Làm sao để tình trạng bỏ quên trẻ trong xe đưa đón không tái diễn?

Một vấn đề được dư luận quan tâm, đặt ra hiện nay là làm sao đảm bảo an toàn cho trẻ đến trường tránh tình trạng bỏ quên trẻ trong xe bus đưa đón, bởi hiện nay việc học sinh sử dụng xe đưa đón khá phổ biến ở nhiều địa phương trên cả nước.

Vào tháng 8/2019, cái chết của bé trai 6 tuổi bị bỏ quên trên xe của trường Gateway (Hà Nội) khiến dư luận xót xa và là một bài học đắt giá. Nhưng, sau vụ việc đó vẫn tồn tại tình trạng bỏ quên học sinh trên xe.

Vào tháng 9/2019, một cháu bé bị bỏ quên trên xe đưa đón của một trường học ở Bắc Ninh, nhưng rất may cháu bé được cứu sống.

Tháng 6/2023, một học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Archimedes Academy (quận Cầu Giấy) bị bỏ quên trên xe khi tham gia buổi dã ngoại do nhà trường tổ chức, nhưng may mắn không ảnh hưởng đến tính mạng.

Và mới đây, vào ngày 29/5/2024, một cháu bé 5 tuổi Trường Mầm non Hồng Nhung 2 tại xã Phú Xuân, thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình đã bị bỏ quên trên xe đưa đón của nhà trường dẫn đến tử vong. Vụ việc đau lòng này đã khiến cho rất nhiều phụ huynh có con nhỏ cảm thấy bất an, dư luận bức xúc.

Vụ việc thương tâm vừa xảy ra tại thành phố Thái Bình.

Vụ việc thương tâm vừa xảy ra tại thành phố Thái Bình.

Liên quan tới việc đảm bảo an toàn cho các học sinh được đưa đón bằng xe đưa đón của nhà trường, với những yêu cầu riêng đối với xe chở học sinh, gần đây tại dự thảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe ô tô đang được Bộ Giao thông vận tải lấy ý kiến góp ý đã có nhiều đề xuất được nhắc đến như:

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Xe đưa đón học sinh phải có hệ thống còi báo động, âm thanh khẩn cấp hoặc liên lạc trực tiếp đến lái xe hoặc người quản lý học sinh để cảnh báo khi có học sinh bị bỏ quên trên xe thời gian không quá 15 phút.

Ngoại quan xe chở học sinh phải được thống nhất một màu vàng đậm phủ bên ngoài thân xe. Mặt trước và cạnh 2 bên xe phía trên cửa sổ phải có biển báo nhận biết là xe bus và số thứ tự xe cùng với hệ thống lối thoát hiểm để đảm bảo an toàn trong tình huống khẩn cấp. Mã xe chở học sinh phải được đánh số và bố trí vị trí nằm hai bên thân xe và phía đằng trước, đằng sau xe chở học sinh

Không sử dụng xe bus 2 tầng và xe bus có khớp nối ở giữa làm xe chở học sinh. Xe chở học sinh phải được trang bị thiết bị giới hạn tốc độ không vượt quá 80km/h.

Đối với xe chở trẻ em mẫu giáo có số lượng học sinh không quá 45 người; đối với xe đưa đón học sinh tiểu học, trung học cơ sở tối đa số lượng học sinh không quá 56 người. Về ghế ngồi của học sinh, quy chuẩn quy định không được bố trí thuộc hàng ghế đầu tiên cùng với hàng ghế người lái xe.

Xe chở học sinh phải được trang bị thiết bị quan sát toàn bộ khu vực hành khách thông qua gương chiếu hậu bên trong và hệ thống camera giám sát bên trong để giám sát hành vi của lái xe, hành vi của giám hộ học sinh, hành vi của học sinh trên xe. Camera bên ngoài để giám sát tình trạng phía ngoài cửa lên xuống trước khi đón trả học sinh. Các thiết bị phải trang bị hệ thống ghi nhớ và xử lý thông tin lái xe.

Ngoài ra, xe chở học sinh phải được trang bị bình chữa cháy để đề phòng trường hợp hỏa hoạn. Vị trí lắp đặt của bình chữa cháy cần được đánh dấu rõ ràng và dễ dàng tiếp cận trong trường hợp khẩn cấp. Khoang hành khách phải được bố trí ít nhất một bình chữa cháy có khối lượng ít nhất 2kg gần chỗ ngồi của quản lý học sinh và một bình gần chỗ ngồi của lái xe. Các yêu cầu của bình chữa cháy phải đáp ứng các yêu cầu quy định phòng cháy chữa cháy của Bộ Công an.

Cũng theo chia sẻ của nhiều thầy cô giáo cũng như phụ huynh học sinh, việc chỉ phụ thuộc vào ý thức của lái xe và người đưa đón trẻ em thôi thì chưa đủ an tâm. Chính vì thế, việc lắp các thiết bị hỗ trợ, giám sát hay như lắp còi phía sau xe là rất cần thiết nên triển khai nhân rộng.

N.T.D

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/lam-sao-de-tinh-trang-bo-quen-tre-trong-xe-dua-don-khong-tai-dien-434026.html