Làm sao để tránh hàng cứu trợ nơi thừa, chỗ thiếu?
Thiên tai đối với nước ta, đặc biệt là đối với các tỉnh miền Trung, như một 'cuộc hẹn' bất đắc dĩ hàng năm.
Ở đây, chúng tôi tạm không đề cập đến nguyên nhân dẫn đến thiên tai dồn dập, bởi điều này liên quan tới rất nhiều yếu tố như hiện tượng biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có nước ta, nạn khai thác thiên nhiên thiếu kiểm soát, v.v…, mà chỉ nói tới việc hỗ trợ đồng bào trong hoạn nạn đã và đang diễn ra suốt những tuần qua.
Bà con tỉnh Quảng Bình với nụ cười hoan hỷ sau khi nhận quà của đoàn cứu trợ TƯGH và Phật giáo TP.HCM tháng 10 qua kịp thời trong hoàn cảnh khó khăn - Ảnh: Như Danh
Nỗi đau dồn dập
Có thể nói, chưa khi nào, nước ta lại phải chứng kiến sự tàn phá của thiên nhiên diễn ra mạnh mẽ và đặc biệt nghiêm trọng như năm nay. Hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, lũ chồng lũ, bão dồn bão, liên tục đổ vào khúc ruột miền Trung đã gây nên bao mất mát, đau thương. Lũ chưa ra hết, lũ lại vào; bão vừa tan thì cơn bão mới lại hình thành, tiếp tục đe dọa lên một phần cơ thể đất nước đã gần như kiệt sức chống chọi.
Khi nỗi đau về thương vong do trận sạt lở đất ở Rào Trăng 3 ở huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế chưa nguôi ngoai, sạt lở đất lại tiếp tục xảy ra ở Hướng Hóa, vùi lấp nhiều chiến sĩ, cán bộ. Không dừng lại ở đó, chỉ chưa đầy mươi ngày sau, tại huyện miền núi Trà My của tỉnh Quảng Nam xảy ra các vụ sạt lở đất núi kinh hoàng trong đêm 28-10, chôn cả một ngôi làng ở thôn 1, xã Trà Leng cũng như hơn chục ngôi nhà ở các xã Trà Vân, Trà Mai.
Cho đến nay, việc tìm kiếm vẫn được các cơ quan chức năng, quân đội tiếp tục, tuy nhiên, vẫn chưa tìm thấy được thi thể tất cả những người dân tử nạn. Nhiều ngôi làng vẫn còn bị cô lập do sạt lở, chính quyền tỉnh đã khẩn cấp trình trung ương xin viện trợ, quân đội phải dùng tới máy bay để tiếp tế thực phẩm cho người dân mấy ngày qua.
Cũng trong hoạn nạn, tình người, tình đồng bào mà chúng ta thường tự hào tôn vinh là truyền thống quý báu của dân tộc được giữ gìn bao đời đã không còn là ý niệm, lý thuyết mà biểu hiện sống động qua việc toàn xã hội hướng về đồng bào các tỉnh miền Trung khi thiên tai vẫn đang hoành hành. Đồng bào cả nước không chỉ sẵn lòng chia sẻ tiền của, mà nhiều người còn trực tiếp mang nhu yếu phẩm đến trao tận tay người dân vùng lũ, không quản khó khăn, nguy hiểm chực chờ.
Nghe, thấy sự khổ đau để đến cứu giúp, vượt lên tất cả những phân biệt đối xử, đó chính là tinh thần của tâm đại bi mà người Phật tử được hướng dẫn trong lối sống, là nội dung mà Phật giáo đã hiến tặng cho di sản tinh thần của dân tộc, ăn sâu vào cách xử thế từ bao đời qua.
Thiên tai, như đã nói, đối với miền Trung là cái hẹn không muốn cũng cứ gặp, dẫu có chuẩn bị tinh thần đối mặt nhưng phần nào vẫn khó để quen, dù là quen để mà chịu đựng.
Chưa có thống kê, nhưng ước tính có hàng trăm đoàn đã dấn thân đến các vùng bị bão lũ trao những món quà thiết yếu đến bà con - Ảnh: Trần Thế Phong
Để việc thiện trọn vẹn ý nghĩa
Câu chuyện về ca sĩ, Phật tử Thủy Tiên có mặt để cứu trợ người dân bị tổn thất do thiên tai suốt thời gian vừa qua có thể nói là điển hình cho việc dấn thân do không thể ngồi yên khi thấy bà con mình đang trong hoạn nạn.
Trong một dòng trạng thái tối 19-10-2020 trên mạng xã hội, khi cả Quảng Bình bị chìm trong biển nước vượt đỉnh lũ năm 2010, Thủy Tiên đã bày tỏ: “Lần đầu đi thuyền cứu hộ, định đi từ thiện thành ra đi cứu hộ, định quyên góp từ thiện giờ thành xây nhà cộng đồng chống lũ. Cảm ơn vì sự góp sức của mọi người!
Đêm nay tụi mình có thể ngủ, nhưng Quảng Bình thì không. Lần đầu tiên đi trên Quốc lộ 1A mà tưởng mình đang ở giữa biển, sóng to gió lớn và mưa giông… Lạnh cóng tay chân, đến nơi người dân họ kêu cứu và run cầm cập vì lạnh.
Lần đầu tiên hiểu thấm cảm giác hoảng sợ tột độ của vùng lũ… Mình niệm Phật suốt đường đi vì có lúc sóng đập ghê quá, kinh khủng quá. Đoạn về sóng đỡ hơn một chút, nhưng mình vẫn ám ảnh quá… Ám ảnh những gì mình đã chứng kiến tận mắt.
Cùng cầu nguyện cho miền Trung bình yên trở lại!”.
Đó cũng chính là tâm trạng chung của những ai đã đến, thấy và nghe trực tiếp nỗi khổ của người dân vùng lũ. Có lẽ chính điều đó đã thôi thúc Thủy Tiên, cũng như rất nhiều người khác dấn thân vượt lên nỗi sợ hãi bên trong mình, vượt qua ngoại duyên khó khăn để tiếp tục việc làm ý nghĩa, mang sự hỗ trợ thiết thực đến bà con.
Trong bài tường thuật của mình, phóng viên Giác Ngộ có mặt tại miền Trung trong những ngày cao điểm của bão lũ đã nhắc đến cảnh các đoàn xe mang băng-rôn “Đoàn cứu trợ…” của các tổ chức, đội nhóm từ các địa phương khác trong cả nước liên tục di chuyển về các tỉnh miền Trung, có lúc đã khiến quốc lộ bị ùn tắc do quá đông đảo cũng như một số đoạn đường nước chưa rút để có thể lăn bánh.
Chúng ta cũng nghe đâu đó có hiện tượng tiêu cực do một vài cá nhân thiếu sự công tâm, hoặc do thiếu thông tin nên diễn ra tình trạng chỗ thì thừa, nơi còn thiếu các nhu yếu phẩm cần thiết, như cha ông ta từng ví von “ruộng trên thì nhiều nước, ruộng dưới thì khô hạn” (thượng điền tích thủy, hạ điền khan).
Đặc biệt, dư luận từng bức xúc khi chính quyền huyện Hải Lăng (tỉnh Quảng Trị) ra văn bản yêu cầu tất cả các đoàn cứu trợ phải tập trung đầu mối phân phối qua cơ quan chính quyền; cũng như một số địa phương khác thực thi quyền hạn theo các quy định, nghị định cũ, vô hình trung khiến cho các đoàn cứu trợ tưởng rằng chính quyền địa phương “khó dễ” trong việc giúp đỡ đồng bào.
Nắm bắt nhanh chóng tình hình, với vai trò người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng đã kịp thời chỉ đạo khẩn trương xây dựng nghị định mới thay thế Nghị định số 64/2008/NĐ-CP ban hành 12 năm trước đây về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao chính quyền các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi trách nhiệm của mình khẩn trương phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp, Hội Chữ thập đỏ và các cơ quan liên quan hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động cứu trợ đúng địa chỉ, đúng đối tượng, đúng quy định pháp luật, bảo đảm minh bạch, khách quan, công bằng giữa các đối tượng hưởng cứu trợ.
Những chỉ đạo kịp thời như vậy đã giải tỏa tâm lý bức xúc của người dân. Tuy nhiên, như chúng ta thấy, để có sự hợp lý hơn, để hàng cứu trợ (thực phẩm, đồ mặc, vật dụng, thuốc men, tiền bạc…) được phân phối đến các nơi thực sự cần thiết, rất cần đến một hệ thống thông tin chi tiết, chính xác và minh bạch. Ngoài hệ thống chính quyền các địa phương, có thể nói, không ai thực hiện được việc này một cách nhanh chóng, đầy đủ, toàn diện.
Chỉ có hệ thống công quyền mới có khả năng nắm bắt thông tin toàn diện, biết rõ nơi nào thừa, địa phương nào còn thiếu thốn, nơi nào chưa có thể đến được vì còn quá nguy hiểm do hậu quả của thiên tai... - Ảnh: Trần Thế Phong
Nghĩ về một hướng đi lâu dài
Cư sĩ Huyền Lam, Trưởng Thiết kế ứng dụng công nghệ thông tin cho bộ môi trường (senior enterprise application architect) bang Washington, hiện sinh sống tại bang Washington, Hoa Kỳ, đã từng nêu ý kiến rằng Việt Nam cần thành lập một cơ quan điều phối tình huống khẩn cấp có quy định chức năng cụ thể đối với các nội dung như Nghị định 64/2008/NĐ-CP liên quan tới thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng…
Ông cho rằng việc rất nhiều cá nhân, tổ chức tham gia cứu trợ lũ lụt như vừa qua là việc vô cùng cao quý, cần khích lệ và hỗ trợ để phát huy hơn nữa. Tuy nhiên, do thiếu một trung tâm điều phối nên đối với việc đưa hàng cứu trợ đến với người dân đã xảy ra việc nơi có nhiều, có ít, nơi không có. Thậm chí, có đoàn đi cứu trợ lại trở thành đối tượng… bị nạn, cần cứu giúp vì thiếu thông tin, hướng dẫn ứng phó thiên tai.
Chính quyền đã điều động tối đa lực lượng quân đội và các cơ quan chức năng trong công tác cứu người, tuy nhiên, việc có một trung tâm điều phối sẽ giúp vấn đề cứu người, cứu trợ tăng tính hiệu quả lên cao hơn.
Cơ quan điều phối có nhiệm vụ quyết định thành lập Ban Điều phối hiện trường (như việc lâu nay vẫn làm thông qua trạm chỉ huy cứu hộ), làm việc với các cơ quan chức năng, lực lượng địa phương để đánh giá tình hình, cung cấp thông số thiệt hại về người, hạ tầng cơ sở, đồng thời cung cấp thông tin những nơi cần cứu trợ, tình hình thời tiết, di chuyển tại mỗi địa bàn.
Các tổ chức tư nhân đi cứu trợ phải tuân thủ hướng dẫn cũng như nắm thông tin thực địa từ Ban Điều phối này về việc nơi nào được đi, nơi nào không được đi vì đang trong mức độ nguy hiểm cao, cung cấp thống kê cứu trợ để Ban Điều phối quốc gia cập nhật hệ thống thông tin của mình nhằm giúp các đoàn khác không dẫm chân nhau.
Ban Điều phối sẽ là trung tâm thông tin thiết thực, cụ thể nhất cho mọi tình huống, bao gồm cả vấn đề hướng dẫn cung ứng thực phẩm cấp thời như mì gói, gạo... cũng như vật dụng, y tế, tài liệu học tập cho học sinh, hỗ trợ tài chính lập nghiệp mưu sinh… sau khi thiên tai, các sự cố nghiêm trọng qua đi.
“Có một cơ quan điều phối tình huống khẩn cấp vững mạnh sẽ giúp việc cứu trợ do người dân thực hiện được hiệu quả, tránh những bức xúc không đáng có, đảm bảo sự tham gia của cộng đồng bên cạnh những công trình của Nhà nước ở tầm vĩ mô về ứng phó thiên tai”, cư sĩ Huyền Lam kết luận.
Diệu Nghiêm/Báo Giác Ngộ
Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn//thoisu/2020/11/11/1256c3/