Làm sao để tạo ra nền kinh tế tuần hoàn trong ngành dầu khí?
Việc thiết lập nền kinh tế tuần hoàn sẽ có tác động biến đổi lớn đối với ngành dầu khí, nhưng cách duy nhất để làm được điều đó là thông qua tăng cường tái chế nhựa, theo một báo cáo cho biết.
Báo cáo Kinh tế tuần hoàn trong dầu khí của GlobalData phân tích sự phát triển của chất thải nhựa và vai trò quan trọng của ngành dầu khí trong việc hỗ trợ nền kinh tế nhựa tuần hoàn.
Báo cáo tiết lộ, “việc kết hợp tính tuần hoàn của sản phẩm trong bối cảnh ngành dầu khí là vô cùng khó khăn, nhưng nhựa được coi là phù hợp nhất với nền kinh tế tuần hoàn trong số các sản phẩm thông thường của ngành”.
Mô hình kinh tế tuần hoàn đề cập đến một hệ thống không rác thải, trong đó vật liệu được sử dụng và tái sử dụng nhiều lần để giảm ô nhiễm. Áp lực ngày càng tăng từ người tiêu dùng và Chính phủ đối với các công ty trong việc giảm chất thải, nhưng sản xuất nhựa lại bùng nổ, tăng trưởng với tốc độ CAGR là 4,1% từ năm 2000 đến năm 2019.
Tuy nhiên, có khả năng là xu hướng này sẽ thay đổi.
Báo cáo lập luận, “cuối cùng, sẽ đến thời điểm mà các công ty không chuyển đổi hoạt động của họ sang mô hình tuần hoàn sẽ gặp nguy cơ thất bại, do các khoản tiền phạt được Chính phủ áp đặt và sự tẩy chay của người tiêu dùng”.
Ngoài ra, việc chuyển sang nền kinh tế tuần hoàn sớm sẽ mang lại cơ hội cho các công ty dầu khí muốn khẳng định vị thế là người dẫn đầu về Nghĩa vụ Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG), đồng thời việc tạo ra, quản lý và tái sử dụng các polyme tuần hoàn đang được chứng tỏ là mối quan tâm lớn.
Ví dụ, TotalEnergies đã tuyên bố sẽ sản xuất một triệu tấn polyme tuần hoàn vào năm 2030. Sản lượng này sẽ tăng các lựa chọn tái chế và cho phép công ty đáp ứng các nghĩa vụ ESG.
Thách thức nằm ở bản chất của nhựa. Được tạo thành từ các chuỗi polyme, chiều dài chuỗi giảm đi mỗi khi vật liệu được tái chế, đồng nghĩa với việc chất lượng của nhựa giảm xuống. Do đó, nhựa thường chỉ có thể được tái chế hai hoặc ba lần, hoặc phải bổ sung thêm nhựa mới để cải thiện chất lượng.
Tuy nhiên, đã có tiến bộ trong lĩnh vực này. Báo cáo nêu ví dụ của Saudi Aramco và các đối tác, đã chứng minh thành công quy trình tái chế hóa chất vào tháng 7/2023 tại nhà máy lọc dầu SATORP, do Aramco và TotalEnergies đồng sở hữu. Các polyme này có nguồn gốc từ rác thải nhựa đã được cấp chứng nhận ISCC+.
Sự phát triển của nhựa sinh học cũng cho thấy nhiều hứa hẹn và thu hút sự quan tâm từ các công ty dầu khí. Được làm từ sinh khối (chất thải nông nghiệp) thay vì các sản phẩm phái sinh dầu khí, nhựa sinh học dễ tái chế hơn. Hiện nay, hơn một nửa nhựa sinh học có khả năng phân hủy sinh học nhưng chỉ chiếm chưa đến 1% sản lượng nhựa toàn cầu.
Tuy nhiên, điều này có thể thay đổi khi các công ty dầu khí Petronas và PTT đầu tư để phát triển năng lực sản xuất nhựa sinh học.
Nhưng tất nhiên có những trở ngại trong sự phát triển này. Báo cáo cho biết, “các công ty hóa dầu đang phát triển nguyên liệu tái tạo bằng cách sử dụng chất thải nông nghiệp và hữu cơ để sản xuất nhựa sinh học. Nhược điểm có thể xảy ra khi sử dụng nguyên liệu này là sự sẵn có của chất thải hữu cơ với khối lượng đủ để đáp ứng nhu cầu thị trường. Sự thiếu hụt nguyên liệu có thể dẫn đến những hoạt động tiêu cực, chẳng hạn như nạn phá rừng, bên cạnh việc tăng chi phí trong sản xuất nhựa”.
Báo cáo lưu ý, các công ty dầu khí hàng đầu về quản lý nhựa, bao gồm BP, Repsol, Shell, TotalEnergies, OMV AG và ExxonMobil.
Tuy nhiên, báo cáo cũng lưu ý các công ty “sẽ cần phải dựa vào các ưu đãi tài chính từ các cơ quan Chính phủ để theo đuổi các mục tiêu kinh tế tuần hoàn một cách hiệu quả. Điều này là do chi phí vốn cao liên quan đến việc tích hợp nền kinh tế tuần hoàn”.
“Một số công ty đã thực hiện những bước nhỏ hướng tới mục tiêu này. Các công ty hàng đầu trong ngành như ExxonMobil, Shell và TotalEnergies đã đặt mục tiêu tăng cường tái chế nhựa tại các cơ sở năng lượng của họ”, theo báo cáo.
“Tái chế nhựa là cách duy nhất để đưa nền kinh tế tuần hoàn vào ngành dầu khí”, theo GlobalData.