Làm rõ việc nghi khai thác cổ vật trái phép dưới đáy biển ở Quảng Ngãi
Ngày 19/5, Huyện ủy Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi đã có chỉ đạo hỏa tốc liên quan đến việc nghi khai thác cổ vật trái phép ở địa bàn xã Bình Hải.
Theo đó, thời gian qua lực lượng chức năng liên tục phát hiện một số ngư dân dùng tàu cá, trang thiết bị, hoạt động không đúng ngành nghề và thu giữ nhiều hiện vật khi đang ở trên vùng biển xã Bình Hải.
Đơn cử, vào khoảng 17 giờ ngày 17/5, trong lúc làm nhiệm vụ trên biển, lực lượng tuần tra Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Quảng Ngãi và các đơn vị nghiệp vụ trực thuộc phát hiện tàu cá BĐ 10546 TS cách mũi Gành Yến thuộc thôn Thanh Thủy (xã Bình Hải) khoảng 3 hải lý về hướng Đông Bắc, có dấu hiệu hoạt động không đúng ngành nghề.
Tàu cá này do ông Nguyễn Văn Triển (42 tuổi, trú ở huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) làm thuyền trưởng, trên tàu có 8 lao động.
Tiến hành kiểm tra phương tiện, lực lượng tuần tra phát hiện tàu cá BĐ 10546 TS cất giấu 33 đĩa gốm sứ, đường kính khoảng 20cm và 7 tô (bát) đường kính khoảng 15cm trong các khoang tàu.
Làm việc với lực lượng tuần tra, thuyền trưởng Nguyễn Văn Triển khai báo số hiện vật này do các ngư dân trên tàu khai thác tại vùng biển thuộc xã Bình Hải.
Nhận định tàu cá BĐ 10546 TS có dấu hiệu khai thác cổ vật trái phép, lực lượng tuần tra tiến hành kiểm đếm, lập biên bản niêm phong và tạm giữ toàn bộ đồ vật để phối hợp với cơ quan chức năng xác minh điều tra, làm rõ.
Ngoài ra, vào sáng cùng ngày 17/5, Đồn Biên phòng Bình Hải cũng đã phát hiện một nhóm tàu cá của ngư dân trong và ngoài tỉnh Quảng Ngãi vây quanh khu vực biển nói trên, sử dụng máy nén khí, dây hơi lặn khai thác cổ vật, gây mất an ninh trật tự trên vùng biển ven bờ.
Trước sự việc trên, ông Đỗ Thiết Khiêm, Phó Bí thư Huyện ủy Bình Sơn đã có chỉ đạo hỏa tốc nhằm chấn chỉnh cũng như bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn.
Phó Bí thư Huyện ủy Bình Sơn giao UBND huyện Bình Sơn chỉ đạo phòng, ban chuyên môn liên quan thông tin rộng rãi đến người dân quy định của pháp luật về việc xác lập quyền sở hữu đối với tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm được tìm thấy.
Đồng thời, phối hợp xác minh, làm rõ các đối tượng có dấu hiệu hoạt động thăm dò, khai thác cổ vật trái phép, có biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự khu vực diễn ra hoạt động nghi khai thác cổ vật trái phép, xử lý nghiêm các trường hợp khai thác và trục vớt cổ vật trái phép.
Cũng liên quan vụ việc, Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi- Phó giám đốc Bảo tàng Tổng hợp Quảng Ngãi nhận định, nhiều khả năng nhóm ngư dân Bình Định lặn trục vớt dĩa, bát gốm sứ từ một tàu cổ chìm ở vùng biển gần bờ Bình Hải.
Đáng chú ý, đây không phải lần đầu tiên trên vùng biển huyện Bình Sơn xảy ra tình trạng này. Trong những năm 2012-2013, hàng trăm ngư dân làng chài Bình Châu (huyện Bình Sơn) đưa tàu, máy hút cát đổ xô ra biển trục vớt cổ vật trái phép.
Quá trình khảo sát, các chuyên gia nhận định trong phạm vi 10km2 ở eo biển Vũng Tàu, xã Bình Châu (huyện Bình Sơn) ghi nhận 10 tàu cổ đắm. Trong đó, 2 con tàu đã được khai quật, số tàu còn lại có nhiều cổ vật gốm sứ, vật dụng thủy thủ đoàn được xác định với nhiều niên đại khác nhau từ thế kỷ VIII đến XVIII nằm ở gần bờ.
"Sau nhiều năm khảo sát, nghiên cứu, nhiều nhà khảo cổ học Việt Nam đưa ra nhận định, việc phát hiện nhiều tàu cổ chìm ở vùng biển ven bờ Quảng Ngãi đã minh chứng, thuở xưa, những khu vực này từng là điểm giao thương sầm uất, giữ vai trò thương mại quan trọng của khu vực châu Á"- ông Khôi thông tin.