LÀM RÕ CƠ SỞ VÀ ĐÁNH GIÁ KỸ TÁC ĐỘNG KHI ĐỀ XUẤT SỬA ĐỔI THẨM QUYỀN GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP ĐẤT ĐAI

Theo chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, ngày 14/11, Quốc hội dành một ngày làm việc để thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai là một trong những nội dung được sửa đổi lần này nhận được nhiều sự quan tâm của đại biểu Quốc hội.

TỔNG THUẬT CHIỀU 14/11: QUỐC HỘI TIẾP TỤC THẢO LUẬN VỀ DỰ ÁN LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI)

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành thảo luận

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành thảo luận

Thảo luận tại hội trường, một số ý kiến tán thành quy định giao thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai cho Tòa án nhân dân, phù hợp chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan hành pháp và cơ quan tư pháp; đồng thời đề nghị có lộ trình, giải pháp bảo đảm nguồn lực để Tòa án thực hiện tốt trách nhiệm này . Một số ý kiến đề nghị cân nhắc, đánh giá tác động về việc bỏ thẩm quyền giải quyết tranh chấp của Ủy ban nhân dân các cấp vì sẽ tạo nên một khối lượng công việc rất lớn cho hệ thống Tòa án, có thể sẽ gây ách tắc trong việc giải quyết tranh chấp đất đai.

Thực tế cho thấy không ai có thể thay thế được vai trò của Ủy ban nhân dân vì Ủy ban nhân dân nắm được hiện trạng, tình hình đất đai, cho nên dù có chuyển sang Tòa án thì vai trò tham gia của Ủy ban trong quá trình giải quyết này rất quan trọng.

Theo quy định của luật hiện hành thì các tranh chấp đất đai mà đương sự có giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết và loại tranh chấp không có giấy chứng nhận và giấy tờ thì đương sự lựa chọn giải quyết tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân. Sửa đổi quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp, khoản 1 Điều 235 của dự thảo Luật quy định "tranh chấp đất đai và tài sản gắn liền với đất do Tòa án nhân dân giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự".

Theo đại biểu Mai Thị Phương Hoa – Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định, đây là sự thay đổi rất lớn về chính sách giải quyết tranh chấp đất đai nên cần cân nhắc thận trọng và cần tổng kết kỹ, lấy ý kiến của các đối tượng có liên quan và lấy ý kiến của Tòa án nhân dân tối cao.

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa – Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa phân tích, quy định như dự thảo luật đã hạn chế quyền của đương sự trong việc lựa chọn cơ quan giải quyết tranh chấp đất đai, đồng thời quy định này sẽ không bảo đảm tính khả thi và không phù hợp với điều kiện thực tiễn của nước ta, nhất là đối với ngành Tòa án nhân dân đang quá tải.

Cho rằng cần hết sức cân nhắc khi sửa đổi heo hướng là bỏ thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai của Chủ tịch Ủy ban nhân dân, đại biểu Nguyễn Thị Thủy – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn chỉ rõ 5 lý do. Một là, từ khi thành lập nước đến nay, mặc dù trải qua nhiều lần sửa đổi, bổ sung, song pháp luật nước ta luôn giao cho Ủy ban nhân dân là một trong những cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai. Bởi vì đây là cơ quan có chức năng quản lý Nhà nước về đất đai, nên việc thu thập hồ sơ, tài liệu liên quan đến nguồn gốc đất, liên quan đến quá trình sử dụng đất rất thuận lợi, do các hồ sơ, tài liệu này đều đang được lưu giữ tại cơ quan hành chính.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn

Hai là, pháp luật giao cho Ủy ban nhân dân chỉ có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đối với loại đất mà không có một trong những giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất. Bởi với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương thì Ủy ban nhân dân có điều kiện thuận lợi để nắm được nguồn gốc lịch sử đất đai, nắm được quá trình mâu thuẫn, tranh chấp của các bên, cho nên cũng thuận lợi trong quá trình giải quyết. Hiện nay, pháp luật đang đồng thời giao thẩm quyền giải quyết tranh chấp cho tòa án đối với cả loại đất này, tức là đất không có giấy tờ, nhưng sau khi thụ lý hồ sơ thì Tòa án đều phải có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân cung cấp hồ sơ, tài liệu thì mới có căn cứ giải quyết, cho nên thời gian giải quyết sẽ bị kéo dài hơn.

Ba là, việc sửa đổi luật thì phải trên cơ sở kết quả tổng kết thực tiễn. Tuy nhiên, nghiên cứu báo cáo tổng kết thực tiễn thi hành luật và các tài liệu trong hồ sơ dự án luật thì không có thông tin về lý do tại sao lại bỏ thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai của Ủy ban nhân dân. Do vậy, căn cứ thực tiễn cho việc đề xuất sửa đổi quy định này vẫn đang còn thiếu, chưa có căn cứ.

Bốn là, pháp luật hiện hành đang giao cho 2 cơ quan cùng có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai là Tòa án nhân dân và Ủy ban nhân dân. Việc quy định như vậy nhằm tạo điều kiện cho người dân có thêm được sự lựa chọn cơ quan giải quyết việc tranh chấp của mình, trong đó cơ chế giải quyết thông qua Ủy ban nhân dân thủ tục đơn giản hơn, người dân không phải nộp lệ phí. Dự thảo đã sửa theo hướng bỏ thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai của Ủy ban nhân dân là đã thu hẹp bớt quyền lựa chọn của người dân, đã bỏ đi một cơ chế giải quyết có tính linh hoạt và có tính ưu việt riêng.

Năm là, thực tế giải quyết tranh chấp đất đai hiện nay của người dân cũng đang được giao cho nhiều cơ quan trong hệ thống chính trị cùng vào cuộc và còn rất áp lực. Nếu dự thảo giao hết việc này cho Tòa án và bổ sung thêm trọng tài thương mại được giải quyết một số vụ việc phát sinh từ hoạt động thương mại thì khả năng đảm đương của các cơ quan này như thế nào cũng chưa được đánh giá tác động.

Phát biểu tranh luận, đại biểu Lê Xuân Thân – Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa cho rằng, giải quyết tranh chấpkhông phải việc của hành chính mà thuộc về việc hòa giải, thương lượng và của cơ quan xét xử là Tòa án hoặc trọng tài. Tất cả những nội dung này đã hình thành một nguyên tắc là khi giải quyết tranh chấp đó là hoạt động tư pháp.

Đại biểu Lê Xuân Thân – Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa

Đại biểu Lê Xuân Thân – Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa

Bày tỏ tán thành rất cao việc bỏ hẳn về thẩm quyền giải quyết tranh chấp của Ủy ban nhân dân đối với tranh chấp quyền sử dụng đất và tất cả tập trung vào các cơ quan, trong đó có cơ quan tòa án, đại biểu Lê Xuân Thân nêu rõ theo Điều 102 của Hiến pháp năm 2013 quy định "Tòa án là cơ quan xét xử", có nghĩa là tất cả mọi tranh chấp đều phải qua xét xử theo quy định của pháp luật và các cơ quan khác không giao chức năng, nhiệm vụ này, kể cả Ủy ban nhân dân.

Việc bỏ hẳn thẩm quyền này của Ủy ban nhân dân là phù hợp với Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 cũng không hề có bất kỳ một nội dung nào, một dòng chữ nào giao thẩm quyền giải quyết tranh chấp cho Ủy ban nhân dân các cấp. Đại biểu Lê Xuân Thân nhấn mạnh việc bỏ thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai ở tại Ủy ban nhân dân mà tập trung về cơ quan xét xử là Tòa án là một hướng đi đúng, quan điểm đúng.

Đại biểu Huỳnh Thanh Phương – Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh nêu rõ, hòa giải tranh chấp đất đai quy định tại Điều 234 dự thảo Luật có 3 hình thức hòa giải. Trong thực tiễn, những tranh chấp về đất đai hầu hết đều hòa giải không thành, các bên phải khởi kiện ra tòa.

Đại biểu làm rõ những bất cập trong quy định của pháp luật hiện hành về hòa giải như thành phần yêu cầu hòa giải phải có đại diện của một số hộ dân cư sinh sống lâu đời tại khu vực có tranh chấp và biết rõ nguồn gốc đất. Quá trình sử dụng đất rất là khó khi phải tìm cho được người mà hiểu biết về nguồn gốc đó. Nếu có đi chăng nữa thì họ cũng rất là ngại khi ra mở ra tham gia hòa giải vì ngại đụng chạm.

Đại biểu Huỳnh Thanh Phương – Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh

Trường hợp Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức hòa giải, hòa giải thành nhưng sau đó các bên lại thay đổi ý kiến lại phải làm thủ tục hòa giải không thành để khởi kiện ra tòa. Những điều này sẽ kéo dài thời gian tranh chấp. Mặt khác, năng lực giải quyết tranh chấp của cán bộ cấp xã hiện nay còn nhiều hạn chế.

Đại biểu Huỳnh Thanh Phương cho rằng, khuyến khích việc hòa giải là đúng, có thể giải quyết tranh nhanh tranh chấp trong trường hợp các bên hoàn toàn thống nhất được với nhau. Nhưng thực tế nếu đã xảy ra tranh chấp liên quan đất đai thì việc hòa giải tại cơ sở thật sự không hiệu quả do bên nào cũng giữ quan điểm của mình và phải khởi kiện ra tòa để xem xét.

Từ thực tế trên, đai biểu Huỳnh Thanh Phương đề nghị cần xem xét có nên tiếp tục quy định thủ tục hòa giải bắt buộc tại Ủy ban nhân dân cấp xã nữa hay không. Theo đại biểu, chỉ cần quy định các bên được lựa chọn hòa giải, có thể hòa giải tại cơ sở hoặc hòa giải tại tòa án hoặc khởi kiện ra tòa.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc – Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội cho rằng bên cạnh giải quyết tranh chấp tại Tòa án, trọng tài, hòa giải ở cơ sở, hòa giải, đối thoại ở tòa án, nhưng còn phương thức xử lý tranh chấp nữa cũng rất hiệu quả để đảm bảo quyền tự do lựa chọn của người dân đã được quy định trong nghị định của Chính phủ về hòa giải thương mại. Do đó, đại biểu Vũ Tiến Lộc đề nghị bổ sung thêm phương thức hòa giải thương mại vào trong cơ chế giải quyết tranh chấp liên quan đến vấn đề quyền sử dụng đất.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc – Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội

Trước đó, tiếp thu, giải trình bước đầu ý kiến thảo luận tại Tổ của các đại biểu Quốc hội, cơ quan soạn thảo nêu rõ quy định của Luật Đất đai năm 2013 thì thẩm quyền của giải quyết tranh chấp đất đai chủ yếu thuộc về Tòa án nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp chỉ giải quyết đối với trường hợp không có giấy tờ về quyền sử dụng. Thực tế công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên phạm vi cả nước đã cơ bản hoàn thành, do đó số vụ việc tranh chấp đất đai thuộc thẩm quyền của cơ quan hành chính sẽ giảm dần. Việc giao thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai cho Tòa án nhân dân là phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan hành pháp và cơ quan tư pháp./.

Bảo Yến - Phạm Thắng

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=70585