của Ngân hàng Trung ương, bao gồm Phó Chủ tịch Fed Richard Clarida và Thống đốc Fed Christopher Waller, cho rằng, Fed có thể cần phải cân nhắc đẩy nhanh quá trình giảm nhịp độ chương trình mua tài sản này.
“Tôi sẽ xem xét kỹ lưỡng dữ liệu mà chúng tôi nhận được từ bây giờ đến cuộc họp tháng 12”, Clarida cho biết hôm 19/11. “Có thể cuộc họp đó là thời điểm thích hợp để thảo luận về đẩy nhanh quá trình giảm nhịp độ của chương trình mua tài sản”.
Cuộc họp tiếp theo của FOMC sẽ diễn ra vào ngày 14-15/12.
Nhận định của Clarida được đưa ra sau nhận xét của Waller rằng, ngân hàng trung ương Mỹ có thể phải đẩy nhanh quá trình rút lại chương trình mua tài sản của mình và chuyển đổi khỏi chính sách lãi suất gần bằng 0 trong bối cảnh lạm phát gia tăng.
Các đoạn chính của đường cong lợi suất cho chứng khoán kho bạc đã giảm xuống mức eo hẹp nhất trong ngày 19/11, ngay sau nhận định của Clarida và Waller.
Clarida nói với một hội nghị của Fed chi nhánh San Francisco rằng nền kinh tế Mỹ đang đối mặt rủi ro tăng lạm phát.
Giá tiêu dùng tăng vọt 6,2% trong tháng 10 so với cùng kỳ năm trước, dẫn đầu là giá ô tô, thực phẩm, xăng dầu, điện và dầu mazut (FO). Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân, thước đo lạm phát ưa thích của Fed, đã tăng với tốc độ hàng năm là 4,4% hồi tháng 9, mức cao nhất kể từ năm 1991 và cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương.
Sự cải thiện nhanh chóng của thị trường lao động và dữ liệu lạm phát xấu đi "đã thúc đẩy tôi thiên về hướng đẩy nhanh quá trình rút lại các gói kích thích kinh tế", Waller cho biết tại một sự kiện dưới sự bảo trợ của Trung tâm Ổn định Tài chính ở New York.
“Tôi tin rằng cần đẩy nhanh quá trình rút lại dựa trên dữ liệu đến mà tôi sẽ theo dõi”, ông cho biết thêm.
Nhận định của Waller tương đồng với những nhận định của Chủ tịch Fed chi nhánh St. Louis James Bullard đưa ra hồi đầu tuần. Waller đã làm việc với Bullard tại St. Louis trước khi tham gia Hội đồng Quản trị của Ngân shàng Trung ương vào tháng 12/2020.
Trong khi đó, một số quan chức Fed khác cho rằng không nên vội vàng tăng tốc quá trình rút lại các gói kích thích kinh tế.
Chủ tịch Fed chi nhánh Richmond, Thomas Barkin, cho biết hôm 15/11, ngân hàng trung ương có thể “kiên nhẫn” trong việc đánh giá quá trình rút lại, và “tốt hơn hết nên dành thêm vài tháng để đánh giá”.
“Chúng ta không nên phản ứng quá mức với những gì có thể sẽ là một yếu tố tạm thời”, Chủ tịch Fed chi nhánh Minneapolis, Neel Kashkari, cho biết hôm 15/11.
Cảnh giác với “giảm phát đình trệ”
Việc tăng lãi suất chính sách sẽ không xảy ra cho đến khi thị trường lao động được hồi phục hoàn toàn, tờ The Hill dẫn lời Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết.
Tốc độ rút lại các gói kích thích kinh tế tương đối chậm cùng với việc thời hạn bắt đầu tăng lãi suất bị trì hoãn làm tăng triển vọng Mỹ trải qua một cú sốc "giảm phát đình trệ" (liên quan đến tăng trưởng chậm lại trong bối cảnh lạm phát liên tục cao).
Cơ sở lý luận của Fed để áp dụng phương pháp chờ và xem đã được đưa ra trong một bài phát biểu gần đây của Thống đốc Fed Randal Quarles.
“Lúc này Fed đang đối mặt tình thế tiến thoái lưỡng nan”, Quarles cho biết. Theo ông, nhu cầu hiện nay, được gia tăng bởi kích thích tài khóa chưa từng có, đã vượt xa nguồn cung tạm thời bị gián đoạn, dẫn đến lạm phát cao.
Tuy nhiên, năng lực sản xuất cơ bản của nền kinh tế Mỹ đang bằng với mức trước đại dịch. Do đó, nền kinh tế có khả năng đáp ứng nhu cầu đang gia tăng mà không gây ra lạm phát. Đồng thời, các yếu tố phá vỡ khả năng này dường như chỉ là tạm thời, Quarles cho biết.
“Nhìn một cách thuần túy dưới góc độ đó, việc hạn chế nhu cầu bây giờ, để đưa nó về mức phù hợp với nguồn cung bị gián đoạn nhất thời, sẽ là quá sớm”, ông nhận định.
Do nhu cầu mạnh mẽ dự kiến sẽ vẫn tồn tại trong thời gian tới, và do các nút thắt trong chuỗi cung ứng của Mỹ và toàn cầu cùng sự gián đoạn thị trường lao động sẽ mất nhiều tháng (nếu không muốn nói là nhiều năm) để được giải quyết hoàn toàn, rủi ro thực sự là Fed đã không theo kịp xu thế và rằng thực tế sẽ đòi hỏi phải tăng lãi suất nhiều hơn so với dự kiến của thị trường tài chính để đưa kỳ vọng lạm phát gia tăng về lại trong tầm kiểm soát. Điều này có thể dẫn đến xáo trộn tiềm tàng cho thị trường tài chính và tạo ra những trở ngại kinh tế đáng kể.
Nếu tình trạng thiếu hụt nguồn cung và áp lực tăng liên tục về giá cả tiếp tục đặt ra những thách thức vào năm 2022, thì việc một số nhu cầu bị phá hủy là không thể tránh khỏi. Điều này dẫn tới quan ngại gia tăng liên quan đến khả năng xảy ra cú sốc "giảm phát đình trệ".
Nhiệm vụ điều chỉnh chính sách tiền tệ trong bối cảnh lạm phát cao và thị trường việc làm vẫn chưa hoàn toàn phục hồi sẽ là thách thức cho bất kỳ ai mà Tổng thống Joe Biden chọn làm Chủ tịch Fed tiếp theo.
Tổng thống đang xem xét bổ nhiệm Chủ tịch Jerome Powell cho nhiệm kỳ 4 năm nữa khi nhiệm kỳ hiện tại của ông kết thúc vào tháng 2/2022. Ngoài ra, ông Biden còn có một số lựa chọn khác để cân nhắc.
Nhà Trắng sẽ có nhiều thông tin hơn về các vị trí cần bổ nhiệm “vào đầu tuần tới”, Thư ký Báo chí Jen Psaki cho biết tại một cuộc họp báo hôm 19/11.
Minh Đức (Theo Bloomberg, The Hill)
Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/lam-phat-thach-thuc-chinh-sach-cua-fed-a534621.html