Làm sai, cơ quan thuế phải bồi thường

Đó là ý kiến của Luật sư Bùi Quang Nghiêm liên quan đến việc truy thu thuế hàng loạt doanh nghiệp của cơ quan thuế thời gian qua.

Luật sư Bùi Quang Nghiêm

Luật sư Bùi Quang Nghiêm

>> BMP, vì sao đến nỗi?

>> BMP bị truy thu 117 tỷ đồng thuế

>> “Ông lớn” xăng dầu không phục khi bị truy thu thuế

>> TP. HCM: Truy thu và phạt thuế hơn 16.000 tỷ đồng

>> Lo bị truy thu tiền tỷ, doanh nghiệp khiếu nại Tổng cục Thuế

Không riêng gì CTCP Nhựa Bình Minh (BMP), cơ quan thuế cho biết, sắp tới sẽ tiến hành thanh tra việc hưởng ưu đãi thuế ở nhiều DN và có thể sẽ còn nhiều DN niêm yết khác bị truy thu thuế tương tự như trường hợp của BMP. Luật sư Bùi Quang Nghiêm, Giám đốc điều hành Công ty Luật hợp danh Nghiêm & Chính cho rằng, nếu làm sai, cơ quan thuế phải bồi thường thiệt hại cho người nộp thuế.

Thưa ông, BMP có nên nộp toàn bộ số tiền theo quyết định truy thu và phạt của Cục Thuế TP. HCM, hay nên đợi đến khi Tổng cục Thuế có văn bản trả lời rõ ràng?

Điều 73.1 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định: “Trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt khiếu nại, khởi kiện đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì vẫn phải chấp hành quyết định xử phạt, trừ trường hợp quy định tại Khoản 3 Điều 15 của Luật này”.

Khoản 3, Điều 15 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định: “Trong quá trình giải quyết khiếu nại, khởi kiện, nếu xét thấy việc thi hành quyết định xử lý vi phạm hành chính bị khiếu nại, khởi kiện sẽ gây hậu quả khó khắc phục thì người giải quyết khiếu nại, khởi kiện phải ra quyết định tạm đình chỉ việc thi hành quyết định đó theo quy định của pháp luật.”

BMP đã khiếu nại quyết định trên, nhưng hiện tại vẫn chưa có quyết định tạm đình chỉ việc thi hành quyết định này. Căn cứ pháp luật như vừa nêu trên đây, Công ty phải nộp phạt trong thời hạn quy định.

Nhưng thực tế, các vụ khiếu nại hay khiếu kiện về thuế, nguyên đơn vẫn chờ quyết định của cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại hoặc quyết định có hiệu lực pháp luật của tòa án có thẩm quyền vì rằng, thường thì trong quyết định truy thu thuế có hai phần riêng biệt, truy thu và phạt.

BMP cho biết, họ làm đúng các hướng dẫn, thông báo của cơ quan thuế. Tuy nhiên, những văn bản này không phải là văn bản quy phạm pháp luật, nên có ý kiến cho rằng, Cục Thuế TP. HCM có cơ sở để ra quyết định truy thu và xử phạt, vì họ căn cứ vào các văn bản quy phạm pháp luật. Ý kiến của ông thế nào?

Đúng là phải dựa vào Luật ban hành Văn bản quy phạm pháp luật để xử lý. Theo đó, trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn, hay trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành mà có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản được ban hành sau.

Tổ chức, cá nhân chỉ bị xử phạt hành chính thuế khi có hành vi vi phạm pháp luật về thuế. Vi phạm hành chính là hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính (Điều 2.1 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012).

Nhưng nếu như vậy thì lỗi không phải ở BMP mà do cơ quan thuế giải thích sai, bất nhất giữa trước và sau, giữa Cục và Tổng cục?

BMP không có lỗi trong trường hợp này. Lỗi là ở việc giải thích, hướng dẫn thực hiện không thống nhất giữa Cục Thuế TP. HCM và Tổng cục Thuế. Do không có lỗi nên Nhựa Bình Minh không phải chịu xử phạt hành chính trong trường hợp này.

Với những thông tin có được, liệu BMP có vi phạm các quy định về thuế như nội dung quyết định của Cục Thuế TP. HCM?

BMP không có hành vi vi phạm. Tuy nhiên, lưu ý là việc truy thu thuế không phải lúc nào cũng xuất phát từ hành vi vi phạm pháp luật của đối tượng nộp thuế mà có thể là do nhầm lẫn hoặc thay đổi trong việc thực hiện chế độ miễn, giảm thuế.

Trách nhiệm của cơ quan quản lý thuế, công chức thuế trong trường hợp có vi phạm như thế nào, thưa ông?

Cơ quan quản lý thuế thực hiện không đúng quy định gây thiệt hại cho người nộp thuế thì phải bồi thường thiệt hại cho người nộp thuế theo quy định của pháp luật (Điều 112 Luật Quản lý thuế). Các trường hợp người nộp thuế kê khai thiếu thuế do thực hiện theo các văn bản hướng dẫn của cơ quan thuế thì cơ quan thuế phải xác định trách nhiệm của cơ quan thuế, công chức thuế có liên quan để xử lý (Công văn số 1071/TCT-CS ngày 2/4/2013 của Tổng cục Thuế).

Trao đổi với ĐTCK, bà Nguyễn Thị Kim Yến, Phó tổng giám đốc BMP cho biết, Công ty đã quyết định chấp hành quyết định xử lý của cơ quan thuế, nộp số tiền thuế bị truy thu xấp xỉ 75 tỷ đồng đúng thời hạn, mặc dù trước khi nộp, Công ty đã có văn bản đề nghị Cục Thuế TP. HCM tạm hoãn các khoản phải nộp cho đến khi có ý kiến của Tổng cục Thuế. “Chúng tôi vẫn chấp hành quyết định của cơ quan thuế. Tuy nhiên, chúng tôi nộp trước phần truy thu, còn phần phạt thì đang xin ý kiến Cục Thuế TP. HCM cho tạm hoãn, chờ đến khi có ý kiến của Tổng cục rồi tính”, bà Yến nói.

Bà Lê Thị Thu Hương

Phó cục trưởng Cục Thuế TP. HCM

BMP đã nộp phần truy thu, phần nộp phạt thì Cục Thuế cũng đang chờ ý kiến của Tổng cục nên cũng chưa bắt DN phải nộp ngay. Về phần truy thu, theo quy định thì DN vẫn phải nộp. Sau này, nếu Tổng cục có ý kiến cho DN được hưởng ưu đãi thuế niêm yết lần đầu trong 2 năm 2009 và 2010 thì số tiền DN đã nộp sẽ được trả lại.

Năm nay là thời điểm thanh tra thuế các DN. Sắp tới, chắc chắn sẽ gặp những trường hợp khác giống như BMP và đương nhiên, Cục Thuế sẽ vẫn thực hiện việc chế tài truy thu và xử phạt như đã áp dụng với DN này, trừ phi Tổng cục có ý kiến khác.

Đức Luận thực hiện./Đức Luận thực hiện.

Nguồn ĐTCK: http://tinnhanhchungkhoan.vn/GL/N/DAJGJC/lam-sai-co-quan-thue-phai-boi-thuong.html