Làm sao để không lãng phí sáng kiến khoa học

Thương mại hóa các sản phẩm khoa học công nghệ là mơ ước của các nhà nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay, số lượng bằng sáng chế thực sự chưa nhiều. Việc đưa các sáng kiến từ những cuộc thi ra thị trường còn gặp nhiều thách thức.

Tự nuôi cấy thay vì phải nhập khẩu tinh bò 3B từ nước ngoài, sáng kiến của công ty Cổ phần Giống gia súc Hà Nội đã mang lại giá trị kinh tế cao. Năm 2022, TP. Hà Nội đã có 50.000 con bò cái nền F1 3B với hơn 30.000 hộ nông dân được hưởng lợi từ dự án lai tạo giống bò này. Thế nhưng, để nhân rộng ý tưởng này ra cả nước, đơn vị lại vấp phải không ít khó khăn

Hà Nội vừa lần đầu tổ chức Hội thi sáng kiến khoa học kỹ thuật thành phố. 58 giải pháp, sáng kiến khoa học kỹ thuật được trao giải. Trong số này, nhiều sáng kiến đã được ứng dụng trong thực tế, cho thấy ích lợi lớn cho doanh nghiệp. Thế nhưng, nhiều sáng kiến nếu để nhân rộng mô hình, cần sự hỗ trợ không nhỏ về chính sách của nhà nước

Trong suốt thời kỳ từ năm 1981 đến nay, Việt Nam chỉ có hơn 2.600 bằng sáng chế cùng khoảng 2.800 bằng độc quyền giải pháp hữu ích. Chỉ 4% trong số này đến từ các cơ sở giáo dục. Một con số khá khiêm tốn, cho thấy ứng dụng thực tiễn của các sáng kiến chưa cao. Theo các chuyên gia, yếu tố đầu tiên để thương mại hóa được các sáng kiến khoa học, đó là phải đáp ứng được nhu cầu thực của xã hội

Nếu người làm khoa học tự lập doanh nghiệp, hoàn thiện công nghệ và kinh doanh bằng chính công nghệ này thì vướng Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức. Theo một con đường khác, nếu công nghệ đó được bán ra cho công ty bên ngoài, việc định giá rất khó. Nhiều rào cản khiến cho các sáng kiến khoa học chưa thực sự được thương mại hóa ở thị trường. Luật thủ đô sửa đổi đã dành 1 chương đề cập tới vấn đề phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của thủ đô. Các sửa đổi này được kỳ vọng sẽ tạo hành lang pháp lý để tháo rỡ những rào cản còn vướng mắc này.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/lam-sao-de-khong-lang-phi-sang-kien-khoa-hoc-199464.htm