Làm sao để thoát 'brain rot'?
Cúi đầu ở sân bay, cúi cổ ở bến tàu, cúi đầu ở công viên, cúi cổ ở phòng khách, cúi đầu ở phòng ngủ… tất cả chỉ tại smartphone đã sinh ra những thế hệ 'cúi đầu'. Bệnh cắm đầu vào điện thoại tăng nặng dần từ 9X, GenZ và bây giờ là Gen Alpha (sinh khoảng từ 2010).
Ngày giỗ, đại gia đình sum vầy, lũ trẻ mỗi đứa một chiếc điện thoại nằm ngồi từ phòng khách đến buồng ngủ, vẫn cười rinh rích nhưng là cười vì một video nào đó trên Tiktok. Khi người lớn hỏi han thì chỉ nghe những câu trả lời cụt ngủn. Xin hỏi các bậc cha mẹ những năm gần đây có thấy con cháu mình rất kiệm lời không.
Mới đây, Từ điển Oxford vừa chọn cụm từ nổi bật nhất năm 2024 là "brain rot". Diễn giải một cách khoa học thì cụm từ này chỉ sự suy giảm tập trung, tư duy và trí tuệ, còn nói theo nghĩa đen là hội chứng "thối não", chỉ hậu quả của việc mê muội sống ảo cùng những sản phẩm truyền thông nhảm. Công bố điều này, các nhà biên soạn từ điển Oxford bày tỏ lo ngại về hậu quả của việc tiêu thụ quá nhiều nội dung trực tuyến rác trên mạng xã hội.
Hội chứng Brain rot đi liền với những những sở thích nhảm nhí. Từ năm 2023, từ "Skibidi" trở nên hot, nó giống như một loại virus đã chiếm trí não trẻ em toàn cầu. Từ này không có nghĩa trong từ điển. Nó thường được gây cười kiểu vô nghĩa, ngớ ngẩn. Bọn nhóc vẫn hay nói với nhau "phải ngu mới vui". “Skibidi” khởi đầu từ phim hoạt hình 3D "Skibidi toilet" với nhân vật là cái đầu kinh dị biết hò hát mọc lên từ bồn cầu. Cái thủ cấp gớm ghiếc có thể quay đủ 360 độ chiều ngang và 360 độ chiều dọc. Đây là một trong những phim kiểu Machinima (dạng phim do một cá nhân game thủ tự làm dựa trên phần mềm làm game).
Tác giả là Alexey Gerasimov, một Youtuber gốc Nga đã mày mò phần mềm và chế ra nó. Đặc trưng của phim chế từ game là tạo hình hết sức sơ sài, đại khái. Kịch bản siêu cũ, vẫn là thế lực ác tâm xuất hiện và đe dọa tất cả. Chỉ có vậy mà phim đã chiếm được 65 tỉ lượt xem. Về phim này thì người lớn ngó vào cũng chia phe. Một bên bảo nó nhiều bạo lực, ám ảnh tiêu cực cho tâm hồn trẻ thơ. Đã có những đứa trẻ bắt chước cho đầu vào thùng và xuống bồn cầu. Một số trẻ sợ vào toilet. Phe còn lại cho rằng Skibidi tuy nhảm nhưng vô hại.
Từ đây, "Skibidi" đã đi vào đời thường và trở thành một từ không có nghĩa cụ thể mà sẽ được dùng tùy theo ngữ cảnh. Thuật ngữ "Skibidi" đã trở thành một từ ngữ phổ biến trong thế hệ Gen Alpha. Không mang ý nghĩa cụ thể, nó có thể là niềm vui, sự lôi cuốn, ngầu, điều đen tối hoặc là ác quỷ. Nhiều học sinh thế hệ Alpha khi vui thì hay nói câu cửa miệng “Skibidi”, khi không hài lòng cũng nói “Skibidi”, khi không buồn, chả vui cũng lảm nhảm “Skibidi”.
Muốn hiểu con em nghĩ gì thì chả có cách nào hơn là phải học các biệt ngữ của con em. Tiếng lóng của xứ ta giờ đây cũng du nhập các biệt ngữ nước ngoài qua đường tiktok nhanh như chớp. Thế hệ Gen Alpha thích từ "ngầu", hay "ngầu lòi soái ca". Từ này thường chỉ nhân vật vượt trội, xuất sắc. Trong biệt ngữ trực tuyến sẽ là "alpha male", "beta male", "sigma male"… Thường gọi tắt là "Alpha", "beta" và "sigma".
"Sigma" là nam thần giỏi giang, độc lập, có duyên ngầm mà không khoa trương, coi bạn gái bằng nửa con mắt. "Alpha" là nam thần "đỉnh nóc kịch trần" của xuất sắc, ngạo mạn, tính cách bá quyền, bắt nạt tất cả. "Alpha" không chỉ thờ ơ với bạn gái mà với thiên hạ thì cũng mục hạ vô nhân. Những từ lóng này bắt nguồn từ đầu thập niên 1990. "Alpha" chỉ yếu nhân thành đạt, giàu nam tính. Trước đó, thuật ngữ này chỉ được sử dụng trong nghiên cứu tập tính học động vật, như chỉ cá thể chiếm quyền giao phối, đoạt giữ lãnh thổ, phân cấp thức ăn. "Beta" là từ dùng để chỉ nhóm phụ thuộc vào thành viên cấp cao hơn, phải chờ ăn sau và hiếm có cơ hội được giao phối.
Ngược dòng các từ nổi bật của “Từ điển Oxford” bao gồm "rizz", viết tắt của từ charisma (sự lôi cuốn), đã nổi bật nhất vào năm 2023, chỉ những độc chiêu thả thính siêu nhanh đối với người lạ. Năm 2022 thì "Goblin mode" (chế độ yêu tinh) trở thành từ của năm. Từ này chỉ lối sinh hoạt bừa bộn, ăn mặc nhếch nhác, ăn không giữ mồm, uống không giữ miệng, chống lại mọi chuẩn mực, khuôn phép thẩm mỹ, lịch sự... Yêu tinh mà.
Bên cạnh các nội dung tích cực thì các video phim ngắn với nội dung cùn, nhảm nhiều gấp bội. Các mạng xã hội luôn dùng thuật toán đề xuất video tương tự. Thành ra video nhảm xuất hiện ngày càng dày đặc và con em chúng ta khó mà rời được máy tính, điện thoại. Không học được gì bổ ích, lạm dụng thời gian vào video nhảm thì thối não là chuyện có thật.
Cuối tháng 11 năm nay, Thượng viện và Hạ viện Australia phê duyệt lệnh cấm mạng xã hội. Thủ tướng Anthony Albanese chia sẻ: "Đây là vấn đề toàn cầu và chúng tôi muốn trẻ em Australia có một tuổi thơ đúng nghĩa". Trước Australia thì Na Uy cũng cam kết thông qua luật tương tự. Chính phủ Anh hiện đang xem xét lệnh cấm tương tự trước sự lo ngại tác các động tiêu cực của mạng xã hội đối với sức khỏe tinh thần của trẻ em trong quy mô toàn cầu.
Nghe xứ người lại ngẫm xứ ta. Hy vọng chúng ta sớm có những biện pháp quyết liệt để con em có thể thoát “Brain rot”, ngẩng đầu trở lại, tập trung học bài như thuở trước, hò reo như cũ và nghịch ngợm như xưa.
Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/lam-sao-de-thoat-brain-rot--i753489/