Làm rõ việc để cơ sở băm dăm tự ý hoạt động trở lại trái phép
Tại xã Lương Sơn, huyện Thường Xuân (Thanh Hóa) có nhiều xưởng băm keo trái phép, không có thủ tục pháp lý đúng quy định. Mặc dù lực lượng chức năng phát hiện, xử phạt và yêu cầu các cơ sở hoàn thiện thủ tục cần thiết để hoạt động trở lại nhưng nhiều cơ sở không chấp hành. Đặc biệt, có nơi chính quyền không quyết liệt, làm ngơ để cơ sở băm keo tự ý mở niêm phong hoạt động trái phép trở lại?
Tự ý bóc niêm phong hoạt động lại
Sản xuất kinh doanh chưa đúng mục đích sử dụng đất; tự ý xây dựng xưởng chế biến gỗ và lắp máy móc, thiết bị băm dăm hoạt động rầm rộ khi chưa làm thủ tục đăng ký… Với những sai phạm trên, hộ ông Nguyễn Đình Tứ ở xã Lương Sơn, huyện Thường Xuân bị chính quyền xã, huyện lập biên bản, niêm phong máy móc, thiết bị, yêu cầu dừng hoạt động cho đến khi hoàn thiện thủ tục theo quy định.
Sau 2 tháng bị niêm phong, UBND xã Lương Sơn nhận được đơn hộ ông Nguyễn Đình Tứ đề nghị được mở niêm phong để bảo dưỡng máy móc. Mặc dù chưa được xã, huyện chấp thuận đề nghị, tuy nhiên, đến ngày 21/11, đoàn kiểm tra của xã do Phó Chủ tịch xã làm trưởng đoàn xuống kiểm tra tình hình sản xuất kinh doanh của hộ ông Nguyễn Đình Tứ phát hiện gia đình tự ý mở niêm phong và ngang nhiên hoạt động băm keo trở lại từ ngày 20/11/2024.
Theo ghi nhận của phóng viên, ngày 27/12, xưởng băm keo của gia đình ông Tứ nằm ngay mặt đường giao thông liên xã, cách UBND xã Lương Sơn 300m. Khu sản xuất không có rào chắn hay biển báo. Bên trong, gỗ keo chất thành đống, hàng chục công nhân không có bảo hộ lao động điều khiển máy móc và băm keo rầm rộ. Hàng chục tấn dăm sau khi được băm tràn ra vệ đường chờ xe đến chở đi nhập… Hành vi này không chỉ gây ảnh hưởng đến môi trường mà còn tiềm ẩn nguy cơ thất thoát nguồn thu thuế từ đất.
Trao đổi với phóng viên, ông Quách Thế Thuận, Trưởng phòng Kinh tế Hạ tầng huyện Thường Xuân cho biết, chủ trương của UBND huyện sẽ xử lý nghiêm và yêu cầu hộ ông Nguyễn Đình Tứ dừng hoạt động đến khi có hướng dẫn mới của tỉnh. Đồng thời, yêu cầu hướng dẫn hộ ông Tứ hoàn thiện thủ tục pháp lý để được hoạt động lại.
Theo tìm hiểu của phóng viên, dây chuyền băm dăm keo của ông Nguyễn Đình Tứ đưa vào hoạt động từ tháng 3/2024. Trước thời điểm này, UBND tỉnh Thanh Hóa đang chỉ đạo Sở, ngành liên quan và các huyện rà soát, quyết liệt xử lý cơ sở băm dăm keo trái phép trên địa bàn.
Nói về trách nhiệm chính quyền cơ sở, ông Lương Xuân Thiêm, Chủ tịch UBND xã Lương Sơn thừa nhận sự buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương để các cơ sở băm dăm keo xây dựng và hoạt động trái phép. Trường hợp cơ sở băm dăm keo của hộ ông Nguyễn Đình Tứ tự ý mở niêm phong hoạt động trở lại, UBND xã đã có văn bản báo cáo UBND huyện và đang chờ chỉ đạo để xử lý. Hộ ông Tứ cho rằng tháo niêm phong để bảo dưỡng máy.
Tuy nhiên, người dân ở gần đó cho biết, hệ thống dây chuyền băm dăm keo của hộ ông Nguyễn Đình Tứ đã hoạt động băm dăm keo nhiều ngày nay và có nhiều xe ô tô đến chở dăm keo đi.
Ngày 21/11, UBND xã Lương Sơn gửi Văn bản số 207 báo cáo huyện về việc cơ sở băm dăm ông Tứ tự tháo niêm phong hoạt động trở lại nhưng đến ngày 19/12, UBND huyện Thường Xuân mới có văn bản số 4931 chỉ đạo giải quyết.
“Trên” chỉ đạo quyết liệt, “dưới” thực hiện thờ ơ
Trước hành vi thách thức pháp luật tự tháo niêm phong hoạt động công khai băm dăm keo trở lại của hộ ông Nguyễn Đình Tứ, ngày 19/12/2024, UBND huyện Thường Xuân đã có văn bản số 4931/UBND-KTHT đề nghị hộ kinh doanh Nguyễn Đình Tứ tạm ngừng hoạt động cho đến khi hoàn thiện xong mọi thủ tục theo đúng quy định.
Huyện yêu cầu UBND xã Lương Sơn lập biên bản, tiếp tục niêm phong máy móc, thiết bị của hộ ông Tứ dùng sản xuất băm dăm không đúng quy định pháp luật; đồng thời theo dõi, quản lý việc chấp hành tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh băm dăm của hộ kinh doanh ông Tứ.
Với văn bản chỉ đạo của UBND huyện Thường Xuân, xã Lương Sơn hoàn toàn có đủ chế tài để xử lý vi phạm và cưỡng chế yêu cầu hộ kinh doanh chấp hành. Tuy nhiên, ngoài Thông báo số 87/TB-UBND ngày 27/12/2024 về việc yêu cầu tạm ngừng hoạt động bảo đảm của cơ sở ông Nguyễn Đình Tứ thì chính quyền xã chưa có động thái xử lý tiếp theo.
Khi được hỏi tại sao UBND xã không tổ chức niêm phong lại dây chuyền băm dăm của ông Tứ theo văn bản chỉ đạo của huyện, ông Lương Xuân Thiêm trả lời lặp đi lặp lại “chờ xin ý kiến của huyện”? Trong khi đó, cơ sở băm dăm keo của ông Nguyễn Đình Tứ vẫn ngang nhiên hoạt động nhộn nhịp như chưa từng bị kiểm tra, xử lý, bất chấp tất cả mọi "lệnh cấm” của chính quyền địa phương.
Trao đổi về vấn đề này, ông Lương Xuân Thiêm, Chủ tịch UBND xã thừa nhận mặc dù có văn bản chỉ đạo của UBND huyện nhưng đến nay xã không thể xử lý vi phạm của hộ ông Tứ.
Hành vi thách thức, coi thường pháp luật của hộ kinh doanh Nguyễn Đình Tứ phải chăng bắt nguồn từ sự vào cuộc, xử lý “nửa vời”, không kiên quyết của các cấp chính quyền từ xã đến huyện?
Theo thống kế của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa, tại tỉnh có hơn 100 cơ sở băm dăm, chế biến gỗ và lâm sản hoạt động không đúng quy định (quy hoạch, đất đai, bảo vệ môi trường, phòng cháy chữa cháy…).
Trước thực trạng trên, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã có văn bản số 5022 CV/VPTU ngày 10/5/2024 về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý, xử lý các cơ sở thu mua, chế biến gỗ keo tự phát trên địa bàn.
Tỉnh ủy Thanh Hóa giao ban Thường vụ Huyện ủy các địa phương có cơ sở chế biến gỗ keo khẩn trương làm rõ và xử lý nghiêm tập thể, cá nhân thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, để các cơ sở thu mua, chế biến gỗ keo tự phát hoạt động trái phép vi phạm quy định của pháp luật mà không có biện pháp xử lý kịp thời, hiệu quả. Địa phương nào thực hiện không nghiêm túc, để tái diễn hành vi vi phạm, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện phải chịu trách nhiệm.
Hy vọng trước sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, tình trạng trên sẽ được dẹp bỏ. Cùng với đó, những người đứng đầu các cấp chính quyền từ huyện đến xã, thị trấn sẽ phải chịu trách nhiệm, nhận kỷ luật nếu lơ là, quan liêu dẫn đến không hoàn thành nhiệm vụ…