Làm sai lệch hồ sơ vụ án có thể bị phạt tù tới 15 năm

Mới đây, ông Nguyễn Thế Trung, Phó Viện trưởng Viện KSND huyện Bạch Long Vỹ, Hải Phòng đã bị tạm đình chỉ công tác để phục vụ điều tra, do bị tình nghi có liên quan đến vụ án làm sai lệch hồ sơ xảy ra tại quận Đồ Sơn.

Ông Nguyễn Thế Trung nguyên là Phó Viện trưởng Viện KSND quận Đồ Sơn. Hiện Viện KSND TP Hải Phòng đã ra quyết định tạm đình chỉ công việc đối với ông Nguyễn Thế Trung. Thời hạn tạm đình chỉ là 15 ngày, kể từ 18/10. Vụ việc đang được Viện KSND Tối cao thụ lý điều tra.

Liên quan đến hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc, theo Luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn Luật sư Hà Nội, Điều 375 BLHS 2015 nêu rõ, điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký Tòa án, người khác có nhiệm vụ, quyền hạn trong hoạt động tư pháp, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự thêm, bớt, sửa đổi, đánh tráo, hủy hoặc làm hư hỏng tài liệu, vật chứng của vụ án, vụ việc hoặc bằng thủ đoạn khác nhằm làm sai lệch nội dung vụ án, vụ việc, thì bị phạt tù từ 1-5 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Có tổ chức; Dẫn đến việc giải quyết vụ án, vụ việc bị sai lệch; Gây thiệt hại từ 500 triệu đồng đến dưới 1tỷ đồng thì bị phạt tù từ 5-10 năm.

Phạm tội dẫn đến việc kết án oan người vô tội, bỏ lọt tội phạm hoặc người phạm tội; Làm người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người bị kết án, người phải chấp hành án, người bị hại, đương sự tự sát hoặc gây thiệt hại 1 tỷ đồng trở lên thì bị phạt tù từ 10-15 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, làm công việc nhất định từ 1-5 năm.

Cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao thực hiện lệnh bắt đối với cán bộ sai phạm

Cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao thực hiện lệnh bắt đối với cán bộ sai phạm

Về các yếu tố cấu thành tội phạm, Luật sư Hồng Vân cho rằng, về mặt khách quan có hành vi thêm (đưa thêm) các tài liệu vào hồ sơ vụ án, đưa thêm các vật chứng vào để xem xét cùng với các vật chứng khác (nếu có) trong vụ án.

Ngoài ra còn có hành vi bớt các tài liệu trong hồ sơ vụ án, lấy bớt vật chứng đã được thu thập hợp pháp trong vụ án; Hành vi sửa đổi tài liệu, vật chứng.

Bên cạnh đó, còn có hành vi đánh tráo tài liệu, vật chứng (làm mất vĩnh viễn hay mất một phần giá trị chứng minh của tài liệu, vật chứng của vụ án); Hủy, làm hư hỏng các tài liệu, vật chứng…

Có thể hiểu, làm sai lệch hồ sơ vụ án là làm cho nội dung của vụ án (hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình…) không phản ánh đúng sự thật khách quan hoặc khác đi so với những tài liệu và chứng cứ đã được thu thập trước đó.

Hậu quả của việc làm này là làm cho những đánh giá chứng cứ không chính xác và người có thẩm quyền trong tiến hành tố tụng có thể ra quyết định, phán quyết không chính xác.

Việc thực hiện các hành vi trên thường lén lút, không đúng với quy định về thủ tục tố tụng - Luật sư Hồng Vân nhấn mạnh.

Về khách thể, hành vi phạm tội đã xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan tiến hành tố tụng. Người phạm tội thực hiện tội phạm với lỗi cố ý. Mục đích nhằm làm sai lệch hồ sơ vụ án là dấu hiệu cấu thành cơ bản của tội này.

Chủ thể của tội phạm là chủ thể đặc biệt, gồm: Điều tra viên, Kiểm sát viên, Hội thẩm nhân dân và các nhân viên tư pháp khác (như Thư ký Tòa án, nhân viên văn thư của các cơ quan điều tra, kiểm sát… có nhiệm vụ quản lý hồ sơ vụ án), người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự - Luật sư Hồng Vân cho biết.

H.L

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/lam-sai-lech-ho-so-vu-an-co-the-bi-phat-tu-toi-15-nam-post485184.antd