LÀM RÕ PHẠM VI BẢO VỆ CÔNG TRÌNH QUỐC PHÒNG VÀ KHU QUÂN SỰ
Báo cáo thẩm tra dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật, tuy nhiên đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, làm rõ thêm các quy định về xác định phạm vi bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, các căn cứ xác định phạm vi khu vực cấm, phạm vi khu vực bảo vệ, phạm vi vành đai an toàn… để đảm bảo tính khả thi của dự án Luật.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh (QP&AN) Lê Tấn Tới, Ủy ban QP&AN nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự (CTQP và KQS) như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Việc ban hành Luật trên cơ sở Pháp lệnh Bảo vệ CTQP và KQS năm 1994, nhằm tiếp tục cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng; quy định của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, việc hạn chế quyền con người, quyền công dân phải do luật quy định; khắc phục những tồn tại, hạn chế, vướng mắc, bất cập sau 28 năm thực hiện Pháp lệnh bảo vệ CTQP và KQS; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của Luật với pháp luật có liên quan; tạo hành lang pháp lý đầy đủ, khả thi để hoạt động quản lý, bảo vệ CTQP và KQS có hiệu lực, hiệu quả. Nội dung của dự thảo Luật cơ bản phù hợp với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, phù hợp với Hiến pháp, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên, bảo đảm tính khả thi.
Về một số nội dung cụ thể, Chủ nhiệm Ủy ban QP&AN Lê Tấn Tới nêu rõ, dự thảo Luật có 17 nội dung giải thích từ ngữ cơ bản cụ thể, rõ ràng. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị làm rõ sự thống nhất giữa “Công trình quốc phòng”, “khu quân sự” với khái niệm “Tài sản đặc biệt tại đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân” quy định tại khoản 5 Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; phân biệt với “Công trình phòng thủ dân sự” trong dự thảo Luật Phòng thủ dân sự…
Về phân loại, phân nhóm công trình quốc phòng và khu quân sự (Điều 5), Ủy ban QP&AN cho rằng, nội dung này đã được Chính phủ tiếp thu chỉnh lý tương đối chi tiết, cụ thể. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng cách phân loại này chưa bao quát các CTQP và KQS theo khái niệm tại dự thảo Luật, nhất là các công trình lưỡng dụng…; đồng thời đề nghị quy định rõ hơn để dễ phân biệt được loại, nhóm CTQP và KQS.
Ủy ban QP&AN cũng đề nghị rà soát kỹ lưỡng các quy định của dự thảo Luật và các luật có liên quan để quy định cụ thể trường hợp nào áp dụng Luật Quản lý, bảo vệ CTQP và KQS và trường hợp nào áp dụng luật có liên quan (như Luật Quản lý sử dụng tài sản công; Luật Đất đai; Luật Xây dựng; Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; …).
Về sử dụng, bảo quản, bảo trì công trình quốc phòng và khu quân sự (Điều 10), Ủy ban QP&AN đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, làm rõ thêm về các quy định này, các căn cứ xác định phạm vi khu vực cấm, phạm vi khu vực bảo vệ, phạm vi vành đai an toàn, phạm vi vành đai an toàn kho đạn dược…; những nguyên tắc, tiêu chí, yêu cầu cụ thể về phạm vi, ranh giới của khu vực cấm, khu vực bảo vệ và vành đai an toàn CTQP và KQS.
Liên quan đến vấn đề xác định phạm vi bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự (Điều 16), Chủ nhiệm Ủy ban QP&AN Lê Tấn Tới cho biết, Ủy ban QP&AN đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, làm rõ thêm về các quy định này, các căn cứ xác định phạm vi khu vực cấm, phạm vi khu vực bảo vệ, phạm vi vành đai an toàn, phạm vi vành đai an toàn kho đạn dược…; những nguyên tắc, tiêu chí, yêu cầu cụ thể về phạm vi, ranh giới của khu vực cấm, khu vực bảo vệ và vành đai an toàn CTQP và KQS; quy định về chiều cao không gian, chiều sâu dưới mặt đất, trên mặt nước, dưới mặt nước, các công trình dân dụng liền kề phạm vi bảo vệ CTQP và KQS; tiếp tục rà soát quy định chặt chẽ, cụ thể, thống nhất giữa các khoản và bảo đảm tính khả thi.
Về xử lý công trình, vật kiến trúc; quản lý, sử dụng đất, mặt nước trong phạm vi bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự (Điều 18), Ủy ban QP&AN cơ bản nhất trí như dự thảo Luật; song có ý kiến cho rằng, quy định như dự thảo Luật sẽ có nhiều công trình dân sự vi phạm phạm vi bảo vệ CTQP và KQS, trong đó có nhiều công trình do lịch sử để lại hoặc trước đó hoàn toàn không vi phạm pháp luật về xây dựng, đất đai, quy hoạch…; vì vậy, đề nghị làm rõ tính khả thi của quy định này và cần quy định rõ lộ trình giải quyết những vấn đề phát sinh sau khi Luật có hiệu lực thi hành./.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=76266