Làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm vi phạm
Công tác quản lý bị buông lỏng, trách nhiệm của chính quyền cơ sở và chủ rừng chưa cao, xử lý vi phạm chưa kiên quyết, chế tài xử phạt thiếu tính răn đe khiến nhiều cánh rừng ở Lâm Đồng liên tục bị 'bức tử'...
Liên tiếp xảy ra các vụ phá rừng
Có mặt tại Tiểu khu 292 thuộc địa bàn xã Tân Thanh (huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng), chúng tôi thấy trên diện tích hơn 10ha, gần 3.500 cây thông có tuổi đời gần 20 năm, đường kính 30-40cm chết đứng, không thể cứu chữa, phục hồi. Tất cả đều bị hủy hoại bằng một phương thức giống nhau: Dùng thiết bị khoan vào thân, sau đó bơm thuốc diệt cỏ khiến cây rụng lá và chết khô.
Ngày 8-5, Văn phòng Chính phủ có thông báo truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu kiểm tra, xử lý và báo cáo thông tin vụ việc. Ngày 9-5, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng đến hiện trường kiểm tra, chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp với chính quyền và chủ rừng khẩn trương phối hợp điều tra, xác định thủ phạm vụ phá rừng. Ngày 15-5, công an địa phương đã khởi tố vụ án và triệu tập một số đối tượng có liên quan để làm rõ vụ việc.
Trong khi địa phương đang tập trung giải quyết vụ phá rừng nghiêm trọng xảy ra tại Tiểu khu 292 thì ngày 14-5, cũng tại huyện Lâm Hà, lực lượng chức năng lại phát hiện một vụ phá rừng tại Tiểu khu 263B. Ông Trần Minh Đăng, cán bộ quản lý bảo vệ rừng địa bàn cho biết: “Vụ phá rừng xảy ra lúc 2 giờ sáng. Khi nghe tiếng máy cưa, các hộ nhận khoán quản lý bảo vệ rừng chạy đến nhưng những kẻ phá rừng đã rời đi. Tại hiện trường, có 7 cây thông bị đốn hạ”.
Ngày 15-5, cơ quan chức năng tiếp tục phát hiện hàng chục cây thông tại khu vực đồi Robin, phường 3, TP Đà Lạt bị các đối tượng đầu độc chết khô. Dưới cánh rừng vừa bị hủy hoại, các đối tượng ngang nhiên tiến hành san ủi, xây dựng tường bao, bờ kè, làm nhà ở.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, năm 2018, toàn tỉnh xảy ra 900 vụ vi phạm lâm luật, trong đó phá rừng trái phép là 265 vụ, tăng 6,85% so với cùng kỳ năm 2017, diện tích rừng bị phá 62,4ha. Riêng 4 tháng đầu năm 2019, trên địa bàn tỉnh xảy ra 213 vụ vi phạm lâm luật, thiệt hại 20,6ha rừng. Nhiều địa phương thời gian qua liên tục trở thành “điểm nóng” của nạn phá rừng, như: Bảo Lâm, Lâm Hà, Di Linh, TP Đà Lạt.
Cần giải pháp khả thi
Nếu như ở các địa phương khác hành vi phá rừng chủ yếu là để khai thác lâm sản thì tại Lâm Đồng, mục đích chính là để lấn chiếm đất đai. Thời gian gần đây, giá đất tại Lâm Đồng tăng cao, làm gia tăng hành vi chiếm dụng đất trái phép để mua bán, trao đổi. Số lượng, quy mô, tính chất các vụ phá rừng càng trở nên phức tạp. Để lấn chiếm đất rừng, các đối tượng thường “phá trắng” trên một diện tích lớn khiến rừng rất khó phục hồi. Thủ đoạn của các đối tượng thường là đốt rừng; khoan cắt vào hàng loạt thân cây, sau đó đổ a-xít, thuốc diệt cỏ vào vết khoan, vết cắt để cây nhiễm độc chết. Rừng chết tới đâu, chúng tiến hành xóa dấu vết, san ủi, trồng cà phê, hoa màu, xây dựng công trình tới đó. Nhiều đối tượng chủ mưu không trực tiếp phá rừng mà đứng đằng sau xúi giục hoặc bỏ tiền ra thuê người địa phương thực hiện, sau đó mua lại đất và lâm sản. Khi bị phát hiện, các đối tượng chống trả lực lượng chức năng rất quyết liệt.
Lâm Đồng hiện có khoảng 530.000ha rừng, trong đó diện tích thực hiện giao khoán bảo vệ là 395.000ha, cho 16.692 hộ gia đình; có 327 doanh nghiệp thuê rừng với tổng diện tích là 57.084ha. Chủ trương giao đất, giao rừng cho người dân và doanh nghiệp là đúng nhưng quá trình thực hiện nảy sinh nhiều bất cập. Nhiều hộ thiếu lao động hoặc chỉ có người già yếu nhưng vẫn được giao đất, giao rừng dẫn tới không có khả năng quản lý, bảo vệ; mức tiền giao khoán thấp, chưa khuyến khích được người dân tích cực bảo vệ rừng. Nhiều cánh rừng sau một thời gian giao khoán đã biến thành vườn cà phê, vườn rau. Nhiều doanh nghiệp thuê đất, thuê rừng làm dự án nhưng không đủ năng lực thực hiện, không triển khai hoặc triển khai chậm, không thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ, để xảy ra tình trạng phá rừng, khai thác lâm sản trái phép, lấn chiếm, tranh chấp đất đai. Từ năm 2017 đến nay, địa phương đã phải thu hồi 181 dự án với diện tích 26.278ha.
Một nguyên nhân khác là chế tài xử phạt còn nhẹ. Theo ông Nguyễn Khang Thiên, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng, khi phát hiện các vụ phá rừng, nếu chưa tới mức xử lý hình sự thì đơn vị sẽ ra quyết định xử phạt hành chính. Tuy nhiên, mức phạt này hiện rất nhẹ, không đủ tính răn đe, khiến các đối tượng “nhờn luật” và "vô tư" tái phạm.
Ông Phạm S, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho rằng: “Để xảy ra phá rừng trách nhiệm trước hết thuộc về chủ rừng, lực lượng kiểm lâm, cán bộ lâm nghiệp và chính quyền cơ sở. Vì thế bên cạnh việc điều tra, xử lý các đối tượng phá rừng, thời gian tới, tỉnh sẽ làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân liên quan trong việc xảy ra vi phạm”.
Tình trạng phá rừng liên tục tái diễn thời gian qua khiến diện tích rừng tại Lâm Đồng suy giảm, gây bức xúc trong dư luận. Để khắc phục triệt để tình trạng này, thiết nghĩ, cấp ủy, chính quyền và các cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng cần nghiêm túc nhận rõ bất cập, khuyết điểm trong công tác bảo vệ rừng và có giải pháp khả thi, triệt để hơn. Bên cạnh đó, các bộ, ngành Trung ương cũng cần nghiên cứu, điều chỉnh cơ chế, chính sách, đặc biệt là chế tài xử phạt nhằm nâng cao hiệu quả giữ rừng.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/lam-ro-trach-nhiem-xu-ly-nghiem-vi-pham-576328