Làm rõ hơn vai trò nhà Mạc trong tiến trình lịch sử Việt Nam
Ngày 9/12 tại TP Hải Phòng, UBND TP Hải Phòng phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia 'Vương Triều Mạc trong tiến trình lịch sử Việt Nam'.
Dự Hội thảo có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT); Lê Tiến Châu, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng, cùng nhiều đại biểu là lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu hàng đầu của Việt Nam và TP Hải Phòng.
Theo Ban Tổ chức, Vương triều Mạc tồn tại 150 năm, bao gồm 65 năm trị vì ở Thăng Long (1527 – 1592) và 85 năm đóng đô ở Cao Bằng (1592 – 1677), đã có những đóng góp quan trọng trên nhiều phương diện đối với lịch sử đất nước. Tuy nhiên, do nhiều cách tiếp cận khác nhau, đã dẫn tới những nhận thức có phần sai lệch, thiếu khách quan và không công bằng về Nhà Mạc.
Thông tin tại Hội thảo, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng cho biết, Hải Phòng là nơi phát tích của Vương triều Mạc, với thời gian trị vì tại kinh thành Thăng Long không nhiều nhưng đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lịch sử nước nhà. Kết quả của Hội thảo sẽ là luận cứ khoa học, những sử liệu tin cậy góp phần nhìn nhận khách quan, công bằng đối với sự đóng góp của Vương triều Mạc trong lịch sử Việt Nam.
Tại thành phố Hải Phòng, nhiều năm qua đã có những hoạt động tôn vinh sự đóng góp và bảo tồn di sản của Vương triều này để lại. Tiêu biểu là các cuộc hội thảo về thân thế, sự nghiệp của Thái tổ Mạc Đăng Dung và các thành tựu kinh tế, văn hóa, xã hội, kiến trúc thời Mạc, những dấu ấn tiêu biểu đã được đưa vào bộ Lịch sử Hải Phòng (4 tập, xuất bản năm 2021) và tài liệu giáo dục địa phương.
Hội thảo đã ghi nhận gần 60 ý kiến, hầu hết dựa trên quan điểm đổi mới sử học và những thành tựu khoa học – công nghệ, nhận thức chung không chỉ giới nghiên cứu lịch sử, mà còn của cả xã hội đã từng bước thay đổi cách nhìn về Vương triều Mạc. Trong đó tập trung làm rõ nhiều khía cạnh về chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hóa, xã hội… Đại Việt thời Mạc, được nghiên cứu, luận giải một cách khách quan, khoa học và toàn diện hơn.
Đồng thời nhấn mạnh về những thành tựu nghiên cứu về bối cảnh ra đời Vương triều Mạc, tâm thế chính trị và phương cách lựa chọn mô hình phát triển mới; những cải cách về thiết chế chính trị, tư tưởng, luật pháp, hành chính, quân đội… dưới thời Mạc, cũng công cuộc canh tân đất nước thời Mạc và những di sản, kinh nghiệm cho ngày nay.
Đánh giá của Ban Tổ chức cho thấy, nội dung Hội thảo rất đa dạng, có nhiều phát hiện và kiến giải mới góp phần nâng cao nhận thức khoa học và giải quyết các yêu cầu thực tiễn của địa phương và đất nước.