Tạm giam... thiên thu

Người xưa có câu 'Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại' thì với thời gian tạm giam ông Nguyễn Huy Khang 13 năm quả là... thiên thu!

Người xưa có câu “Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại” thì với thời gian tạm giam ông Nguyễn Huy Khang 13 năm quả là... thiên thu!

Ông Nguyễn Huy Khang, bị cáo trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến giao dịch góp vốn tại Công ty Trường Sinh, vừa được tại ngoại sau 13 năm bị tạm giam.

 Ông Nguyễn Đình Bang (đứng) và ông Nguyễn Huy Khang tại phiên tòa năm 2016.

Ông Nguyễn Đình Bang (đứng) và ông Nguyễn Huy Khang tại phiên tòa năm 2016.

Sự kiện này đã thu hút sự chú ý của dư luận bởi thời gian tạm giam hơn một thập niên mà ông Khang gánh chịu được xem là “xưa nay hiếm”. Trong pháp luật tố tụng hình sự, biện pháp tạm giam được xem như một công cụ quan trọng để đảm bảo bị can, bị cáo không gây khó khăn cho quá trình điều tra, truy tố, xét xử và đảm bảo an toàn cho cộng đồng. Tuy nhiên, thời gian tạm giam phải được thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục và thời hạn theo quy định của pháp luật. Việc áp dụng biện pháp tạm giam còn được kiểm sát chặt chẽ bởi VKS để đảm bảo cơ quan thực thi đã tuân thủ và áp dụng quy định của pháp luật đúng đắn và đầy đủ.

Vụ án này, các bị cáo bị cáo buộc đã chiếm đoạt số tiền vài chục tỉ đồng, bị xử lý hình sự theo khoản 4 Điều 139 BLHS năm 1999, với khung hình phạt tù 12-20 năm hoặc tù chung thân, thuộc loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Căn cứ khoản 1 Điều 173 BLTTHS năm 2015 thì đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, thời hạn tạm giam để điều tra là không quá bốn tháng. Nếu xét thấy cần thiết gia hạn tạm giam thì đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam hai lần, mỗi lần không quá bốn tháng (theo BLTTHS 2003 thì có thể gia hạn ba lần).

Căn cứ các quy định của luật tố tụng về việc điều tra bổ sung theo yêu cầu của VKS-tòa án, thời hạn điều tra bổ sung, số lần VKS-tòa án được trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung; cộng thêm thời gian tạm giam để chờ truy tố, xét xử; thời gian tạm giam để điều tra lại, bắt đầu một vòng tố tụng mới… thì thời gian tạm giam cũng khó có thể lên đến 13 năm như trường hợp của ông Khang được.

Một bị cáo khác, có thời gian bị tạm giam cũng “khủng” như vậy, đó là bị cáo Huỳnh Thị Quai. Bị cáo Quai và ba đồng phạm bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo điểm a khoản 4 Điều 139 BLHS năm 1999. Vụ án đã trải qua bốn phiên tòa sơ thẩm, ba phiên tòa phúc thẩm; trong đó ba lần tòa phúc thẩm hủy án để điều tra lại. Khi xử sơ thẩm lại lần bốn vào tháng 5-2024, TAND tỉnh Kiên Giang ghi nhận ý kiến của luật sư bào chữa cho bị cáo Quai rằng bị cáo này bị tạm giam hơn 12 năm là quá lâu, vi phạm tố tụng… Sau đó, án sơ thẩm lần bốn đã tuyên phạt Quai 14 năm tù. Hiện VKS đã kháng nghị bản án, chưa có kết quả xét xử phúc thẩm…

May mắn hơn các bị cáo nêu trên là Hoa hậu Trương Hồ Phương Nga và Nguyễn Đức Thùy Dung. Hai cô bị tạm giam từ tháng 3-2015 để phục vụ cho việc điều tra, truy tố, xét xử vụ án mà hai cô bị cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt 16,5 tỉ đồng của ông Cao Toàn Mỹ. Đến tháng 6-2017, sau hơn hai năm bị tạm giam, khi vụ án đang được xét xử, cả hai được TAND TP.HCM cho tại ngoại.

Theo tòa khi đó căn cứ quan trọng nhất là Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 vừa được thông qua thời gian đó, tuy chưa có hiệu lực nhưng được áp dụng những quy định có lợi cho bị cáo. Thời gian bị tạm giam của hai bị cáo đã quá quy định của pháp luật thì việc tiếp tục tạm giam là không đúng... Vì vậy, để đảm bảo đúng pháp luật về tạm giam, trong thời gian chờ truy tố, xét xử tiếp theo thì lãnh đạo tòa đã quyết định cho hai bị cáo được tại ngoại.

Chúng ta có thể thấy Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 quy định quyền của người bị tạm giam là được yêu cầu trả tự do khi hết thời hạn tạm giam. Nghiêm cấm người có thẩm quyền, trách nhiệm trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam giam giữ người trái pháp luật… Luật này cụ thể hóa quy định của hiến pháp về đảm bảo quyền con người, quyền công dân, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giam; đồng thời nhằm tránh tình trạng bị can, bị cáo bị giam giữ quá lâu mà không có kết quả cuối cùng từ hoạt động điều tra hoặc xét xử.

Trở lại vụ ông Khang, việc tạm giam ông kéo dài đến 13 năm đã phản ánh sự thiếu hiệu quả và nhiều vấn đề phải xem lại trong việc thu thập và đánh giá chứng cứ của các cơ quan tố tụng.

Từ góc độ xã hội học, việc bị tạm giam kéo dài không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân bị cáo mà còn tác động lớn đến gia đình họ và cộng đồng nơi họ sinh sống. Việc tạm giam quá lâu đối với người bị nghi ngờ phạm tội có thể làm giảm sút niềm tin vào hệ thống pháp lý và xã hội, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển bền vững của cộng đồng.

Những trường hợp bị tạm giam hàng chục năm như thế là minh chứng cho những bất cập trong hệ thống pháp lý và tố tụng hình sự. Cần lắm những hành động quyết liệt, bản lĩnh, vô tư của những người tiến hành tố tụng, của cơ quan hữu quan để đảm bảo quyền lợi của bị can, bị cáo. Đồng thời, cần có sự hỗ trợ tâm lý và xã hội cho những người bị giam giữ lâu dài để họ có thể tái hòa nhập cộng đồng, khôi phục cuộc sống bình thường. Việc này không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan pháp luật mà còn là trách nhiệm của toàn xã hội trong việc xây dựng một môi trường công bằng, nhân đạo, bền vững và thượng tôn pháp luật.

ThS - Luật sư HOÀNG KIM MINH CHÂU, Đoàn Luật sư TP.HCM

Nguồn PLO: https://plo.vn/tam-giam-thien-thu-post798237.html