Làm sao để giải quyết mâu thuẫn gia đình?
Gia đình có nhiều thế hệ, lại có những đứa con hư nên không khí luôn ngột ngạt với nhiều mâu thuẫn đan xen. Giải quyết thế nào cho ổn thỏa là điều khó.
Cô gái đã gửi câu chuyện với vô vàn rắc rối của gia đình mình để nhờ thính giả và chương trình "Bạn hãy nói với chúng tôi" - VOV2 gỡ rối. Sau đây là chia sẻ của biên tập viên chương trình gửi đến nhân vật:
Trong xã hội ngày nay, bên cạnh mô hình gia đình hạt nhân đang chiếm ưu thế, thì mô hình những gia đình tam, tứ đại đồng đường cũng không phải là hiếm. Trong ngôi nhà của em, chẳng những có nhiều thế hệ cùng chung sống mà còn phức tạp hơn ở chỗ bên cạnh những người cùng dòng máu, thì lại có những người không chung dòng máu, nhưng lại được bao bọc, nuôi nấng suốt bao nhiêu năm. Nghe em kể chuyện, tôi thấy các thế hệ trong gia đình em đều là những người tốt. Bố mẹ em thì quá là nhân hậu. Bà nội em có vẻ khó tính nhưng thực ra cũng là người yêu thương con cháu.
Tôi cho rằng: bà khó chịu, cấm cảu cũng chỉ vì những bực dọc trong người không được giải thoát và cảm thấy mình bất lực, không có tiếng nói gì trong gia đình mà thôi. Thường thì tâm lý người già dễ tự ái, nhất là trong hoàn cảnh những gì họ nói đều bị con cái cãi phăng. Người già cần được sự tôn trọng không những bởi kinh nghiệm sống mà còn quan trọng là tôn ti trật tự, nề nếp gia phong. Bởi thế, nếu ý kiến của bà mà không hợp lý cũng cần biết lắng nghe, lựa chọn thời gian để phân tích thấu đáo, bởi suy cho cùng, sự góp ý của bà cũng vì mục đích con cháu tốt đẹp hơn.
Gia đình dù đông người hay ít người thì bất cứ lúc nào cũng có thể nảy sinh mâu thuẫn. Người xưa thường nói "cha mẹ sinh con trời sinh tính". Thêm nữa, mỗi độ tuổi, mỗi giới tính, con người có những suy nghĩ, hành động, cách hành xử cũng như cá tính khác nhau. Trong gia đình tam, tứ đại đồng đường, sự đa dạng, phức tạp càng tăng lên và những khó khăn, mâu thuẫn, bất đồng, va chạm là điều không thể tránh khỏi. Bất bình đẳng luôn là mầm mống của những mâu thuẫn, bất đồng. Đặc biệt, với gia đình nhiều thế hệ, công bằng càng cần phải đề cao hơn. Với người già, nếu chịu sự đối xử không công bằng, thường mang trong mình cảm giác tủi thân, tổn thương. Với người trẻ tuổi, khi bị đối xử không công bằng dễ dẫn đến cảm giác bất mãn, không tuân phục, phá phách…Không nói đến người anh trai của em nữa, bởi tính cách của anh này đã hình thành quá rõ rồi. Nhưng em trai của em thì đang ở độ tuổi các cụ gọi là “dở dở, ương ương” và đang có những biểu hiện này đấy. Thêm vào đó, em ấy lại đang sống trong môi trường có một ông anh rất hư nữa. Em thử tìm nguyên nhân xem, liệu có phải em trai em bị ảnh hưởng từ người anh hay không? hay em ấy có bị đối xử áp đặt quá nên dẫn đến tình trạng đó không?
Ảnh minh họa.
Và cũng như lúc trước tôi đã nói: em cần khuyên bố mẹ mình hãy để vợ chồng anh trai em ra ở riêng. Là con gái duy nhất trong nhà, theo tôi, bây giờ em phải là người gánh vác trách nhiệm nặng nề là kết nối mọi người lại với nhau. Khi có sự cố xảy ra, cách duy nhất để giải quyết mâu thuẫn chính là đối thoại công khai, minh bạch. Em nên là người đứng giữa trong mọi chuyện để xâu chuỗi, xoa dịu những bức xúc của các thành viên trong gia đình. Hòa thuận, vui vẻ là liều thuốc bổ quý giá mà không gì có thể mua được.
Hãy nhớ rằng: Gia đình luôn là điểm tựa tinh thần cho từng cá nhân, em ạ!Trong cả cuộc đời này cũng sẽ không có bất kỳ ai có thể quan tâm tới mình hơn những người thân trong gia đình. Chính vì thế hãy trân trọng và cố gắng để bù lại tình yêu thương, sự quan tâm với người thân trong gia đình để xứng đáng với trách nhiệm của mình./.