LÀM RÕ MỐI QUAN HỆ CỦA DỰ ÁN LUẬT DẦU KHÍ (SỬA ĐỔI) VỚI CÁC LUẬT LIÊN QUAN TRONG HỆ THỐNG PHÁP LUẬT

Theo chương trình phiên họp thứ 10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự án Luật Dầu khí (sửa đổi). Trước đó, tại phiên họp toàn thể lần thứ 5, Ủy ban Kinh tế thẩm tra dự án Luật này, các đại biểu cho rằng dự án Luật có liên quan đến nhiều luật khác trong hệ thống pháp luật. Do đó, việc sửa đổi phải đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật vừa thể hiện rõ tính đặc thù trong hoạt động dầu khí.

Theo Tờ trình của Chính phủ, Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) gồm 9 Chương 56 điều. Nội dung của dự thảo Luật giải quyết 6 nhóm chính sách đã được Chính phủ trình Quốc hội thông qua (Nghị quyết số 17/2021/QH15), cụ thể: Chính sách về bổ sung và hoàn thiện các quy định liên quan đến hợp đồng dầu khí. Chính sách quy định về điều tra cơ bản và dầu khí và trình tự, phê duyệt các bước triển khai hoạt động dầu khí, dự án dầu khí gồm các giai đoạn tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí. Quy định khung cho việc thực hiện dự án dầu khí theo chuỗi từ tìm kiếm thăm dò, khai thác, vận chuyển, xử lý. Chính sách về ưu đãi đầu tư và ưu đãi đầu tư đặc biệt đối với dự án dầu khí theo lô dầu khí thông qua hợp đồng dầu khí. Chính sách quy định về công tác kế toán, kiểm toán, quyết toán và xử lý chi phí trong hoạt động dầu khí. Chính sách quy định khung việc cho phép bên thứ ba tiếp cận các cơ sở hạ tầng có sẵn của ngành dầu khí và nghĩa vụ chia sẻ công trình dầu khí, cơ sở hạ tầng sẵn có nhằm sử dụng tối ưu, hiệu quả hệ thống hạ tầng cơ sở sẵn có, tránh lãng phí trong đầu tư.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Hoàng Văn Cường phát biểu tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội để thẩm tra dự án Luật Dầu khí (sửa đổi)

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Hoàng Văn Cường phát biểu tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội để thẩm tra dự án Luật Dầu khí (sửa đổi)

Cho ý kiến tại phiên họp thẩm tra dự án Luật, nêu rõ Luật Dầu khí là luật chuyên ngành liên quan đến nhiều luật như Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công, Bộ luật Dân sự, Luật Doanh nghiệp và nhiều luật khác, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Hoàng Văn Cường lưu ý đến việc bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Hoàng Văn Cường dẫn chứng quy định tại Điều 14 của dự thảo Luật quy định về phê duyệt hợp đồng dầu khí và cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Cụ thể, khoản 1 Điều 14 dự thảo Luật quy định Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nội dung hợp đồng dầu khí. Khoản 2 quy định phê duyệt nội dung hợp đồng dầu khí của Thủ tướng Chính phủ là cơ sở để nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí và thay thế phê duyệt chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư và Luật Đầu tư công đối với dự án dầu khí. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho rằng quy định này có thể gây vướng bởi dự án quan trọng quốc gia thì phải do Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư. Thực tế, ở lĩnh vực dầu khí có thể có các dự án rơi vào tiêu chí dự án quan trọng quốc gia. Khi đó phê duyệt nội dung hợp đồng của Thủ tướng Chính phủ đồng thời là phê duyệt chủ trương đầu tư là chưa phù hợp với Luật Đầu tư công. Do đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị thiết kế lại quy định này bảo đảm phải rõ thẩm quyền, không thể quy định 2 trong 1 như Điều 14 của dự thảo là không hợp lý.

Ủy ban Kinh tế thẩm tra dự án Luật Dầu khí (sửa đổi)

Ủy ban Kinh tế thẩm tra dự án Luật Dầu khí (sửa đổi)

Ngoài ra, dự thảo luật quy định thời hạn hợp đồng dầu khí có thể được gia hạn thêm nhưng không quá 5 năm; thời hạn của giai đoạn tìm kiếm thăm dò dầu khí có thể được gia hạn thêm nhưng không quá 5 năm. Trong trường hợp đặc biệt vì lý do quốc phòng an ninh, điều kiện địa chất dầu khí phức tạp, điều kiện thực địa triển khai hoạt động dầu khí có những khó khăn rất đặc thù hoặc cần bảo đảm thời gian khai thác khí hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ quyết định việc cho phép tiếp tục gia hạn thời hạn hợp đồng dầu khí và thời hạn của giai đoạn tìm kiếm thăm dò dầu khí vượt các thời hạn quy định tại Điều này. Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp quy định này là cần thiết nhưng dự thảo luật cần quy định thời hạn gia hạn hợp đồng thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ để không vượt quá giới hạn được Quốc hội cho phép.

Bên cạnh đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng chỉ rõ nhiều quy định cần tiếp tục rà soát như các khái niệm, thuật ngữ sử dụng trong luật như dự thảo Luật vẫn sử dụng thuật ngữ “lâm vào tình trạng phá sản” là chưa phù hợp với Luật Phá sản hiện hành, luật hiện hành quy định “không có khả năng thanh toán”; hay quy định về ưu tiên pháp luật áp dụng trong giải quyết tranh chấp, việc lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp hợp đồng dầu khí, các hành vi bị cấm.

 Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Hồng Nguyên phát biểu tại phiên họp

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Hồng Nguyên phát biểu tại phiên họp

Có cùng nội dung quan tâm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Hồng Nguyên đặt vấn đề về giải quyết mối quan hệ giữa Luật Dầu khí với các luật liên quan như Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu và các luật khác. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nêu rõ, khoản 4, Điều 4 Luật Đầu tư đã quy định về nguyên tắc trường hợp luật khác ban hành sau ngày Luật Đầu tư có hiệu lực thi hành, thì các luật này sẽ phải xác định nội dung cụ thể thực hiện hoặc không thực hiện theo Luật Đầu tư. Vì vậy, dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) phải xác định cụ thể thẩm quyền, trình tự, thủ tục điều kiện thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí nào thực hiện theo Luật Dầu khí, hoạt động nào vẫn thực hiện theo Luật Đầu tư.

Ngoài ra, dự thảo Luật cũng có một số nội dung có tính đặc thù liên quan đến thẩm quyền của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước so với quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp. Luật Đấu thầu hiện hành cũng chỉ loại trừ các hoạt động tìm kiếm, thăm dò, phát triển mỏ và khai thác dầu khí, còn hoạt động thu dọn công trình dầu khí vẫn phải thực hiện theo Luật này...Chỉ rõ các nội dung này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Trần Hồng Nguyên đề nghị Ban soạn thảo cần tiếp tục rà soát làm rõ, có quan điểm nhất quán về nội dung này, để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Trong khi đó, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu cho rằng, mối quan hệ giữa Luật Dầu khí (sửa đổi) với các luật liên quan có thể xử lý khi trả lời câu hỏi vì sao vẫn cần xây dựng Luật Dầu khí trong khi các luật liên quan đã có quy định điều chỉnh với các hoạt động điều tra, tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí. Theo đó, xây dựng đạo luật về dầu khí, cũng như sửa đổi toàn diện Luật Dầu khí hiện hành nhằm xây dựng một quy trình riêng biệt phù hợp với lĩnh vực này. Đồng thời, quy trình riêng biệt này vẫn bảo đảm tính tương thích với các luật liên quan.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu

Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu dự thảo Luật không thể giữ các quy định chung chung mà phải quy định đủ rõ, đủ cụ thể về quy trình riêng biệt trong lĩnh vực dầu khí, để các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp không vướng vào câu chuyện thực hiện luật này cũng phải thực hiện cả luật khác. Quy trình "khác biệt, đủ rõ, đủ cụ thể" để khi ban hành Luật này có thể áp dụng ngay, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu nhấn mạnh.

Giải trình các ý kiến của đại biểu Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, sẽ tiến hành rà soát, chỉnh lý quy định về áp dụng pháp luật và có báo cáo giải trình cụ thể với các ý kiến được các đại biểu Quốc hội đưa ra về xử lý mối quan hệ giữa dự án Luật với một số luật cụ thể, chính sách thu hút đầu tư vào các hoạt động dầu khí./.

Bảo Yến

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=63656