Làm sao đẩy mạnh hoạt động văn hóa, giải trí cho thiếu nhi - tiếng nói từ chính các em
Ngày 15/8, hơn 55 đại biểu học sinh đến từ các quận, huyện trên địa bàn TP.HCM đã tham gia kỳ họp lần VI Hội đồng Trẻ em, đóng góp các ý kiến phát triển nhu cầu vui chơi, giải trí, năng khiếu cho thiếu nhi.
Thực hiện Đề án Hoạt động của Hội đồng trẻ em TP.HCM với 2 kỳ họp mỗi năm nhằm mục đích tạo môi trường giúp các bạn đội viên, thiếu nhi trao đổi ý kiến, thể hiện quyền tham gia của trẻ em về các vấn đề trẻ em quan tâm. Ban Thường vụ Thành Đoàn TP.HCM, đã tổ chức chương trình "Điều em muốn nói", giúp các em học sinh có thể đóng góp các ý kiến của mình, góp phần xây dựng các chương trình văn hóa, sân chơi phù hợp và đáp ứng đúng nhu cầu của học sinh.
Nhà thiếu nhi cần lắp đặt trang thiết bị đầy đủ, giáo viên hướng dẫn cần nhiệt tình hơn
Em Nguyễn Lê Tuấn Kiệt, đại biểu học sinh Huyện Bình Chánh (TP.HCM) phản ánh, hiện nay, nhiều nhà thiếu nhi trên địa bàn TP.HCM còn khá thiếu về trang thiết bị, các nhà thiếu nhi chủ yếu tập trung vào các lớp múa, nhảy, hát, trong khi đó những sân thể thao như bóng đá, bóng rổ, bóng chuyền, bơi lội, những khu vận động cho trẻ em thì còn khá ít.
Cần có sự kết nối, cọ xát, thi đua, tổ chức hội thao giữa các lớp, các câu lạc bộ đội, nhóm tại các nhà thiếu nhi, thúc đẩy các em nỗ lực tham gia vào các hoạt động phong trào, không chỉ ở nhà thiếu nhi mà còn cả các hoạt động tại trường lớp.
Việc đào tạo những giáo viên có tâm huyết, đồng hành với thiếu nhi trong việc phát triển năng khiếu cá nhân cũng rất quan trọng, nếu giáo viên chỉ đến dạy vì trách nhiệm, không nhiệt tình thì sẽ làm giảm hiệu quả trong việc phát triển năng khiếu cho các em.
Tổ chức nhiều hoạt động văn hóa dân gian, giúp thiếu nhi tìm hiểu về văn hóa truyền thống của dân tộc
Em Diệp Vĩnh San, đại biểu học sinh Quận 11 (TP.HCM), đóng góp ý kiến, "hiện tại đã có nhiều trường tổ chức các hoạt động văn hóa dân gian, nhưng việc giảng dạy âm nhạc dân tộc, nhạc cụ truyền thống thì chỉ có một số ít trường đã thực hiện điều này".
Việc tổ chức các hoạt động giới thiệu nhạc cụ dân tộc cũng thu hút được rất nhiều sự quan tâm từ học sinh, trong các tiết học ví dụ như âm nhạc hoặc mỹ thuật, thay vì quá nhàm chán với các bài học trong SGK, giáo viên có thể lồng ghép thêm vào các tiết học của mình bằng một số cách như cho các em học sinh nghe thêm nhiều bài hát dân ca, giới thiệu thêm về nhạc cụ truyền thống,...
Trong các tiết sinh hoạt, giáo viên cũng có thể biến giờ học này thành một buổi tìm hiểu về văn hóa dân gian, cho học sinh trình diễn các tiết mục âm nhạc, văn hóa, trực tiếp tham gia, trực tiếp trải nghiệm là một cách tiếp cận nhẹ nhàng, sinh động, truyền cảm hơn cho học sinh.
Những trò chơi như: Ô ăn quan, Rồng rắn lên mây,.. đa số học sinh đều biết, nhưng lại ít khi chơi cùng nhau tại sân trường. "Em mong muốn các trường sẽ tổ chức nhiều hơn các trò chơi dân gian, để các bạn có thể hiểu nhiều hơn về văn hóa dân tộc. Các buổi ngoại khóa nên cho học sinh đi tham quan Bảo tảng Di tích Lịch sử, Bảo tàng Văn hóa, qua đó, các bạn học sinh sẽ hiểu rõ hơn, có cái nhìn chân thực về văn hóa truyền thống của Việt Nam." - Em Diệp Vĩnh San cho biết.