Lạm phát vẫn 'phủ bóng đen' lên nền kinh tế Mỹ năm 2023?
Bước sang năm 2023, cái bóng của lạm phát có thể uy yếu nhưng nó vẫn sẽ bao phủ Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Năm 2022, các vấn đề về chuỗi cung ứng, đại dịch Covid-19 và xung đột Nga-Ukraine đã ảnh hưởng đến thương mại toàn cầu. Được "tiếp sức" bởi các gói hỗ trợ của chính phủ, người tiêu dùng đã mạnh tay chi tiêu trở lại, dẫn đến thiếu hụt nguồn cung và gây ra cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt chưa từng thấy trong một thế hệ.
Trong năm qua, lạm phát của Mỹ đạt mức cao nhất trong 40 năm. Hiện tại, có một số dấu hiệu cho thấy, tốc độ tăng giá sẽ chậm lại trong năm tới. Nhưng bức tranh tổng thể vẫn rất phức tạp.
Vì sao lạm phát tăng cao?
Lạm phát tại nền kinh tế lớn nhất thế giới đạt mức cao chưa từng thấy kể từ những năm 1970. Lạm phát bắt đầu ở mức 7,5% vào tháng 1 và tăng lên 9,1% vào tháng 6, khi giá xăng chạm mức 5 USD/gallon ở một số bang. Cũng trong tháng 6, tỷ lệ lạm phát đối với giá khí đốt đã lên tới 60%, phần lớn là do hậu quả từ chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine.
Bên cạnh đó, giá dầu tăng và các vấn đề về chuỗi cung ứng do Covid-19 kéo dài đã khiến giá lương thực tăng theo. Tình trạng thiếu chip bán dẫn tiếp tục kéo dài đến nửa đầu năm 2022 khiến giá ô tô mới và ô tô đã qua sử dụng luôn ở mức đỉnh.
Ngay cả khi lạm phát bắt đầu giảm từ mức cao nhất vào tháng 6, lạm phát cơ bản (giá của tất cả hàng hóa và dịch vụ ngoại trừ giá năng lượng và thực phẩm) đã tăng lên 6,6% trong tháng 9. Điều này cho thấy mức độ lạm phát lan rộng.
Những tháng cuối năm, người Mỹ cuối cùng cũng đã chứng kiến lạm phát giảm xuống, với tốc độ thấp hơn so với dự đoán của các nhà kinh tế. Tháng 11, lạm phát ở mức 7,1% - mức thấp nhất trong năm nay.
Nhiều nhà kinh tế, bao gồm cả những quan chức tại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đều tin rằng, lạm phát là “nhất thời” hoặc tạm thời và sẽ giảm bớt vào năm 2022, khi các vấn đề về chuỗi cung ứng được giải quyết và mọi người giảm chi tiêu.
Tuy nhiên, các nhà kinh tế không lường được rằng, các vấn đề về chuỗi cung ứng vẫn tiếp tục, đặc biệt là do biến thể Omicron xuất hiện và khó kiểm soát.
Sau đó, Nga bắt đầu chiến dịch quân sự tại Ukraine vào cuối tháng 2 và gây ra sự gián đoạn lớn đối với chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là trên thị trường năng lượng. Ngay cả trong bối cảnh giá cả tiếp tục tăng, người tiêu dùng Mỹ vẫn tiếp tục chi tiêu, giải phóng bị dồn nén do đại dịch. Điều này khiến lạm phát tăng đều đặn và nằm ngoài dự đoán của các chuyên gia.
Fed đã làm gì để giải quyết lạm phát?
Công cụ chính mà Fed sử dụng để giải quyết lạm phát là điều chỉnh lãi suất, điều này nhằm tiết chế chi tiêu bằng cách làm cho việc vay tiền trở nên đắt đỏ hơn.
Bắt đầu từ tháng 3, Fed bắt đầu tăng lãi suất với tốc độ khá cao. Vào tháng 12, Fed đã tăng lãi suất lần thứ 7 trong năm nay. Hiện lãi suất tại Mỹ đang ở mức 4,5%.
Các nhà kinh tế nói rằng, lãi suất tăng chỉ đóng một vai trò nhỏ trong việc giảm tỷ lệ lạm phát. Lãi suất tăng chủ yếu được cảm nhận trong thị trường nhà ở, vì lãi suất ảnh hưởng trực tiếp đến các khoản thế chấp. Do đó, doanh số bán nhà đã giảm kể từ tháng 2.
Nhà kinh tế Michael Pugliese tại Wells Fargo nhấn mạnh: "Trong vòng một năm, Fed sẽ tăng lãi suất thêm tổng cộng 5%. Mức độ và tốc độ tăng lãi suất của Fed rất bất ngờ. Đây là việc rất bất thường, trừ khi buộc phải làm. Phần lớn các biện pháp thắt chặt chính sách tiền tệ của Fed sẽ không được cảm nhận cho đến năm sau, hoặc thậm chí là vào năm 2024".
Lạm phát sẽ tiếp tục giảm vào năm 2023?
Chủ tịch Fed Jerome Powell đang có quan điểm bi quan về lạm phát trong năm tới.
Ngày 14/12, trong lần tăng lãi suất gần nhất, ông nói rằng: “Chúng tôi đã liên tục kỳ vọng sẽ đạt được tiến bộ nhanh hơn về lạm phát so với những gì chúng tôi có. Fed đang đặt mục tiêu tiếp tục tăng lãi suất cho đến khi chạm mức khoảng 5-5,5%".
Ông Claudia Sahm - nhà sáng lập Sahm Consulting kiêm cựu chuyên gia kinh tế của Fed nhận định, so với năm ngoái, mọi thứ đang có vẻ tốt hơn và người Mỹ có nhiều lý do để lạc quan hơn.
Covid-19 dường như được kiểm soát, các vấn đề về chuỗi cung ứng đang được nới lỏng và nền kinh tế lớn nhất thế giới "ra mặt" để đối phó với cú sốc đối với thị trường năng lượng.
Năm 2022, Fed có một nhiệm vụ kép, đó là giữ giá cả ổn định và tối đa hóa việc làm. Hiện tại, Fed đang tập trung vào việc đưa lạm phát trở lại mục tiêu 2% và "nạn nhân" lớn nhất của chính sách đó có thể là nhiệm vụ thứ hai - giữ việc làm ổn định.
Tháng 11, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ ở mức 3,7% - gần bằng tỷ lệ trước đại dịch, mức thấp kỷ lục.
Khi Fed tiếp tục tăng lãi suất, tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng lên. Ngân hàng này dự đoán, tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng lên 4,6% vào năm tới. Ngân hàng Wells Fargo cũng cho rằng, tỷ lệ thất nghiệp năm 2023 sẽ chạm mức cao nhất gần 5,5%.
Fed đã không tăng lãi suất mạnh mẽ như vậy trong nhiều thập niên, vì vậy, nền kinh tế cần có thời gian để "hấp thụ". Còn quá sớm để dự đoán có bao nhiêu người sẽ mất việc làm và điều đó sẽ phụ thuộc vào cách nền kinh tế phản ứng với việc Fed tăng lãi suất.
Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren, người từng chỉ trích ông Powell vì mạnh tay tăng lãi suất, đã viết trên Twitter rằng: “Việc Fed tăng lãi suất có nguy cơ khiến hàng triệu người mất việc làm. Nên nhớ rằng, những người sẽ mất việc không phải là nhà môi giới chứng khoán hay Tổng Giám đốc, mà là những nhân viên, công nhân cần tiền lương hàng tuần".
Bước sang năm 2023, cái bóng của lạm phát có thể suy yếu nhưng nó vẫn sẽ bao phủ nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/lam-phat-van-phu-bong-den-len-nen-kinh-te-my-nam-2023-211312.html