Làm sạch lông vịt bằng dung dịch 'lạ': Mối nguy với sức khỏe người tiêu dùng

Nhiều điểm giết mổ gà, vịt thuê ở chợ Yên Thế (TP. Pleiku) thường xuyên sử dụng một loại dung dịch 'lạ' để nhổ lông vịt. Theo cơ quan chức năng, đây là nguy cơ tiềm ẩn mất vệ sinh an toàn thực phẩm, đe dọa sức khỏe người tiêu dùng.

Nhổ lông vịt siêu tốc bằng dung dịch “lạ”

Thời gian gần đây, chúng tôi được nhiều người dân ở phường Yên Thế và các phường lân cận phản ánh về việc các điểm giết mổ gia cầm thuê tại chợ Yên Thế có dấu hiệu vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm. Đặc biệt, người dân phản ánh, thay vì làm lông vịt theo cách truyền thống thì các điểm giết mổ này lại nhúng vịt vào một dung dịch “lạ”, tiềm ẩn nguy hiểm đối với sức khỏe người tiêu dùng.

Vịt được nhúng trong dung dịch “lạ” trước khi làm sạch lông. Ảnh: G.N

Vịt được nhúng trong dung dịch “lạ” trước khi làm sạch lông. Ảnh: G.N

Để xác thực thông tin này, chúng tôi đã thâm nhập thực tế tại chợ Yên Thế. Tại đây có 5 điểm giết mổ gà, vịt thuê liền kề nhau. Giá giết mổ thuê là 15 ngàn đồng/con gà và 20 ngàn đồng/con vịt. Mỗi ngày, các điểm này giết mổ thuê hàng trăm con gia cầm. Những người giết mổ thuê đều nhúng gà, vịt qua nước sôi khoảng 60 độ C rồi bỏ vào lò quay điện để làm sạch lông. Đối với gà, việc làm lông khá dễ dàng. Tuy nhiên, đối với vịt thì khó khăn hơn nhiều do có nhiều lông măng nằm dưới da nên sau khi bỏ vào lò quay vẫn không hết. Nếu dùng tay nhổ theo phương pháp thủ công thì làm lông 1 con vịt tốn khá nhiều thời gian. Để giải bài toán này, những người giết mổ đã sử dụng một loại dung dịch “lạ”.

Tại điểm giết mổ gia cầm thuê của người đàn ông tên H., theo quan sát của chúng tôi, người này sau khi bỏ vịt vào lò quay điện thì tiếp tục nhúng vào một dung dịch sẫm màu, sau đó tráng qua nước lạnh để lớp dung dịch đông cứng lại. Tiếp đó, ông ta lột lớp dung dịch bao phủ quanh con vịt. Các sợi lông măng dưới da vịt theo đó sẽ hết sạch. Ở một số con vịt, khi lột lớp dung dịch này, không chỉ có lông mà da cũng bị bóc theo, để lộ rõ phần thịt.

Nhiều lần sau đó, chúng tôi mang vịt trở lại chợ Yên Thế để thuê giết mổ tại các điểm khác và đều ghi nhận tình trạng tương tự. Đáng chú ý, dung dịch “lạ” này chỉ được đựng trong các xoong nhôm cũ kỹ, không có tên nhãn hiệu và nguồn gốc xuất xứ. Ngoài ra, gia cầm sau khi giết mổ tại đây cũng bị vứt lăn lóc trên nền nhà, rất mất vệ sinh.

Theo chủ một quầy tạp hóa tại chợ Yên Thế, dung dịch “lạ” để làm lông vịt này là nhựa thông. Xung quanh chợ cũng có một số cửa hàng bán loại dung dịch này nhưng chỉ bán lén lút, hạn chế và hầu như chỉ để phục vụ người quen. Còn theo một chủ quầy tạp hóa khác, nhựa thông sẽ được trộn với dầu ăn và một số chất nữa để nhổ lông vịt. Theo lời giới thiệu của những người này, chúng tôi đã tìm đến các cửa hàng để hỏi mua nhựa thông làm lông vịt. Tuy nhiên, các chủ cửa hàng đều tỏ ra rất cảnh giác và khẳng định không bán loại dung dịch này.

Ngành chức năng sẽ vào cuộc kiểm tra

Sau khi xem những hình ảnh mà chúng tôi ghi được về việc các điểm giết mổ sử dụng dung dịch “lạ” để làm lông vịt, ông Dương Ngọc Thanh-Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh-cho biết: Năm 2016, trên địa bàn cả nước rộ lên hành vi nhuộm vàng, làm đẹp cho gà. Cục Quản lý chất lượng Nông-Lâm sản và Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và PTNT) đã có văn bản chỉ đạo liên quan đến vấn đề này. Tuy nhiên, qua kiểm tra thì cơ quan chức năng chưa phát hiện xảy ra hiện tượng này trên địa bàn tỉnh. Với những hình ảnh mà chúng tôi cung cấp, ông Thanh cho rằng, việc nhúng dung dịch “lạ” để làm lông vịt là bất thường và không đúng quy trình chung về giết mổ gia cầm. Tuy nhiên, để xác định đó là chất gì thì cơ quan chuyên môn phải vào cuộc lấy mẫu, kiểm tra. Theo ông Thanh, trách nhiệm kiểm tra, giám sát trong trường hợp này thuộc về Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thị xã, thành phố, Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh, Chi cục Quản lý chất lượng Nông-Lâm sản và Thủy sản tỉnh, lực lượng Quản lý Thị trường, Cảnh sát Môi trường…

Ảnh: G.N

Ảnh: G.N

Làm việc với chúng tôi, ông Lê Huy Toàn-Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông-Lâm sản và Thủy sản tỉnh lại cho rằng, căn cứ Quyết định số 1290/QĐ-BNN-TCCB ngày 17-4-2015 của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định phân công, phân cấp trong hoạt động kiểm tra, giám sát, thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm nông-lâm-thủy sản và Quyết định số 21/2017/QĐ-UBND ngày 5-6-2017 của UBND tỉnh thì quá trình giết mổ, sơ chế trong chuỗi thực phẩm nông sản có nguồn gốc động vật thuộc trách nhiệm quản lý của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh. Ông Toàn cho biết thêm: Những chất không có trong danh mục thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm được quy định tại Thông tư số 05/2018/TT-BYT của Bộ Y tế đều không được phép sử dụng. Nếu dung dịch “lạ” này là nhựa thông thì không có trong danh mục cho phép của Bộ Y tế nên dĩ nhiên không được phép sử dụng.

Về phía Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, ông Nguyễn Văn Đang-Chi cục trưởng-chia sẻ: Việc sử dụng chất “lạ” chưa được Bộ Y tế cho phép là sai quy định. Qua những hình ảnh mà chúng tôi cung cấp, ông Đang cho rằng chưa thể đánh giá được đây là chất gì mà phải tiến hành kiểm tra mới có kết luận cụ thể. Trường hợp đây là nhựa thông thì không được phép sử dụng theo quy định tại Thông tư số 05/2018/TT-BYT của Bộ Y tế. Nhiều người dân không ý thức được các hành vi vi phạm nên cơ quan chức năng cần tăng cường thông tin, tuyên truyền để họ biết và không vi phạm các quy định pháp luật. Ông Đang cũng khuyến cáo thêm: Việc sử dụng chất “lạ” trong giết mổ, sơ chế sẽ gây ra nhiều nguy cơ mất an toàn và ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Do đó, người dân chỉ nên sử dụng các chất được cơ quan nhà nước cho phép. “Chi cục sẽ tham mưu các sở, ban, ngành liên quan tiến hành kiểm tra, đánh giá và xử lý theo quy định. Mục tiêu hướng đến là bảo vệ tuyệt đối sức khỏe người tiêu dùng”-ông Đang nói.

GIA NGUYỄN

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/1625/201911/lam-sach-long-vit-bang-dung-dich-la-moi-nguy-voi-suc-khoe-nguoi-tieu-dung-5659401/