Làm rõ khái niệm 'Vùng thủ đô' để loại bỏ những biến thể tùy tiện

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố lấy ý kiến Dự thảo Báo cáo bổ sung về các phương án phân vùng giai đoạn 2021 - 2030 để triển khai thực hiện Luật Quy hoạch. Theo đó, đề xuất phân 7 vùng kinh tế, vùng Thủ đô mới gồm 15 tỉnh. Đề xuất này đang gặp nhiều ý kiến trái chiều của giới chuyên gia đô thị.

Vùng thủ đô mới” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất là gộp 10 tỉnh Vùng thủ đô cũ với 5 tỉnh duyên hải Bắc bộ; Thời gian di chuyển bằng xe máy và Bus từ bên ngoài vào trung tâm Hà Nội từ 5 đến 60 phút: đó là cơ sở để xác định ranh giới đô thị và vùng đô thị (nguồn ảnh: nghiên cứ của TS. Nguyễn Ngọc Quang)

Đã từng có hai phương án Vùng thủ đô không có giá trị thực tế

Trước đây, Bộ Xây dựng đã có 2 phương án “Vùng thủ đô” lần 1 có 6 tỉnh, lần 2 là 9 tỉnh. Ông Trần Ngọc Chính, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch – đơn vị trực tiếp thực hiện công việc này cho biết “…Quy hoạch Vùng thủ đô Hà Nội tạo nên một chùm, hệ thống đô thị vừa là để giãn dân đô thị ở lõi, vừa tạo điều kiện, kích thích phát triển cho các đô thị vệ tinh, các đô thị trong Vùng, để các địa phương này cùng chia sẻ, cùng gánh vác nhiệm vụ phát triển của Vùng…

Bán kính giữa thủ đô và các địa phương khoảng 50 – 70km, để người dân thuận tiện đi vào thủ đô làm việc, đồng thời tạo nên những khu vực phát triển năng động sát cạnh thủ đô. Đó là ước muốn của người vẽ quy hoạch, còn thực tế cả 2 phương án này không đạt kết quả như mong đợi. Nguyên nhân hạn chế là “không có cấp chính quyền Vùng. Vùng thủ đô Hà Nội có Ban chỉ đạo và Văn phòng thường trực, nhưng không phải là cấp quản lý nên không có thực quyền” - ông Chính cho biết.

Cho rằng quy hoạch Vùng không khả thi, ông Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội cho biết : “…Các địa phương hoạt động chưa gắn với liên kết Vùng, còn mang tính chất địa phương hóa, chỉ chú trọng đến tăng trưởng kinh tế của địa phương mình mà chưa thể hiện được trách nhiệm đối với phát triển Vùng…

Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (quốc lộ 5B) mới chỉ phát huy vai trò gắn kết Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh mà chưa kết nối được với các tỉnh lân cận như Hải Dương, Hưng Yên”. Tuy vậy, các chuyên gia giao thông đang rất lo sợ hệ thống đường cao tốc trước nguy cơ phát triển “đô thị bám đường” dài hàng trăm km, nối từ tỉnh này sang tỉnh khác. Các tỉnh lộ, huyện lộ kết nối tùy tiện với đường cao tốc gây nguy hiểm và phá hủy vai trò “đường cao tốc”; Càng nguy hiểm hơn khi tư duy quy hoạch “đường làng” tham gia định hình chức năng cho “đường cao tốc”.

Với góc nhìn của địa phương, ông Nguyễn Cường, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bắc Giang cho biết “tỉnh Bắc Giang được đưa vào quy hoạch Vùng thủ đô là cơ hội lớn có tính đột phá để phát triển kinh tế - xã hội…, tỉnh sẽ có nhiều cơ hội hơn trong việc tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất… Bắc Giang có thể trở thành nơi cung cấp thực phẩm cho Vùng, có cơ hội để trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa, thu hút đầu tư, phát triển du lịch nghỉ dưỡng...”.

Thực tế thì hàng hóa xuất khẩu của Hà Nội đi thẳng tới cảng biển, sân bay cửa khẩu biên giới mà không dừng lại Bắc Giang. Vải thiều Bắc Giang xuất khẩu không qua Hà Nội, người lao động Bắc Giang kiếm việc làm tại các khu công nghiệp Bắc Ninh, Vĩnh Phúc. Thực phẩm Bắc Giang cung cấp cho bán kính < 30km, không cần đến Hà Nội; Rau củ quả tươi cung cấp cho các điểm dân cư Hà Nội với khoảng cách 1 giờ xe chạy (30-35km), người dân Ứng Hòa tìm việc làm tại các khu công nghiệp của Nam Hà; Người Mê Linh thì sang Vĩnh Phúc (cách đó 5-10km), thay vì ngược l, xuôi về Hà Nội xa mấy chục km.

Thực tế cuộc sống khác xa những mũi tên, vòng tròn tô vẽ trong các bản vẽ quy hoạch Vùng, vốn chỉ dùng để mô tả ý tưởng chủ quan, suy tưởng.

Địa giới Paris và Khu vực đô thị Paris trong vùng Île-de-France; Ranh giới vùng thủ đô London và các tỉnh chung quanh. Ảnh: nguồn Hanoidata ST&BT

Ranh giới Vùng thủ đô không trùng với ranh giới hành chính

Ranh giới Vùng Thủ đô London (tiếng Anh “London commuter belt” - Vành đai đi lại Luân Đôn) bao quanh London, nơi mà người ta có thể sinh sống và đi làm ở London, không được xác định chính xác. Nó có thể mở rộng khi các lựa chọn phương tiện giao thông cho phép di chuyển từ nhà đến nơi làm việc xa hơn hay khi ngân sách thuê hay mua nhà có thể chấp nhận được. Cơ quan thống kê quốc gia Anh định nghĩa Ranh giới Vùng xác định bởi tiêu chí: > 75% dân cư của vùng làm việc trong Vùng, hoặc >75% người làm việc trong vùng sống trong Vùng.

Địa giới Paris (Pháp) có từ năm 1860, gồm 20 quận nằm trong đường vành đai bao quanh, sân bay tại quận 15 và hai khu rừng Boulogne, Vincennes Phần đô thị phía ngoài thuộc về các tỉnh khác của Île-de-France. Viện INSEE sử dụng khái niệm “Khu vực đô thị” (tiếng Pháp: aire urbaine) để chỉ đơn vị đô thị và các xã có trên 40% dân số làm việc trong đơn vị đô thị đó.

Vùng đô thị Paris có dân số lớn hơn Île-de-France gồm 1584 xã, dân số hơn 11 triệu người (năm 1999). Vùng đô thị Paris còn để chỉ chung là “Vùng ngoại ô Paris” (tiếng Pháp: banlieue parisienne). Như vậy, tại châu Âu, nơi có lịch sử đô thị lâu đời, khái niệm Vùng thủ đô được xác định bởi không gian thực tế mà cư dân có khả năng định cư và làm việc chứ không phải là ranh giới hành chính .

Năm 1956, Nhật Bản ban hành Luật quy hoạch Vùng thủ đô (1956), định ra Vùng thủ đô Tokyo gồm Tokyo và 6 tỉnh bao quanh, nhưng cũng chỉ các cơ quan chính phủ sử dụng, còn quốc dân thì chỉ nhìn nhận Tokyo và 3 tỉnh kế cận. Là một trong 8 vùng vẽ trong bản đồ địa lý Nhật Bản nhưng không phải là đơn vị hành chính, chỉ sử dụng trong một số ngữ cảnh: vùng dự báo thời tiết, đặt tên cho doanh nghiệp hay tổ chức.

Vùng thủ đô Manila (còn gọi là Metro Manila) gồm thành phố Manila và 16 thành phố bao quanh. Diện tích Vùng thủ đô Manila: 638,55 km2, dân số gần 12 triệu người, thêm hơn 3 triệu dân từ 4 tỉnh cận kề ra vào làm việc hàng ngày (dân số 4 tỉnh hơn 10 triệu người).

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất đưa 4 tỉnh Bắc Giang, Phú Thọ, Thái Nguyên và Hòa Bình thuộc vùng trung du và miền núi phía Bắc vào vùng đồng bằng sông Hồng mở rộng hay Vùng thủ đô mới. Ảnh: TL

Ranh giới Vùng thủ đô Hà Nội xác định theo tiêu chí nào?

Ranh giới Vùng thủ đô Hà Nội xét theo vành đai đi lại hay định cư, theo định nghĩa của London hay Paris, thì tương đương với ranh giới 12 quận nội thành Hà Nội. Bao quanh nội đô có 17 huyện ngoại thành Hà Nội rộng 2.900km2…, tương tự vùng cận thủ đô của 4 tỉnh Manila hay 3 tỉnh quanh Tokyo.

Như vậy, ranh giới thành phố Hà Nội hiện tại cũng chính là ranh giới Vùng thủ đô Hà Nội, tương tự như Vùng thủ đô Manila và Tokyo.

Các tỉnh chung quanh Hà Nội không thuộc vùng Tây Bắc, Đông Bắc hay duyên hải Bắc Bộ thì gọi là “vùng ngoài thủ đô” - danh xưng địa lý hay phân vùng khí hậu giống như 8 vùng Nhật Bản.

Thay vì mất công sức cho phân vùng "hữu danh vô thực", các tỉnh trong cả nước nên tập trung thực hiện điều 27 Luật Quy hoạch “Phân tích, đánh giá, dự báo về các yếu tố, điều kiện phát triển đặc thù của tỉnh; đánh giá thực trạng phát triển kinh tế - xã hội, hiện trạng sử dụng đất, hiện trạng hệ thống đô thị, nông thôn” (từ đó định ra) “Quan điểm, mục tiêu và lựa chọn phương án phát triển; Phương hướng phát triển ngành quan trọng trên địa bàn; lựa chọn phương án tổ chức hoạt động kinh tế - xã hội;”.

Xác định liên kết theo địa bàn hay theo tuyến giao thông, năng lượng, lưu vực sông, địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu là nhiệm vụ đương nhiên của hồ sơ Quy hoạch, không cần vẽ thêm quy hoạch Vùng vô nghĩa, lãng phí tiền bạc, thời gian, lại đèo thêm bộ máy quản lý Vùng hữu danh vô thực.

KTS. Trần Huy Ánh

(Ủy viên thường vụ Ban chấp hành Hội Kiến trúc sư Hà Nội; Thành viên Hội đồng khoa học tạp chí Kiến trúc Việt Nam – Viện Kiến trúc Quốc gia, Bộ Xây dựng)

Theo Báo Đầu Tư điện tử (cơ quan của Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tại Tờ trình số 8116/TTr-BKHĐT ngày 1.11.2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ 4 phương án phân vùng. Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp diễn ra tháng 12.2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo bổ sung 2 phương án 5 và 6.

Phương án 5: Phân thành 7 vùng

Theo phương án này giữ nguyên 5 vùng: vùng đồng bằng sông Hồng, vùng trung du và miền núi phía Bắc, vùng Tây Nguyên, vùng Đông Nam Bộ và vùng đồng bằng sông Cửu Long; tách vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung thành vùng Bắc Trung Bộ và vùng Nam Trung Bộ, như sau:

(1). Vùng trung du và miền núi phía Bắc gồm 14 tỉnh: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Giang, Phú Thọ, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình.

(2). Vùng đồng bằng sông Hồng gồm 11 tỉnh: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình.

(3). Vùng Bắc Trung bộ gồm 6 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế.

(4). Vùng Nam Trung Bộ gồm 8 tỉnh: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận.

(5). Vùng Tây Nguyên gồm 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng.

(6). Vùng Đông Nam bộ gồm 6 tỉnh: Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP.HCM.

(7). Vùng đồng bằng sông Cửu Long gồm 13 tỉnh: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ưu điểm của phương án này sẽ không gây xáo trộn nhiều về quy mô các vùng, bảo đảm tính kế thừa của các phương án phân vùng và liên tục đối với các hoạt động lập quy hoạch của 5/6 vùng hiện nay và đồng thời khắc phục được hạn chế vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung có khoảng cách quá dài.

Tuy nhiên, phương án này có hạn chế là chưa tạo ra không gian phát triển mới cho vùng đồng bằng sông Hồng (Vùng thủ đô Hà Nội).

Phương án 6: Phân thành 7 vùng, trong đó có Vùng thủ đô mới

Theo phương án này giữ nguyên 3 vùng: vùng Tây Nguyên, vùng Đông Nam Bộ và vùng đồng bằng sông Cửu Long; tách vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung thành vùng Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ; đưa 4 tỉnh Bắc Giang, Phú Thọ, Thái Nguyên và Hòa Bình thuộc vùng trung du và miền núi phía Bắc vào vùng đồng bằng sông Hồng thành Vùng thủ đô (hay vùng Đồng bằng sông Hồng mở rộng), vùng trung du và miền núi phía Bắc với các tỉnh còn lại đổi tên thành vùng miền núi phía Bắc, như sau:

(1). Vùng miền núi phía Bắc gồm 10 tỉnh: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Lạng Sơn, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La.

(2). Vùng thủ đô (hay vùng đồng bằng sông Hồng mở rộng) gồm 15 tỉnh: Hà Nội, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình.

(3). Vùng Bắc Trung bộ gồm 6 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế.

(4). Vùng Nam Trung bộ gồm 8 tỉnh: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận.

(5). Vùng Tây Nguyên gồm 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng.

(6). Vùng Đông Nam bộ gồm 6 tỉnh: Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP.HCM.

(7). Vùng đồng bằng sông Cửu Long gồm 13 tỉnh: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ưu điểm của phương án này đảm bảo tính kế thừa cao; ít gây xáo trộn về vùng; mở rộng không gian phát triển mới cho vùng đồng bằng sông Hồng, hình thành Vùng thủ đô Hà Nội (mới) và tạo điều kiện cho một số tỉnh trước đây thuộc vùng trung du và miền núi phía Bắc có điều kiện phát triển hơn và tính liên kết vùng được đề cao hơn. Phương án này khắc phục được hạn chế vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung có khoảng cách quá dài.

Trên cơ sở phân tích, đánh giá các phương án phân vùng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất lựa chọn Phương án 6 làm phương án phân vùng cho giai đoạn 2021 - 2030 với những ưu điểm của phương án như trình bày ở trên. Với phương án này, sẽ phát huy lợi thế của các vùng, tạo điều kiện phát triển nhanh và bền vững các vùng và cả nước.

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/lam-ro-khai-niem-vung-thu-dode-loai-bo-nhung-bien-the-tuy-tien-23108.html