Làm rõ chiêu trò 'đào tạo khống' sinh viên của 2 cán bộ Trường Cao đẳng Công nghệ và Kinh tế Công nghiệp

Ông Việt và ông Phong, 2 cán bộ lãnh đạo phòng Đào tạo của Trường Cao đẳng Công nghệ và Kinh tế công nghiệp (Bộ Công thương) đã lập khống hồ sơ của 10 trường hợp để cấp khống bằng tốt nghiệp không qua đào tạo.

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Nguyên ngày 2-7 cho biết, đơn vị đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự “Giả mạo trong công tác” xảy ra tại Trường Cao đẳng Công nghệ và Kinh tế Công nghiệp; khởi tố các bị can: Nguyễn Bá Việt; Hoàng Đại Phong về tội danh nêu trên.

Các bị can Phong, Việt bị khởi tố về tội danh “Giả mạo trong công tác”

Các bị can Phong, Việt bị khởi tố về tội danh “Giả mạo trong công tác”

Như ANTĐ thông tin, trung tuần tháng 6-2019, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Nguyên đã ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam 2 cá nhân có hành vi làm khống hồ sơ để cấp bằng tốt nghiệp Cao đẳng; là Nguyễn Bá Việt (SN 1978), Trưởng Phòng Đào tạo và Hoàng Đại Phong (SN 1978), Phó trưởng Phòng Đào tạo, thuộc Trường Cao đẳng công nghệ và kinh tế công nghiệp - Bộ Công thương, có địa chỉ tại xã Trung Thành, thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên.

Kết quả điều tra đến thời điểm này, cơ quan Công an làm rõ: niên khóa 2017 – 2019, Trường Cao đẳng công nghệ và kinh tế công nghiệp được phép tuyển sinh và đào tạo chuyên ngành kế toán, chuyên ngành điện hệ liên thông từ Trung cấp lên Cao đẳng.

Danh sách từ khi nhập học được Hiệu trưởng ký duyệt đối với sinh viên học lớp chuyên ngành kế toán là 19 sinh viên; chuyên ngành điện là 13 sinh viên, thời gian đào tạo là 12 tháng học tập trung. Kết thúc khóa học, căn cứ vào kết quả học tập và bài thi tốt nghiệp của các sinh viên, Trường thành lập Hội đồng xét duyệt tốt nghiệp thể hiện bằng Quyết định công nhận tốt nghiệp, kèm theo danh sách các sinh viên được công nhận tốt nghiệp.

Để “tăng thu nhập”, các ông Nguyễn Bá Việt và Hoàng Đại Phong đã thực hiện hành vi gian dối, lập khống hồ sơ học tập của 10 sinh viên để cấp khống bằng tốt nghiệp không qua đào tạo, qua đó thu mỗi sinh viên từ 16 đến 23 triệu đồng.

Trong đó, ông Nguyễn Bá Việt đã trực tiếp nhận hồ sơ, cấp bằng tốt nghiệp hệ Cao đẳng, nhận của 3 trường hợp số tiền 63 triệu đồng. Ông Việt cũng đã bàn bạc, thống nhất với ông Phong nhận hồ sơ, cấp khống bằng tốt nghiệp hệ Cao đẳng, nhận của 6 trường hợp mỗi người 16 triệu đồng. Số tiền này, ông Phong hưởng lợi 4 triệu đồng/người, và đưa cho ông Việt 12 triệu đồng/người.

Sau khi nhận hồ sơ của số cá nhân trên, ông Phong và ông Việt tự ý lưu giữ tại Phòng Đào tạo mà không thực hiện các thủ tục đăng ký nhập học, không bố trí học tập, đào tạo theo chương trình kế hoạch, quy định của nhà trường.

Chờ đến tháng 12-2018, khi lớp Liên thông khóa 7 hệ Cao đẳng, chuyên ngành kỹ thuật điện và kế toán của Trường thi tốt nghiệp, cặp đôi Phong – Việt lấy đề thi tốt nghiệp và đáp án bài thi gửi cho những người này để họ chép làm bài thi và gửi về cho ông Phong lưu giữ tại cơ quan, nhằm mục đích hợp thức hóa hồ sơ học tập, đào tạo và cấp “khống” bằng tốt nghiệp (các bài thi này đều không được chấm điểm).

Để thực hiện việc cấp “khống” bằng tốt nghiệp cho 10 trường hợp trên, ông Việt đã chỉ đạo nhân viên giáo vụ của Phòng Đào tạo lập khống bảng điểm các môn toàn khóa học và sử dụng “phôi” bằng tốt nghiệp thật của nhà trường (được đăng ký in thừa ra từ trước, phòng ngừa in nhầm, in lỗi, in hỏng) điền tên tuổi, chuyên ngành, hình thức đào tạo của 10 trường hợp này vào bằng, rồi in ra.

Chưa hết, các cá nhân vi phạm còn chỉnh sửa Quyết định công nhận tốt nghiệp đối với chuyên ngành kỹ thuật điện từ 13 lên 21 sinh viên (thêm 8 trường hợp không học vào danh sách sinh viên được công nhận tốt nghiệp chuyên ngành kỹ thuật điện); chuyên ngành kế toán từ 19 lên 21 sinh viên (thêm 2 trường hợp không học vào danh sách sinh viên được công nhận tốt nghiệp chuyên ngành kế toán), và lập lại danh sách để thêm 10 trường hợp này vào danh sách các sinh viên được công nhận tốt nghiệp, trình Hiệu trưởng ký bằng tốt nghiệp.

Sau khi có được bằng tốt nghiệp “khống”, các đối tượng đã nhập các thông tin liên quan vào sổ phát bằng tốt nghiệp, rồi cấp phát cho từng trường hợp.

Quá trình điều tra, ông Việt và ông Phong đã nộp lại 159 triệu đồng tiền thu lợi bất chính từ việc cấp khống bằng tốt nghiệp cho 9 trường hợp. Vụ án đang được điều tra mở rộng.

Hiền Linh

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/phap-luat/lam-ro-chieu-tro-dao-tao-khong-sinh-vien-cua-2-can-bo-truong-cao-dang-cong-nghe-va-kinh-te-cong-nghiep/816270.antd