Làm sao để tổ chức lễ khai giảng gọn nhẹ, tránh hình thức?

Hãy để ngày khai giảng là ngày của học sinh và thầy cô giáo, tránh những thủ tục rườm rà như các bài phát biểu dài lê thê hay báo cáo thành tích.

Lễ Khai giảng tại Nam Trà My, Quảng Nam. Ảnh: Bình Nam

Lễ Khai giảng tại Nam Trà My, Quảng Nam. Ảnh: Bình Nam

Nhiều năm qua, lễ khai giảng được các tỉnh thành đồng loạt tổ chức vào ngày 5/9 trên toàn quốc. Khai giảng cũng là ngày đầu tiên tựu trường, là một dấu mốc đặc biệt, khởi đầu cho các em học sinh trước ngưỡng cửa năm học mới.

Ngày đầu tiên được gặp lại bạn bè, thầy cô sau ba tháng hè xa cách nên học sinh rất háo hức chờ đợi. Tuy vậy, không ít các nhà trường ngày nay tổ chức lễ khai giảng theo kiểu lễ nghi, hình thức khiến cả thầy và trò đều mệt mỏi.

Lễ khai giảng đang đến rất gần, tiếng trống trường sẽ vang lên bắt đầu cho một năm học mới, năm học 2024-2025. Để buổi lễ khai giảng được gọn nhẹ, vui tươi, các nhà trường cần có kế hoạch chi tiết chuẩn bị cho cả phần lễ và phần hội.

Phần lễ bao gồm các nội dung chính, đó là: nghi thức chào cờ, hát quốc ca; đọc thư của Chủ tịch nước; diễn văn khai giảng; đánh trống khai trường. Học sinh cần hát quốc ca to, rõ, đều, đúng giai điệu (không dùng bản nhạc có lời bài hát được ghi sẵn), thể hiện lòng tự hào tự tôn dân tộc.

Cùng với đó, diễn văn khai giảng của hiệu trưởng cần ngắn gọn, súc tích nhưng có điểm nhấn. Đó có thể là những lời chia sẻ từ trái tim người thầy đến với học sinh về lòng yêu thương, sự sẻ chia, đoàn kết, tinh thần tự học, vượt khó,…

Ngoài ra, đại biểu đến tham dự lễ khai giảng hãy từ chối lời mời phát biểu chỉ đạo. Bởi lẽ, học sinh, kể cả thầy cô giáo, không quen nghe đọc những lời giáo điều xa lạ với môi trường học đường. Chưa kể, lãnh đạo phát biểu xong, học sinh và thầy cô còn phải vỗ tay và tặng hoa một cách khiên cưỡng, sống sượng.

Phần hội tổ chức các hoạt động vui chơi tập thể tuyệt đối an toàn, lành mạnh, tạo không khí vui tươi, phấn khởi của ngày khai giảng năm học mới. Phần hội thường là các hoạt động văn nghệ, thể thao, trò chơi dân gian,… phù hợp đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi và điều kiện thực tiễn của các nhà trường.

Như thế, buổi lễ khai giảng cần được tổ chức khoảng 45 phút đến 60 phút là đủ. Sau buổi lễ, có trường sẽ bắt đầu dạy học và cũng có trường cho học sinh nghỉ. Nên chăng, học sinh cần được nghỉ sau buổi lễ khai giảng nhằm tạo tâm lí thoải mái cho các em chuẩn bị bước vào năm học mới.

Ly Hương

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/lam-sao-de-to-chuc-le-khai-giang-gon-nhe-tranh-hinh-thuc-179240902232649379.htm