Làm rõ trách nhiệm vụ cháy tại Định Công Hạ | Hà Nội tin mỗi chiều
Làm rõ trách nhiệm vụ cháy tại Định Công Hạ; Trận mưa lớn kèm theo gió to ở Hà Nội khiến nhiều cây xanh bị gãy đổ, đè lên hàng loạt ô tô... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.
Làm rõ trách nhiệm vụ cháy tại Định Công Hạ
Hồi 18h22' ngày 16/6 đã xảy ra vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng tại số nhà 207, phố Định Công Hạ, quận Hoàng Mai, làm bốn người tử vong, gồm một người lớn và ba trẻ em. Nạn nhân nhỏ tuổi nhất mới chỉ hai tuổi.
Hiện trường vụ cháy là một căn nhà 6 tầng, một tum, đây là cơ sở kinh doanh thiết bị điện nước. Dù thời điểm cháy có mưa lớn nhưng cũng không ngăn được đám cháy lan rộng. Theo cảnh sát phòng cháy chữa cháy, căn nhà 6 tầng này chất đầy đồ dễ cháy. Khi xảy ra hỏa hoạn, khói khí độc bao trùm toàn bộ các tầng phía trên, các nạn nhân không có lối thoát nạn.
Ngay khi phát hiện đám cháy, nhiều người dân đã nhanh chóng đến hỗ trợ. Anh Phạm Quang Tú (ngõ 161 phố Định Công Thượng, quận Hoàng Mai) đã lao vào biển lửa cứu người. Anh lấy hai bình chữa cháy ở một ngôi nhà gần đó rồi xông vào hiện trường chữa cháy. Bất chất nguy hiểm, anh tiếp cận đám cháy ba lần, dùng đến hơn 10 bình chữa cháy để mở đường đi cho nạn nhân, nhưng mọi nỗ lực của anh Tú đều không thành công.
Sau những nỗ lực ban đầu của anh Tú và người dân, lực lượng chức năng đã có mặt. Công an thành phố Hà Nội, Công an các quận Hoàng Mai, Thanh Xuân, Hoàn Kiếm, Cảnh sát 113 với gần 100 chiến sĩ cùng 12 xe chữa cháy đến hiện trường. Do ngọn lửa quá lớn và khói độc quá nhiều nên bốn nạn nhân đã tử vong.
UBND thành phố Hà Nội đã giao Giám đốc Công an thành phố chủ trì, phối hợp với Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai và các đơn vị liên quan tập trung khắc phục hậu quả, khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ cháy, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân và xử lý theo quy định của pháp luật (nếu có).
Sáng 17/6, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đã đến Bệnh viện Bưu Điện thăm hỏi, động viên và trao hỗ trợ gia đình nạn nhân vụ cháy. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội đã trực tiếp trao hỗ trợ của thành phố cho gia đình nạn nhân đang nằm điều trị tại Bệnh viện Bưu Điện. Với gia đình có nạn nhân tử vong, thành phố hỗ trợ 50 triệu đồng; hỗ trợ cho những người bị thương 30 triệu đồng. Với các nạn nhân là trẻ em sẽ được hỗ trợ thêm từ nguồn xã hội hóa 10 triệu đồng.
Trận mưa lớn kèm theo gió to ở Hà Nội khiến nhiều cây xanh bị gãy đổ, đè lên hàng loạt ô tô
Sau nhiều ngày nắng nóng, oi bức, khoảng 18h30' ngày 16/6, nhiều nơi ở Hà Nội có mưa dông lớn. Nhiều khu vực như Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Thanh Trì, Thường Tín xảy ra mưa to kèm dông lốc khiến hàng loạt cây xanh gãy đổ, giao thông bị ách tắc.
Tại đường Nguyễn Phan Chánh, phố Kim Giang, gió lớn đã khiến nhiều cây xanh gãy đổ chắn ngang đường, gây ùn tắc giao thông. Một chiếc ô tô đỗ trên vỉa hè của tuyến đường này bị một cây si lớn đổ đè lên toàn bộ phần thân xe. Trận mưa dông khiến nhiều cây xanh ở khu vực Linh Đàm bị gãy đổ, 4 ô tô bị hư hỏng nặng.
Đây không phải lần đầu tiên cây xanh bị gãy đổ sau mưa lớn tại Hà Nội. Vào cuối tháng 4 vừa qua, trận mưa đá, giông lốc đã làm hơn 70 cây xanh bị bật gốc. Nhiều xe máy, ô tô đỗ ở vỉa hè, lòng đường bị hư hại do cây xanh ngã đè.
Những hiện tượng thời tiết cực đoan thời gian gần đây là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng cây gãy đổ. Tuy nhiên, ngoài nguyên nhân khách quan do thời tiết, nhiều người vẫn băn khoăn lý do khiến nhiều cây to bị gãy đổ liệu có phải do việc trồng và chăm sóc còn bất cập?
Tại Hà Nội, cây xanh bị treo biển quảng cáo, quấn đèn led chằng chịt, bị đóng đinh sắt hay thậm chí bị cắt ngang bởi một miếng tôn sắt, đổ bê tông kín gốc cây không phải là chuyện hiếm. Cây xanh trước cửa nhà ai thì gần như được mặc định là cây thuộc quyền sở hữu của nhà đó.
Ông Lê Huy Cường - Chuyên gia Lâm nghiệp, Hội Bảo vệ Thiên nhiên Môi trường Việt Nam cho hay: "Các đinh đóng vào cây xanh không phải là đinh nhỏ mà rất lớn, khi vào thớ gỗ ảnh hưởng đến mạch hút chất dinh dưỡng để nuôi cây. Điều này có thể khiến cây bị sâu mọt, nấm, nhất là những loại sâu, xén tóc dễ xâm nhập vào thân cây. Và khi các hộ dân treo đèn led quấn xung quanh thân cây cũng rất ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây. Bởi đèn led dù năng lượng rất thấp nhưng vẫn tỏa ra nhiệt và nhiệt đó ảnh hưởng đến hệ thống mạch quanh thân cây. Đó là chưa kể, nhiều cây xanh của Hà Nội được trồng khi đã tương đối lớn, bị chặt rễ và đốn cành, ngọn. Quá trình đô thị hóa cũng khiến không gian sống của cây xanh bị thu hẹp, gốc rễ cây bị xâm hại, dẫn đến việc nhiều cây phát triển không đều, cong vẹo, lệch tán dễ gãy đổ".
Đặc biệt, do hệ thống hạ tầng kỹ thuật chưa hoàn thiện, nhiều tuyến phố vỉa hè chưa đồng bộ vẫn phải thực hiện công tác cải tạo ngoài vỉa hè; hệ thống cáp thông tin, hệ thống viễn thông và các công trình hạ tầng khác như hệ thống ngầm, nổi là những yếu tố ảnh hưởng tới sự sinh trưởng và phát triển của hệ thống cây xanh. Đây là những vấn đề cốt lõi gây tác động xấu đến sự phát triển chung của hệ thống của cây xanh đô thị.
Thực tế, trước mùa mưa bão hàng năm, các công ty công viên cây xanh đều lập kế hoạch cắt tỉa cây xanh nhằm hạn chế tình trạng gãy đổ, cũng như khuyến cáo người dân không ra đường khi trời mưa gió, nhưng tình trạng cây gãy đổ vẫn xảy ra, gây ra những hậu quả đáng tiếc. Do vậy, về lâu dài, việc xử lý, khắc phục liên quan đến sự cố cây xanh ngày càng đòi hỏi chuyên nghiệp hơn, quy định trách nhiệm rõ hơn và bảo hiểm cây xanh là mô hình phù hợp.