Làm rõ trách nhiệm việc gần 650 học sinh trường ISChool Nha Trang bị ngộ độc
Đến hôm nay (22/11), các bệnh viện ở tỉnh Khánh Hòa đã tiếp nhận 648 học sinh Trường ISchool Nha Trang ngộ độc thực phẩm. Hiện nay, các bệnh viện đang điều trị 205 ca và ghi nhận 1 ca tử vong. Nhiều cha mẹ học sinh mong muốn sớm tìm ra nguyên nhân và làm rõ trách nhiệm thuộc về ai khi để xảy ra ngộ độc hàng loạt tại trường học này.
Trưa ngày 17/11 vừa qua, 880 học sinh trường Ischool Nha Trang ăn trưa và ăn giữa buổi chiều tại trường. Đến chiều tối, nhiều học sinh bắt đầu đau bụng dữ dội, nôn, sốt phải vào bệnh viện cấp cứu. 5 bệnh viện công lẫn tư ở thành phố Nha Trang lâm cảnh quá tải khi quá đông học sinh cùng vào cấp cứu. Đến nay, các bệnh viện đã ghi nhận 648 học sinh bị ngộ độc, trong đó, số học sinh nhập viện điều trị nội trú lên đến 387 em. Hiện, vẫn còn 205 học sinh đang điều trị, 1 học sinh người nước ngoài tử vong. Trường Ischool Nha Trang của Tập đoàn Nguyễn Hoàng là trường tư thục ở thành phố Nha Trang nhận học sinh từ lớp 1 đến lớp 12.
Bà Lê Thị Kim Uyên cho biết, con trai của bà hiện vẫn đang điều trị tại bệnh viện. Trước đó, nhiều lần con trai bà phàn nàn chất lượng bữa ăn không đảm bảo, khó ăn, thậm chí bỏ bữa. Bà đã khuyên con nên cố gắng ăn uống để hòa nhập với các bạn trong lớp.
Bà Uyên bức xúc vì thực đơn cho trẻ con lại có những món ăn dễ nhiễm khuẩn như sốt trứng, rau răm, dưa leo ăn sống hay canh bắp sú.
“Những cái đó dễ nhiễm khuẩn rồi, kể cả mình tự làm ở nhà. Nhiều bữa bạn nói chỉ ăn cơm chan tý nước thịt thôi, có nhiều bữa bạn nhịn đói luôn. Có bữa bạn nói hay là mẹ nấu đồ ăn con mang theo, mình lại la con "con cố gắng hòa nhập với các bạn". Tại sao mọi người ăn được mà con không ăn được. Không nghĩ bữa ăn trên trường tệ như vậy luôn.”- bà Uyên nói.
Ngoài tiền học phí, hàng tháng các phụ huynh phải đóng tiền bán trú cho nhà trường. Mức đóng tiền bán trú hơn 1,4 triệu đồng, bình quân 70 ngàn đồng/ ngày. Nhiều phụ huynh cho rằng, với mức tiền đóng cao như thế nhưng chất lượng các loại thực phẩm lại không đảm bảo, không tương xứng với số tiền phụ huynh bỏ ra. Cha mẹ học sinh đã nhiều lần phản ánh nhưng Ban Giám hiệu nhà trường không tiếp thu, sửa đổi.
Bà Lăng Kiều Thu, mẹ của một học sinh đang điều trị ngộ độc cho biết, có thể nhà trường đã sử dụng thực phẩm đông lạnh, không đảm bảo vệ sinh khiến các em bị ngộ độc hàng loạt.
“Nhìn vào những mâm cơm hàng ngày của trẻ, không cầm được nước mắt đâu. Vì không nghĩ con sẽ ăn những món ăn như vậy. Lớp 1, lớp 2 nhìn vô miếng gà khô khan, dầu mỡ nữa, có rau răm nữa, cà rốt, bắp sú luộc, không tốt cho sức khỏe của trẻ. Thầy đều biết hết, không hề khắc phục luôn cho nên giờ mới có hậu quả đó.”- bà Lăng Kiều Thu nói.
Để tổ chức bán trú cho học sinh, từ 5 năm trước, Trường ISChool Nha Trang đã hợp đồng với hộ kinh doanh Bùi Phúc Lam cung cấp bữa ăn tại trường. Trước khi xảy ra vụ ngộ độc lớn nhất tại tỉnh Khánh Hòa trong nhiều năm qua, thì cơ sở này đều được các Đoàn Kiểm tra của ngành Y tế tỉnh Khánh Hòa đánh giá là chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm. Khi phóng viên đặt câu hỏi về mức thu bình quân khoảng 70.000 đồng tiền bán trú mỗi ngày Nhà trường ký hợp đồng lại với cơ sở dịch vụ để nấu ăn cho học sinh là bao nhiêu thì ông Phạm Hữu Bình, Hiệu trưởng Trường ISChool Nha Trang lại không trả lời được.
“Nó nhạy cảm lắm, trong suất ăn đó, không phải là một suất ăn mà đó là dịch vụ bán trú gồm ăn sáng, ăn xế, nghỉ trưa, người chăm sóc, người phục vụ dịch vụ bán trú. Về bếp ăn, họ hợp đồng với ai lấy thức ăn, bên công an họ sẽ điều tra ở các nơi cung cấp, họ sẽ cung cấp thông tin.”- ông Bình nói.
Đại diện Lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa cho biết, lần đầu tiên tại tỉnh Khánh Hòa xảy ra vụ ngộ độc với số lượng người lớn như vậy nên các cơ sở y tế đã có sự lúng túng. Ngành Y tế vẫn chưa có phương án, kế hoạch, kịch bản, tổ chức ứng phó, xử lý khắc phục hậu quả. UBND tỉnh Khánh Hòa vừa yêu cầu các ngành liên quan tổng rà soát các bếp ăn bán trú trong trường học; Yêu cầu Sở Y tế xây dựng kịch bản ứng phó, khắc phục hậu quả khi xảy ra trường hợp ngộ độc hàng loạt. Nhiều phụ huynh đề nghị các cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc, làm rõ nguyên nhân vụ ngộ độc và trách nhiệm thuộc về ai?. Hiện nay, bên cạnh lực lượng y tế tại chỗ, Bộ Y tế đã cử đoàn công tác vào hỗ trợ tỉnh Khánh Hòa điều trị bệnh nhân.
Bác sỹ Bùi Xuân Minh, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa cho biết :“Bệnh diễn biến nhanh, trúng ngày Thứ 7 và Chủ nhật nên xử lý hơi lúng túng. Hiện nay, xuất viện rất nhiều, mấy chục em, đặc biệt 21 ca bình ổn hết. Bộ Y tế đã cử đoàn vào gồm 5 người gồm lãnh đạo Cục Khám chữa bệnh, Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai, đi các bệnh viện luôn, họ chủ yếu nắm tình hình, công tác chỉ đạo chuyên môn"./.