Làm rõ vụ thiếu úy tử vong vì uống nhầm ma túy
Sau khi đã bắt những người mua bán ma túy, Thiếu úy Đạt uống nhầm ca nước có chứa dung dịch ma túy rồi tử vong.
Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế vừa có văn bản đề nghị giám đốc Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long chỉ đạo BV đa khoa tỉnh khẩn trương xác định trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan đến việc cấp cứu Thiếu úy Nguyễn Đức Đạt vào đêm 13-7. Báo cáo về Bộ trước ngày 23-8.
Hiện gia đình đang bức xúc, cho là BV đa khoa Vĩnh Long thiếu trách nhiệm, không cấp cứu cho bệnh nhân làm anh Đạt tử vong.
Uống nhầm ca nước ma túy
Tối 13-7, Thiếu úy Đạt (thuộc Đội CSĐT TP về kinh tế-ma túy Công an huyện Long Hồ, Vĩnh Long) cùng đồng đội vây bắt các đối tượng ma túy tại một căn nhà thuộc xã Long Phước.
Sau khi bắt được các đối tượng, anh Đạt khát và uống một ca nước tại nhà người dân ở hiện trường.
Sau đó, anh không điều khiển được hành vi nên yêu cầu đồng đội còng tay mình lại và thông báo cho người nhà.
Ngay sau đó, anh được đưa vào BV đa khoa tỉnh Vĩnh Long cấp cứu nhưng bác sĩ nơi đây đề nghị đưa anh sang BV Tâm thần.
Tại BV Tâm thần, dù các bác sĩ tích cực cứu chữa nhưng anh đã tử vong.
Kết quả khám nghiệm pháp y của Công an tỉnh Vĩnh Long cho thấy anh Đạt tử vong do ngộ độc chất ma túy là loại methamphetamine (ma túy đá có trong ca nước anh Đạt uống), thể tích 500 ml, khối lượng methamphetamine trong 500 ml là hơn 10 g.
Người nhà cho rằng Thiếu úy Đạt tử vong là do sự tắc trách của phía BV đa khoa Vĩnh Long, không cấp cứu kịp thời cho bệnh nhân.
Bà Trần Thị Xuân Tươi (mẹ Thiếu úy Đạt) kể: “Khi gia đình tôi đưa Đạt đến cấp cứu ở BV đa khoa tỉnh Vĩnh Long, BS Nguyễn Phong Tuấn trong phòng bước ra nói ca này phải đưa qua BV Tâm thần. Chúng tôi đã năn nỉ nhưng ông Tuấn không nói gì mà bước vào phòng đóng cửa lại. Con tôi chết tức tưởi là do sự thờ ơ và nhẫn tâm của bác sĩ”.
Bệnh viện nói gì khi bị tố tắc trách
Giải thích về lý do không tiếp nhận điều trị cho anh Đạt, BV đa khoa cho rằng là do bác sĩ nhận thấy đây là tình trạng cấp cứu tâm thần, cần được chuyên khoa điều trị.
Theo báo cáo của BV đa khoa, sau khi tiếp nhận, điều dưỡng cố định tay bệnh nhân vào giường, bác sĩ trực nhận định đây là một tình trạng rối loạn hành vi, biểu hiện của bệnh lý tâm thần cấp tính nên đề nghị đưa bệnh nhân đến BV Tâm thần tỉnh để được điều trị chuyên khoa. Sau đó bác sĩ vào phòng định viết giấy chuyển viện thì bệnh nhân tự đứng dậy, rời khỏi BV cùng với người nhà.
Khi đến BV Tâm thần, các bác sĩ không cứu kịp…
Ông Trần Văn Út, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long, cho biết: Sở đã thành lập đoàn kiểm tra lại toàn bộ quy trình khám, chữa bệnh của BV đa khoa tỉnh Vĩnh Long và BV Tâm thần. Đồng thời đề nghị Phòng Cảnh sát hình sự cung cấp kết quả pháp y chi tiết của nạn nhân Nguyễn Đức Đạt.
• Các hành vi bị cấm: Từ chối hoặc cố ý chậm cấp cứu người bệnh.
• Quyền từ chối khám bệnh, chữa bệnh: Được từ chối khám bệnh, chữa bệnh nếu trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh mà tiên lượng bệnh vượt quá khả năng hoặc trái với phạm vi hoạt động chuyên môn của mình nhưng phải báo cáo với người có thẩm quyền hoặc giới thiệu người bệnh đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác để giải quyết. Trong trường hợp này, người hành nghề vẫn phải thực hiện việc sơ cứu, cấp cứu, theo dõi, chăm sóc, điều trị người bệnh cho đến khi người bệnh được chuyển đi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác.
Theo Điều 6, 32 Luật Khám chữa bệnh
Nói về quy trình cấp cứu, ông Út cho rằng “Về nguyên tắc, ở tất cả BV, khi bệnh nhân vào cấp cứu, các bác sĩ phải thực hiện các biện pháp cấp cứu, khi nào bệnh nhân ổn định thì sẽ chuyển đến chuyên khoa hoặc chuyển viện. Quan điểm của tôi là không bao che ai và sẽ xử lý nghiêm nếu xảy ra sai phạm”.
Cũng theo ông Út, Sở Y tế đã có văn bản chỉ đạo BV đa khoa tỉnh và BV Tâm thần tỉnh tổ chức họp hội đồng chuyên môn BV, gửi các tài liệu liên quan về phòng Nghiệp vụ y Sở Y tế trước ngày 18-8.
Để có cơ sở khách quan, Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long mời ban giám đốc BV Chợ Rẫy và ban giám đốc BV Tâm thần Trung ương 2 hỗ trợ nhân sự họp hội đồng chuyên môn đánh giá lại tình hình để làm rõ quy trình cấp cứu đối với bệnh nhân.
Theo một bác sĩ khoa Hồi sức tích cực chống độc của một BV tại TP.HCM, methamphetamine là một chất kích thích có trong ma túy đá. Khi sử dụng quá liều sẽ gây ngộ độc. Các biểu hiện ngộ độc là loạn thần, rối loạn tri giác, không kiểm soát hành vi, hoạt động không tự chủ, bứt rứt khó chịu, suy hô hấp, co thắt phổi dẫn đến tử vong. Tuy nhiên, việc điều trị khá thụ động và chủ yếu là hồi sức vì không có thuốc điều trị đặc hiệu mà chỉ điều trị theo triệu chứng, tùy theo mức độ ngộ độc. Chẳng hạn bệnh nhân khó thở, tím tái thì phải can thiệp thở máy.
Tùy theo cơ địa, sự hấp thu của mỗi người mà có thể cùng một lượng tinh chất ma túy đá đưa vào người mà có mức ngộ độc khác nhau. Khi có những biểu hiện ngộ độc, cần đến các cơ sở y tế gần nhất, tùy theo mức độ ngộ độc mà bệnh nhân sẽ được cấp cứu tại chỗ hay đưa tới các BV lớn, có khả năng cấp cứu hồi sức tốt hơn.
Tuy nhiên, các bác sĩ chưa có kinh nghiệm về hồi sức cấp cứu chống độc rất dễ bỏ sót, nhầm lẫn với rối loạn tâm thần khi thấy bệnh nhân có biểu hiện la hét kích động bất thường. Ngộ độc ma túy đá thường diễn biến rất nhanh, bác sĩ có kinh nghiệm mới xử lý tốt.
Nguồn PLO: http://plo.vn/thoi-su/lam-ro-vu-thieu-uy-tu-vong-vi-uong-nham-ma-tuy-787782.html