Làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông
Sáng 16-9, tại Nhà Quốc hội (QH), dưới sự chủ trì của Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân và điều hành của Phó Chủ tịch QH Ðỗ Bá Tỵ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) cho ý kiến về dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ.
Sáng 16-9, tại Nhà Quốc hội (QH), dưới sự chủ trì của Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân và điều hành của Phó Chủ tịch QH Ðỗ Bá Tỵ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) cho ý kiến về dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ.
Tờ trình Chính phủ nêu rõ: Theo thống kê từ năm 2009 đến nay, nước ta xảy ra hơn 334 nghìn vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết hơn 101 nghìn người. Trung bình hằng năm gần 10 nghìn người chết, chủ yếu trong độ tuổi lao động, hơn 336 nghìn người bị thương. Trong đó, TNGT đường bộ, chiếm hơn 95% trong tổng số vụ, số người chết, bị thương. Nguyên nhân chủ yếu do lỗi vi phạm của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông, chiếm 90% số vụ. Việc xây dựng Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ là một trong những biện pháp nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Ban Bí thư tại Chỉ thị số 18-CT/T.Ư về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác bảo đảm TTATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông và Kết luận số 45-KL/T.Ư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18.
Cho ý kiến vào dự án luật nêu trên, Chủ nhiệm Ủy ban Ðối ngoại của QH Nguyễn Văn Giàu nhận xét, đây là đạo luật tiến bộ, chắc rằng nhân dân sẽ đón nhận. Ðạo luật này sẽ thay đổi nhận thức, tập quán khá tự do khi tham gia giao thông của người Việt Nam. Tổng Thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, việc tách nội dung bảo đảm TTATGT thành dự án luật riêng, chuyên biệt, sẽ có tác dụng giảm TNGT đường bộ.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch QH Ðỗ Bá Tỵ cho biết: Ủy ban TVQH cơ bản tán thành sự cần thiết có quy định tổng thể, chặt chẽ điều chỉnh nội dung TTATGT, bảo đảm tính mạng cho người tham gia giao thông. Về quản lý, đào tạo, sát hạch, cấp đổi, thu hồi giấy phép lái xe, Phó Chủ tịch QH cho rằng, còn nhiều ý kiến khác nhau về việc bộ nào sẽ quản lý nội dung này; đồng thời đề nghị Chính phủ tiếp tục làm rõ thêm để trình ra QH. Về việc tách Luật Giao thông đường bộ thành hai luật, Ủy ban TVQH vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn. Vì vậy, đề nghị Chính phủ và các cơ quan hữu quan tiếp tục hoàn thiện tờ trình và dự thảo của cả hai luật, sau khi có thẩm tra chính thức, sẽ trình QH tại kỳ họp thứ 10.
Cũng trong phiên họp sáng qua, Ủy ban TVQH nghe báo cáo kết quả hai phiên giải trình về "An ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ, đập" và "Thực trạng, giải pháp phát triển điện lực đến năm 2030 nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội".
Ðồng tình với kiến nghị của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường và Ủy ban Kinh tế về hai vấn đề nêu trên, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng: Cần lồng hai nội dung vào quá trình thảo luận báo cáo kinh tế - xã hội tại kỳ họp QH tới. Sau đó sẽ gửi Tiểu ban Văn kiện để tham gia vào Văn kiện trình Ðại hội XIII của Ðảng.
Kết thúc phiên thảo luận, Ủy ban TVQH kiến nghị, đưa an ninh nguồn nước và an toàn hồ đập vào Dự thảo Văn kiện Ðại hội XIII.
Trong phiên làm việc chiều qua, Ủy ban TVQH cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước và cá nhân có liên quan về việc thực hiện nghị quyết của QH về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII; xem xét, quyết định việc thay đổi thành viên Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.
Chủ nhiệm Văn phòng QH, Tổng Thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc trình bày tổng hợp 20 nội dung thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban về việc thực hiện nghị quyết của QH về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII. Ðồng thời cho biết, tại kỳ họp thứ 10, QH sẽ xem xét, thảo luận nội dung nêu trên.
Kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch QH Ðỗ Bá Tỵ biểu dương sự cố gắng, nỗ lực, nghiêm túc của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước trong chuẩn bị các nội dung báo cáo; Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH, Tổng Thư ký QH trong tổng hợp thẩm tra. Qua thảo luận, Ủy ban TVQH nhận thấy, các báo cáo đã bám sát yêu cầu mục đích. Tuy nhiên, còn một số vấn đề cần lưu ý: một số nội dung báo cáo chưa nêu được nguyên nhân, giải pháp của những tồn tại, hạn chế mà QH đặt ra; một số nội dung báo cáo mới chỉ dừng lại ở sự định tính, đánh giá chung chung, chưa chỉ rõ nguyên nhân, trách nhiệm của tồn tại, hạn chế.
Bên cạnh đó, do số lượng công việc nhiều, một số nội dung thẩm tra còn chưa đầy đủ, chưa toàn diện. Việc Ủy ban TVQH xem xét cho ý kiến vào các báo cáo này rất quan trọng, làm cơ sở để QH thảo luận. Do đó, Ủy ban TVQH đề nghị Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của QH, Chính phủ, các bộ ngành tiếp thu, tiếp tục rà soát, cần thiết có báo cáo, thẩm tra bổ sung, chú trọng đánh giá nội dung nào đạt, chưa đạt, trách nhiệm của ai để QH có cơ sở thảo luận trong kỳ họp tới.