Làm rõ 5 quan niệm sai lầm về xếp hạng tín nhiệm bắt buộc

Ngày càng có nhiều lo ngại rằng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang tăng trưởng nhanh của Việt Nam đang tiềm ẩn những rủi ro tài chính. Trong bài viết cho Thời báo Tài chính Việt Nam, ông Donald Lambert - Trưởng Ban Phát triển khu vực tư nhân (Ngân hàng Phát triển châu Á - ADB), đã có những chia sẻ về xếp hạng tín nhiệm bắt buộc.

Bước đi quan trọng nhất mà Chính phủ có thể thực hiện để cải thiện tính minh bạch, an toàn và bền vững của thị trường trái phiếu doanh nghiệp là bắt buộc xếp hạng tín nhiệm công khai đối với tất cả các trái phiếu phát hành ra công chúng và phát hành riêng lẻ.

Theo Luật Chứng khoán 2019, Chính phủ đã đưa ra một số xếp hạng bắt buộc. Tuy nhiên, các quy định được biên soạn chặt chẽ và sẽ chỉ có thể bắt buộc một số rất ít nhà phát hành (nếu có) được xếp hạng.

Mở rộng các quy định này, bao gồm tất cả các trái phiếu là vấn đề đang gây tranh cãi và những người phản đối nêu ra một số luận điểm để bác bỏ. Tuy nhiên, những luận điểm này dựa trên những quan niệm sai lầm và không nên ngăn cản bước đi hướng tới sự minh bạch lớn hơn mà xếp hạng tín nhiệm bắt buộc sẽ mang lại.

Ảnh minh họa

Xếp hạng tín nhiệm có thật sự tốn kém và các tổ chức xếp hạng có đáng tin cậy?

Quan niệm sai lầm đầu tiên là các tổ chức xếp hạng không đáng tin cậy. Trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 - 2009, các trái phiếu xếp hạng AAA (mức xếp hạng tín nhiệm cao nhất hiện thời) đã bị vỡ nợ. Nhiều người tự hỏi xếp hạng tín nhiệm bắt buộc có giá trị gì nếu chúng không đáng tin cậy?

Thực tế, các cơ quan xếp hạng tín nhiệm đã hoạt động kém hiệu quả trong cuộc khủng hoảng tài chính này. Đặc biệt, họ đã thực hiện rất tệ việc xếp hạng chứng khoán được bảo đảm bằng tài sản vì vô vàn lý do, bao gồm tính phức tạp cố hữu, thiếu dữ liệu lịch sử, xung đột lợi ích và dựa quá nhiều vào các mô hình.

Tuy nhiên, Việt Nam không có các công cụ chứng khoán hóa. Trái phiếu thường được bảo đảm bằng tài sản thế chấp và không phức tạp. Các cơ quan xếp hạng có bề dày thành tích trong việc đánh giá hoạt động của các công cụ này, kể cả trong thời kỳ khủng hoảng tài chính.

Thay vì tranh cãi về việc xếp hạng có cần thiết hay không, ưu tiên trước mắt là thu hút các cơ quan xếp hạng toàn cầu đến với thị trường Việt Nam. Họ đã hợp tác với các cơ quan xếp hạng tín nhiệm địa phương ở nhiều thị trường mới nổi và đã giúp phát triển các đơn vị này thành những cơ quan thẩm định rủi ro tín dụng đáng tin cậy.

Chúng ta cũng nên xem xét lại một giả định rằng, xếp hạng tín nhiệm là tốn kém. Xếp hạng tín nhiệm sẽ đòi hỏi yêu cầu khoản phí ban đầu và phí thường niên. Tuy nhiên, so với chi phí phát hành tổng thể - có thể bao gồm phí bảo lãnh phát hành, phí đại lý, pháp lý, kế toán và các chi phí khác, những khoản phí này tương đối nhỏ, một vài điểm cơ sở của đợt phát hành lần đầu và phí thường niên dao động trong khoảng 30.000 USD đến 60.000 USD.

Trong ngắn hạn, đơn vị phát hành có thể thu hồi các chi phí này thông qua lãi suất thấp hơn, do các nhà đầu tư thường sẽ thưởng cho sự minh bạch bằng cách tính phí ít hơn. Trong dài hạn, một thị trường trái phiếu minh bạch, vận hành tốt sẽ thu hút dòng vốn đổ vào và giảm chi phí vốn cho tất cả các đơn vị phát hành, từ đó có thể mang lại lợi ích cho tăng trưởng kinh tế.

Thiếu vắng quy định bắt buộc

Sự hiểu lầm nữa là các tổ chức xếp hạng tín nhiệm địa phương chưa sẵn sàng. Hiện chỉ có 2 tổ chức xếp hạng tín nhiệm trong nước được cấp phép tại Việt Nam. Nếu xếp hạng là bắt buộc, câu hỏi đặt ra là họ có đủ bề dày kinh nghiệm, hiểu biết, cũng như đủ năng lực để xử lý nhu cầu xếp hạng tín nhiệm hay không?

Câu trả lời ngắn gọn là có. Hai hoặc ba tổ chức xếp hạng tín nhiệm là đủ với quy mô thị trường trái phiếu của Việt Nam, nếu nhiều tổ chức hơn có thể khiến thị trường trở nên kém hấp dẫn. Một trong những tổ chức xếp hạng được cấp phép, FiinRatings đã tích cực ban hành xếp hạng tín nhiệm kể từ tháng 5/2021 và gần đây đã được hưởng lợi từ một thỏa thuận với S&P Global Ratings để tiếp nhận đào tạo kỹ thuật thông qua một dự án hỗ trợ kỹ thuật của ADB do Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia tài trợ.

Ngoài ra, các nguồn tin công khai cho biết, Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam đang tạo điều kiện cho việc thành lập một cơ quan xếp hạng tín nhiệm địa phương thứ ba được hỗ trợ bởi một số thành viên của hiệp hội, cùng với một tổ chức xếp hạng tín nhiệm toàn cầu.

Ngay cả nếu chuyên môn hiện chưa có sẵn, quy định bắt buộc xếp hạng không nhất thiết phải có hiệu lực ngay hôm nay. Nó có thể bắt đầu trong một vài năm tới, mang lại cho các cơ quan xếp hạng tín nhiệm địa phương và toàn cầu không chỉ thời gian, mà quan trọng hơn là động lực để đầu tư vào các hoạt động của mình và nâng cao năng lực. Thực tế, việc thiếu vắng quy định bắt buộc chính là lời giải thích cho sự phát triển chậm chạp của các cơ quan xếp hạng tín nhiệm trong nước ở Việt Nam.

Ông Donald Lambert - Trưởng Ban Phát triển khu vực tư nhân của ADB tại Việt Nam

Nhu cầu với trái phiếu sẽ giảm?

Một quan niệm sai lầm tiếp theo là các quy định bắt buộc có thể làm giảm nhu cầu trái phiếu. Nhiều ý kiến lo ngại nếu Chính phủ nâng rào cản phát hành trái phiếu lên quá cao, các đơn vị phát hành sẽ quay sang những nguồn vốn khác.

Tuy nhiên, điều này đã không xảy ra ở các thị trường đang phát triển khác. Thái Lan, Indonesia, Philippines, Ấn Độ và Trung Quốc đều quy định xếp hạng tín nhiệm là bắt buộc. Tất cả đều nằm trong số các thị trường vốn năng động nhất Châu Á.

Mặt khác, xếp hạng tín nhiệm có thể tạo ra nhu cầu. Xếp hạng tín nhiệm khuyến khích các tổ chức đầu tư tham gia vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp và khuyến khích các nhà đầu tư bán lẻ vượt qua tiền gửi ngân hàng và trái phiếu chính phủ sang các khoản đầu tư có lợi hơn.

Cuối cùng, một quan niệm sai lầm nữa là không phải lúc nào các trái phiếu giao dịch riêng lẻ cũng nên được nới lỏng hơn. Tiền đề cho lập luận này là trái phiếu phát hành riêng lẻ phải nên được quy định ít chặt chẽ hơn so với trái phiếu phát hành ra công chúng, do chúng chỉ mang lại rủi ro cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Điều này đúng ở các thị trường nơi trái phiếu giao dịch riêng lẻ chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng lượng trái phiếu. Tuy nhiên, trái phiếu giao dịch riêng lẻ chiếm hơn 90% thị trường trái phiếu Việt Nam. Nếu chỉ bắt buộc xếp hạng đối với trái phiếu chào bán ra công chúng sẽ càng khuyến khích các công ty phát hành né tránh việc chào bán công khai. Hơn nữa, không có giới hạn về số lượng nhà đầu tư chuyên nghiệp có thể đầu tư vào một đợt phát hành riêng lẻ, tiêu chí để trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp thấp hơn so với các thị trường khác.

Do vậy, các nhà đầu tư nhỏ lẻ dễ gặp rủi ro. Trong vấn đề này, Ấn Độ là một mô hình tốt. Giống như Việt Nam, các đợt phát hành riêng lẻ chiếm hơn 90% thị trường trái phiếu, nhưng khác ở chỗ, Ấn Độ bắt buộc tất cả các trái phiếu phát hành phải được xếp hạng, chỉ trừ một số ít ngoại lệ.

Sẽ có sự phản kháng đối với xếp hạng tín nhiệm bắt buộc. Nhưng không phải đến từ các doanh nghiệp có nền tảng cơ bản vững chắc sẽ được hưởng lợi từ một thị trường vốn minh bạch hơn, cũng như không phải từ các nhà đầu tư là những người sẽ được hưởng lợi từ các biện pháp bảo vệ bổ sung.

Hơn nữa, quy định bắt buộc không nhất thiết là vĩnh viễn. Malaysia yêu cầu xếp hạng tín dụng cho đến năm 2016. Tới thời điểm đó, văn hóa xếp hạng đã ăn sâu đến mức ngày nay, các đơn vị phát hành vẫn tiếp tục được xếp hạng mặc dù không còn là bắt buộc.

Bằng cách loại bỏ những quan niệm sai lầm, Việt Nam có thể đi theo một lộ trình tương tự./.

Donald Lambert

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/lam-ro-5-quan-niem-sai-lam-ve-xep-hang-tin-nhiem-bat-buoc-104266.html