Làm rõ hành vi sử dụng nước thải sản xuất nước 'tinh khiết'

Hành vi sử dụng nước thải từ mương vào sản xuất nước 'tinh khiết' sẽ bị xử phạt hành chính từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng, thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ngày 5-6, Đội Quản lý thị trường số 1 và Đội Quản lý thị trường số 4 (Cục QLTT TP Hải Phòng) đã tiến hành kiểm tra đột xuất cơ sở sản xuất nước uống đóng bình Trường Thành, địa chỉ thôn Phương Chử Đông, xã Trường Thành, huyện An Lão. Được biết, cơ sở sản xuất trên thuộc Cty TNHH Phúc Hà, địa chỉ thôn Xuân Đài, xã Trường Thọ, huyện An Lão, TP Hải Phòng.

Qua kiểm tra thực tế tại cơ sở sản xuất, đoàn kiểm tra phát hiện cơ sở sử dụng nguồn nước được lấy trực tiếp từ mương phía sau cơ sở để sản xuất nước uống đóng bình. Mương nước này là mương nước thải sinh hoạt của các hộ dân quanh khu vực thôn Phương Chử Đông, xã Trường Thành, huyện An Lão.

Cụ thể, sau khi bơm nước từ mương lên, qua các quy trình lọc thô và lọc bằng máy móc sau đó sản phẩm được đóng bình, dán màng co với nhãn hiệu Vimass Núi Voi. Mỗi ngày cơ sở sản xuất trên đã đưa ra tiêu thụ trên thị trường khoảng 200 bình nước uống, mỗi bình dung tích 20 lít.

Đoàn kiểm tra đã tiến hành mời Trung tâm y tế huyện An Lão phối hợp lấy ngẫu nhiên mẫu sản phẩm nước đóng bình đã hoàn chỉnh để kiểm nghiệm theo quy định.

Lực lượng chức năng kiểm tra quy trình sản xuất nước đóng bình tại Cty TNHH Phúc Hà. Ảnh: Quốc Doanh

Lực lượng chức năng kiểm tra quy trình sản xuất nước đóng bình tại Cty TNHH Phúc Hà. Ảnh: Quốc Doanh

Ngoài ra, đoàn kiểm tra yêu cầu Cty TNHH Phúc Hà tiếp tục cung cấp các thủ tục, tài liệu liên quan đến hoạt động sản xuất nước uống tại cơ sở trên. Đồng thời yêu cầu cơ sở tạm dừng lưu thông các sản phẩm nước đóng bình đã hoàn thiện và dừng hoạt động bơm nước từ mương để sản xuất cho đến khi có kết luận cuối cùng của đoàn kiểm tra.

Theo luật sư Phạm Quang Xá (Cty Luật XTVN, Đoàn luật sư TP Hà Nội), hành vi nhà máy sản xuất, đóng chai nước uống tinh khiết của Cty TNHH Phúc Hà ngang nhiên sử dụng nước từ mương thải để sản xuất nước bình “tinh khiết” là hành vi vi phạm nghiêm trọng trong quy định của Luật Vệ sinh an toàn thực phẩm.

Theo đó, căn cứ vào Điều 12 Nghị định số 67/2016/NĐ-CP ngày 1-7- 2016 của Chính phủ quy định về điều kiện sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành của Bộ Y tế, thì các cơ sở sản xuất, kinh doanh nước khoáng, nước uống đóng chai phải đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn nghiêm ngặt về nhà xưởng, thiết bị, dụng cụ, quy trình… Cùng với đó, đối với nguồn nước dùng để sản xuất còn phải “được bảo đảm vệ sinh tránh bất kỳ sự ô nhiễm nào hoặc yếu tố ngoại lai ảnh hưởng đến chất lượng an toàn của nguồn nước”.

Luật sư Phạm Quang Xá nhận định, việc làm trên là gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng trong cộng đồng, cũng như xã hội. Có thể thấy, căn cứ vào khoản 7 Điều 9 Nghị định số 115/2018/NĐ-CP ngày 4-9-2018 của Chính phủ quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm thì hành vi “sử dụng nước mương thải để sản xuất nước bình tinh khiết” sẽ bị phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng và bị áp dụng hình phạt bổ sung là “đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm từ 1 tháng đến 3 tháng”.

Luật sư Phạm Quang Xá cho biết, pháp luật Việt Nam cũng quy định, người nào có hành vi “chế biến, cung cấp, bán thực phẩm mà biết là thực phẩm không bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật, quy định về an toàn thực phẩm gây ngộ độc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của từ 5 người đến 20 người hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%” có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 317 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) và bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Thậm chí, khung hình phạt cao nhất đối với tội danh này có thể bị phạt tù lên tới 20 năm.

Theo Chi cục trưởng Chi cục ATVS thực phẩm, Sở Y tế Hải Phòng, ông Nguyễn Văn Toản thừa nhận, nước đóng chai đã không được kiểm soát đầu vào mà chỉ kiểm soát đầu ra; tức là khi đưa ra thị trường là phải đạt tiêu chuẩn Việt Nam. Ông Toản cho biết, cơ sở này năm ngoái đã được kiểm tra và bị xử phạt 30 triệu đồng. Mặc dù cơ sở này được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện nhưng đã hết hạn từ tháng 4-2018 và đã bị xử lý năm 2019. Tuy nhiên, đến nay vẫn không làm lại giấy chứng nhận sản phẩm đủ điều kiện chất lượng.

Quốc Doanh

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/lam-ro-hanh-vi-su-dung-nuoc-thai-san-xuat-nuoc-tinh-khiet-197638.html