Làm rõ tác động của Dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê
Đoàn kiểm tra liên ngành do Bộ KH&ĐT chủ trì tập trung làm rõ việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư, xây dựng, khoáng sản, môi trường... đối với Dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê và đánh giá tác động của dự án.
Tiếp tục chương trình làm việc tại Hà Tĩnh, sáng 13/6, đoàn kiểm tra liên ngành do Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đỗ Thành Trung làm trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND tỉnh về Dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh, Đại tá Nguyễn Hồng Phong - Giám đốc Công an tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành, địa phương tham dự làm việc với đoàn.
Dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê do Công ty CP Sắt Thạch Khê làm chủ đầu tư, nằm trên địa phận 5 xã thuộc huyện Thạch Hà (Thạch Hải, Thạch Khê, Đỉnh Bàn, Thạch Trị và Thạch Lạc). Từ năm 2008 – 2011, chủ đầu tư đã triển khai bóc đất tầng phủ khoảng 12,7 triệu m³ đến độ sâu -34m so với mực nước biển, thu hồi 3.000 tấn quặng. Từ tháng 7/2011 đến nay, dự án dừng khai thác theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.
Với những tồn tại bất cập và thực tế hồ sơ, văn bản của các bộ, ngành Trung ương trong thẩm định dự án cũng như thực tiễn thi công, nhận thấy dự án tiềm ẩn nhiều rủi ro, hệ lụy nên từ năm 2017 đến nay, Hà Tĩnh đã đề nghị chấm dứt dự án.
Sau khi có chủ trương chấm dứt hoạt động dự án, tỉnh sẽ khảo sát, đánh giá hiện trạng của các xã chịu ảnh hưởng của dự án để thực hiện việc điều chỉnh, bổ sung các quy định liên quan thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại các xã bãi ngang theo hướng kinh tế xanh, bền vững và mang tính kết nối liên vùng, trong đó tập trung phát triển các lĩnh vực thương mại - dịch vụ - du lịch biển; đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, sản xuất và chế biến các sản phẩm từ hải sản; phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Tại buổi làm việc, Hà Tĩnh cũng đã nêu rõ những bất cập và một số vi phạm của chủ đầu tư khi thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư, xây dựng, môi trường, đất đai, thuế, các biện pháp an toàn khi khai thác khoáng sản. Cùng đó, báo cáo cơ sở khoa học, thực tiễn và cơ sở pháp lý của việc đề xuất chấm dứt dự án. Theo đó, mức độ nghiên cứu về điều kiện địa chất thủy văn, địa chất công trình, công nghệ khai thác, chế biến chưa phù hợp với đặc thù chất mỏ, chưa đảm bảo độ tin cậy, thiếu tính khả thi; tiềm ẩn nhiều nguy cơ sự cố môi trường; phương thức vận chuyển quặng khó khả thi, hiệu quả thấp, ảnh hưởng lớn đến hệ thống hạ tầng giao thông…
Sau khi nghe và nghiên cứu báo cáo, các thành viên đoàn kiểm tra liên ngành đã thảo luận, phân tích các yếu tố liên quan dự án như thủ tục đầu tư, việc thực hiện chính sách pháp luật về xây dựng, khai thác khoáng sản...; trách nhiệm của các bên liên quan trong thực hiện dự án; tác động của dự án đối với môi trường, những hệ lụy nếu tiếp tục triển khai dự án; định hướng phát triển khi dự án chấm dứt hoạt động…
Lãnh đạo các sở, ngành Hà Tĩnh cũng đã giải đáp, làm rõ những nội dung các thành viên đoàn kiểm tra liên ngành đặt vấn đề.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đỗ Thành Trung đề nghị tỉnh củng cố thêm thông tin, tài liệu làm rõ những vấn đề các thành viên đoàn kiểm tra yêu cầu để đoàn có căn cứ đánh giá, kết luận, đề xuất phương án với Chính phủ.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh thông tin cụ thể hơn về các giai đoạn của dự án từ 2008 đến nay; phân tích những hệ lụy, tác động của dự án đối với kinh tế, xã hội, môi trường và khẳng định các cơ sở pháp lý để tỉnh đề xuất chấm dứt dự án.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành tiếp thu ý kiến các thành viên của đoàn kiểm tra và theo nhiệm vụ từng ngành, cung cấp bổ sung hồ sơ, tài liệu về dự án theo yêu cầu của đoàn.