Làm rõ mức giá dịch vụ với chuyến bay nội địa
Mức giá dịch vụ đối với chuyến bay nội địa hạ cánh tại cảng hàng không là nội dung đang được Bộ Giao thông vận tải đề xuất sửa đổi để làm rõ tại dự thảo Quy định cơ chế, chính sách quản lý giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa và giá dịch vụ chuyên ngành hàng không (dự thảo).
Theo dự thảo, mức giá dịch vụ đối với chuyến bay nội địa hạ cánh tại cảng hàng không được tính đối với 1 lượt tàu bay thực hiện hạ cánh tại cảng hàng không, sân bay. Mức giá được phân loại theo các khung giờ cao điểm, thấp điểm, bình thường, căn cứ vào giờ hạ cánh của từng chuyến bay theo lịch bay đã được Cục Hàng không Việt Nam cấp phép.
Trong khi theo quy định hiện hành, mức giá dịch vụ đối với chuyến bay nội địa hạ cánh tại cảng hàng không được tính căn cứ vào giờ hạ cánh của từng chuyến bay theo lịch bay đã được Cục Hàng không Việt Nam cấp phép.
Cũng theo dự thảo, các cảng hàng không sẽ được chia thành 2 nhóm gồm: nhóm cảng hàng không phục vụ kinh tế - xã hội, bao gồm cảng hàng không Côn Đảo, Điện Biên, Cà Mau, Rạch Giá; nhóm các cảng hàng không không thuộc nhóm cảng hàng không phục vụ kinh tế - xã hội quy định.
Ngoài ra, khung giờ khai thác tại các cảng hàng không sẽ được xác định theo số chuyến bay thực tế. Theo đó, khung giờ cao điểm được tính là các khung giờ có số chuyến bay thực tế từ 90% trở lên so với tham số điều phối của cảng hàng không. Khung giờ thấp điểm được tính là các khung giờ có số chuyến bay thực tế từ 0 - 30% so với tham số điều phối của cảng hàng không. Khung giờ bình thường sẽ là các khung giờ còn lại có chuyến bay thực hiện khác với quy định khung giờ cao điểm và khung giờ thấp điểm.
Trước đó, liên quan đến việc giá vé máy bay trong nước hiện tăng cao, có ý kiến băn khoăn về tính hợp lý của giá thành và chi phí tổ chức bộ máy của các hãng hàng không, tổ chức dịch vụ mặt đất.
Về phía Bộ Giao thông Vận tải khẳng định sẽ thực hiện giải pháp nhằm ổn định giá vé như điều chỉnh thời gian hoạt động tàu bay để tăng hiệu quả khai thác.
Bộ Giao thông Vận tải cho hay, hiện chi phí chuyến bay, nhiên liệu bay chiếm 37-42%; chi phí liên quan đến thiết bị bay, sửa chữa, bảo dưỡng tàu bay 32-41%; phục vụ chuyến bay từ mặt đất, điều hành bay chiếm 6-7%. Các chi phí còn lại như nhân công, bán hàng, quản lý, phục vụ hành khách... chiếm 16-19%.
Theo Thông tư số 17/2019/TT-BGTVT ngày 3/5/2019 của Bộ Giao thông vận tải: Ban hành khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa, giá vé máy bay được cấu thành bởi giá dịch vụ vận chuyển hành khách; thuế giá trị gia tăng (VAT). Các khoản thu hộ doanh nghiệp cung ứng dịch vụ sân bay, an ninh và giá dịch vụ đối với các hạng mục tăng thêm do hãng hàng không quyết định.
Từ đầu năm 2024 đến nay, giá vé trung bình hạng phổ thông trên một số đường bay (đã bao gồm thuế, phí) của các hãng hàng không Việt Nam đều tăng so với cùng kỳ năm 2023. Qua kiểm tra hoạt động bán vé của các hãng, Bộ Giao thông vận tải ghi nhận hãng thực hiện đúng quy định về mức giá tối đa (nằm trong khung giá) đối với hạng phổ thông trên đường bay nội địa.
Giá vé máy bay tăng nằm trong xu hướng chung của thế giới do sụt giảm quy mô đội tàu bay, nhu cầu đi lại tăng cao vào các dịp lễ, Tết và biến động tăng giá nhiên liệu bay, tăng tỷ giá ngoại tệ. Tháng 7, tỷ giá USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 10% so với cùng kỳ năm 2021, trong khi 80% chi phí hàng không liên quan ngoại tệ.
Bộ Giao thông vận tải sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm bảo đảm ổn định giá vé, cân đối vận tải trên các đường bay và giữa thị trường nội địa với quốc tế. Trọng tâm là điều chỉnh thời gian khai thác tàu bay, giảm thời gian quay đầu của máy bay khi chuyển tiếp chặng bay nhằm tối ưu hóa khả năng khai thác tàu bay trong ngày; tăng cường thêm các chuyến bay đêm.
Song song, Bộ Giao thông vận tải sẽ tăng cường giám sát kê khai, niêm yết giá, công khai thông tin về giá theo quy định, cũng như khuyến cáo hành khách sớm có kế hoạch đặt mua vé để có cơ hội lựa chọn mức giá vé phù hợp.