Làm sao để thuận thiên?

'Cơn bão' đại dịch Covid-19 làm nghiêng ngả cả thế giới, về đến Việt Nam đã bị đẩy lùi. Chính phủ không thể nào thành công nếu người dân không một lòng cùng Chính phủ chống dịch như chống giặc.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ trong suốt quá trình công tác, một trong những hình ảnh sâu đậm nhất luôn ở trong trái tim ông là hình ảnh người dân trước những cơn bão. Thủ tướng trải lòng: “đất nước chúng ta, một Việt Nam anh hùng nhưng cũng là một Việt Nam quá nhọc nhằn trước thiên tai, “sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa”. Một câu hỏi đã và sẽ đeo bám suốt cuộc đời tôi là, phải làm gì để thuận thiên, để ông trời thương dân, để người dân bớt khổ”.

Thủ tướng, những ngày còn là Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, Kỳ họp Quốc hội giữa năm 2004, nghe tin bão số 1 tràn về miền Trung mà Quảng Nam là nơi tâm bão, ngồi họp mà lòng như lửa đốt, đã xin nghỉ mấy ngày họp Quốc hội về quê cùng người dân chống bão.

Khi về đến nơi, mưa gió mù mịt, tàu thuyền chưa kịp vào bờ lênh đênh trên biển. Tình thế rất cấp bách, trong đó, có một chiếc tàu chở mười mấy ngư dân bị chết máy mắc kẹt ở vùng biển Cửa Đại. Tàu biên phòng không thể ra cứu kịp, chỉ có một chiếc tàu cá gần đó đang chạy vào bờ nhưng năn nỉ thế nào họ cũng sợ không dám giúp vì quan niệm trong dân gian là giúp người đi biển bị đuối, sau sẽ phải gánh rất nhiều đen đủi.

Buộc phải ra mệnh lệnh ngắn gọn là “không cứu người thì cũng đừng mong có đường quay vào bờ”, Chủ tịch tỉnh Quảng Nam Nguyễn Xuân Phúc nói rõ, “quay về là lập tức bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì thấy người bị nạn mà không cứu”. Và chiếc tàu cá đã quay đầu lại cứu được mười mấy người. Những ngư dân trên chiếc tàu cá đó không giận ông Chủ tịch tỉnh vì họ biết ông chỉ dọa vậy chứ không nỡ làm vậy; nhưng dọa đã giúp họ thức tỉnh lương tâm vì hiện tại mà không sống tốt, sao có thể hy vọng tương lai không gặp phải những điều đen đủi.

Những năm đó, một điều rất may mắn là Quảng Nam đều mưa thuận gió hòa, ít gặp thiên tai bão lũ. Dù vậy, Thủ tướng thấy, “không khi nào tôi thấy thôi thấp thỏm. Về công tác ở trung ương, mỗi khi nghe tin sắp bão, dù bão đổ về tỉnh nào, trong lòng cũng đều như lửa đốt”.

Bão Haiyan hồi tháng 11/2013, các cơ quan khí tượng của Việt Nam và quốc tế đều dự báo Haiyan là siêu bão với cấp gió lớn nhất. Bản tin của CNN nhận định đây là cơn bão chưa từng thấy, siêu mạnh trong lịch sử nhân loại... về tới Việt Nam bão sẽ tấn công các tỉnh miền Trung. Chủ tịch tỉnh Quảng Nam khi ấy đã Phó Thủ tướng lại về Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng giúp dân tránh bão.

Dưới sự tổng chỉ huy của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lúc đó, nhất nhất người dân đều nghe theo chính quyền đến nơi trú ẩn an toàn. Hơn nửa triệu người dân ở khu vực này đã đi sơ tán tránh bão trong trật tự, kỷ luật. Như tại Đà Nẵng, chỉ trong vòng 5 giờ đồng hồ, quận Liên Chiểu đã sơ tán xong hơn 80.000 dân đến 60 điểm trú ẩn tập trung. Siêu bão Haiyan về Việt Nam đã không còn là siêu bão. Lòng dân đã cảm động được trời đất.

Năm 2020, một lần nữa, lòng dân cảm động được trời đất. “Cơn bão” đại dịch Covid- 19 làm nghiêng ngả cả thế giới, về đến Việt Nam, đã bị đẩy lùi. Chính phủ không thể nào thành công nếu người dân không một lòng cùng Chính phủ chống dịch như chống giặc.

“Lòng dân như vậy, đòi hỏi Chính phủ phải không ngừng cố gắng để đền đáp. Chỉ có một cách để trả lời cho câu hỏi phải làm gì để thuận thiên, để ông trời thương dân, để người dân bớt khổ”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận, “đó là, mọi hành động của Chính phủ phải thực chất từ những việc nhỏ nhất và thực tâm, chân tình trong đối đãi với nhân dân. Chính phủ phải quyết liệt hành động vì nhân dân”.

Chỉ có một cách để trả lời cho câu hỏi phải làm gì để thuận thiên, để ông trời thương dân, để người dân bớt khổ, đó là mọi hành động của Chính phủ phải thực chất từ những việc nhỏ nhất và thực tâm, chân tình trong đối đãi với nhân dân. Chính phủ phải quyết liệt hành động vì nhân dân.

Đoàn Trần

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/thoi-su/2021-02-03/lam-sao-de-thuan-thien-99352.aspx